NATO ngày càng "nặng gánh" chi phí chiến tranh

NDO - Tính đến cuối tháng tư, tức là một tháng kể từ khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) tiếp nhận quyền chỉ huy chiến dịch quân sự tại Li-bi, đã có 14 trong tổng số 28 nước thành viên NATO tham gia vào chiến dịch này. NATO đã huy động khoảng 200 máy bay chiến đấu, thực hiện hơn 3.700 phi vụ, trong đó có hơn 1.550 vụ oanh kích; 19 tàu của NATO liên tục tuần tra trên Ðịa Trung Hải. Chỉ trong vòng một tháng đầu, cuộc chiến Li-bi đã "ngốn" của Mỹ khoảng 600 triệu USD. Nhưng cuộc chiến này có nguy cơ kéo dài và chi phí chiến tranh đối với NATO sẽ ngày càng nặng nề.

Mặc dù được NATO không kích yểm trợ, phe đối lập ở Li-bi vẫn ở thế giằng co với lực lượng trung thành của Tổng thống M.Ca-đa-phi. 'Ðâm lao phải theo lao', để phá vỡ thế bế tắc trên chiến trường, phương Tây không còn cách nào khác là đẩy mạnh các chiến dịch quân sự của mình. Ngày 20-4, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma và Thủ tướng Anh Ð.Ca-mê-rôn cùng đặt quyết tâm tăng cường sức ép đối với ông Ca-đa-phi. Nhưng tất cả các bên đều rất thận trọng khi được hỏi rằng, liệu phương Tây có trực tiếp điều bộ binh sang tham chiến tại Li-bi hay không. Ban đầu liên quân quyết định chỉ không kích mà không triển khai bộ binh đến Li-bi cũng vì muốn hạn chế tối đa thiệt hại và có thể dễ dàng kiểm soát tình hình. Một khi mở rộng cuộc chiến, rủi ro sẽ tăng lên gấp bội. Li-bi rộng gấp bốn lần I-rắc và chế độ của ông Ca-đa-phi cũng vững chắc hơn nhiều so với của ông X.Hu-xê-in trước kia. Vì vậy, nếu phương Tây vội vã điều binh sĩ trong hoàn cảnh này, tình thế sẽ khó khăn hơn trường hợp của Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan và I-rắc rất nhiều. Lịch sử đã có bài học đắt giá cho việc điều bộ binh vội vàng. Năm 1956, Anh và Pháp cùng đưa binh sĩ sang Ai Cập nhưng chiến dịch của họ nhanh chóng thất bại và phải rút toàn bộ quân ra khỏi khu vực. Từ đó, hầu như không quốc gia nào dám trực tiếp điều bộ binh tới tham chiến ở Bắc Phi.

Khi chính quyền Bu-sơ phát động cuộc chiến tại I-rắc năm 2003, ông Bu-sơ tuyên bố 'mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp hơn', song ông không thể mường tượng ra những khó khăn của việc tái thiết sau chiến tranh, ổn định an ninh và cùng vô số vấn đề khác. Chính Tổng thống Ô-ba-ma cuối tháng ba vừa qua phải thừa nhận: 'Sự thay đổi chế độ ở I-rắc đã mất tám năm, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người Mỹ và I-rắc cũng như gần 1.000 tỷ USD. Ðó là điều mà Mỹ và liên quân không nên lặp lại ở Li-bi'. Tại I-rắc, kể từ năm 2003 đến ngày 29-4 vừa qua, đã có 4.769 binh sĩ liên quân chết, trong đó có 4.451 binh sĩ Mỹ, 179 binh sĩ Anh và 139 binh sĩ các nước khác. Tại Áp-ga-ni-xtan, kể từ năm 2001 đến ngày 29-4 vừa qua, đã có 2.437 binh sĩ liên quân chết, trong đó có 1.563 binh sĩ Mỹ, 364 binh sĩ Anh và 510 binh sĩ các nước khác. Riêng trong năm 2010, khi Tổng thống Ô-ba-ma quyết định leo thang chiến tranh tại Áp-ga-ni-xtan với việc điều thêm 30.000 binh sĩ Mỹ, liên quân đã chịu số thương vong lớn nhất kể từ năm 2001, với 711 binh sĩ liên quân chết, trong đó có 499 binh sĩ Mỹ. Do gánh nặng chiến tranh quá lớn, Mỹ đã quyết định rút hết quân khỏi I-rắc trong năm nay, còn tại Áp-ga-ni-xtan, Mỹ và NATO dự kiến rút quân từ tháng 7 tới và sẽ hoàn tất quá trình rút quân vào năm 2014.

