Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là tuyến vận tải chi viện chiến lược từ hậu phương lớn miền bắc chi viện cho chiến trường miền nam. Năm 1975, đường Trường Sơn đoạn qua Tây Nguyên đã góp phần đưa bộ đội ta tiến quân vào giải phóng Sài Gòn. Sau 44 năm đất nước thống nhất, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh ngày nay đã nâng cấp, mở rộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra cuộc sống mới trên đại ngàn Trường Sơn.
NDĐT - Quảng Bình là tỉnh hậu phương trực tiếp của miền nam, giữ vị trí xung yếu trên mặt trận giao thông vận tải chi viện tiền tuyến. Đây cũng là nơi có hệ thống đường Trường Sơn dài nhất, hơn 500 km với ba trục dọc và năm trục dọc ngang. Con đường đạn bom, xương máu ngày xưa giờ đã trở thành tuyến giao thông quan trọng trong phát triển kinh tế, du lịch...
NDĐT - 16 năm bám trụ và chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn, có bốn sư đoàn bộ đội công binh, hàng vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, dân quân tự vệ đã luôn nêu cao khẩu hiệu “Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”. Ngày hôm nay chúng tôi đi lại trên còn đường xưa nối hai miền nam - bắc mà cảm giác như trên đầu vẫn nghe tiếng máy bay gầm rú, dưới bánh xe như mặt đất rung chuyển…
NDĐT - Gần nửa thế kỷ sau chiến tranh. Hơn 60 năm kể từ ngày những nét vẽ đầu tiên vạch ra trên bản đồ, những bước chân đầu tiên lội suối băng rừng mở lối con đường huyền thoại Trường Sơn. Đến hôm nay, chúng tôi - hòa vào dòng xe hàng ngàn, hàng vạn lượt qua lại mỗi ngày - đi lại con đường ngày xưa, ngược về quá khứ. Để thấy, dẫu năm tháng đã lùi xa, nhưng những gian khổ, hy sinh, mất mát vẫn còn ở những mảnh đất, với mỗi cảnh đời. Để xúc động, day dứt không nguôi...