Trong tình hình khó khăn tại I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, NATO đã đặt hy vọng vào phe đối lập ở Li-bi và đẩy mạnh hoạt động viện trợ cho lực lượng này. Anh, Pháp và I-ta-li-a đã cử các cố vấn quân sự tới giúp phe đối lập Li-bi. Mỹ đã lần đầu sử dụng máy bay tiến công không người lái Predator vào cuộc chiến và viện trợ trực tiếp lực lượng chống chính phủ Li-bi các thiết bị không gây sát thương gồm xe chở nhiên liệu, xe cấp cứu, trang thiết bị y tế, áo chống đạn, ống nhòm và đài phát thanh trị giá 25 triệu USD. Tuy nhiên, để 'vực dậy' phe đối lập ở Li-bi sẽ phải lâu dài, tốn kém và khó khăn. Có thể dựa vào thực tế chiến trường Áp-ga-ni-xtan để ước tính khoản đầu tư cho chiến trường Li-bi. Theo đó, Bộ Quốc phòng Mỹ yêu cầu chi 12,8 tỷ USD trong tài khóa 2012 để huấn luyện và trang bị cho lực lượng an ninh của Áp-ga-ni-xtan, gồm 152.000 binh sĩ trong quân đội. Các nước NATO đã được yêu cầu cử 1.495 sĩ quan huấn luyện và 205 đội huấn luyện biên chế 20 người trong quân đội Áp-ga-ni-xtan. Tổng cộng số huấn luyện viên và cố vấn nước ngoài cần cho quân đội Áp-ga-ni-xtan lên đến 10.000 người. Còn ở Li-bi, lực lượng đối lập cần được trang bị xe bọc thép, pháo và bộ binh đã qua huấn luyện. Ðồng thời cũng phải tính đến thương vong khi chiến đấu trong thành phố và chi phí hậu cần và bảo dưỡng, cũng như lực lượng để cô lập hậu phương của Tổng thống Ca-đa-phi. Các chuyên gia ước tính chi phí cho phe đối lập ở Li-bi cũng phải bằng 1/10 chi phí cho huấn luyện và cố vấn cho quân đội Áp-ga-ni-xtan, nghĩa là cần một đội quân 15.000 người, 1.000 cố vấn nước ngoài với mức chi một tỷ USD/năm.

Ðó là chưa kể, cuộc chiến càng kéo dài, phe đối lập ở Li-bi càng bị mang tiếng là câu kết với nước ngoài xâm lược. Ðồng thời, gánh nặng phí tổn chiến tranh sẽ khiến người dân của các nước thành viên NATO sốt ruột và cuộc chiến sẽ chịu nhiều chỉ trích. Nếu tình trạng này kéo dài, phương Tây chắc chắn sẽ gặp nhiều bất lợi bởi các quốc gia này đang phải mang trên mình gánh nặng tài chính. Chỉ tính riêng Mỹ, gánh nặng nợ nần này lên đến 14 nghìn tỷ USD, trong khi Pháp, Anh và I-ta-li-a, mỗi nước thâm hụt ngân sách khoảng 2.000 tỷ USD. Vấn đề liên quân sa lầy tại Li-bi sẽ là tổn thất chính trị cho các nhà cầm quyền ở những nước thành viên NATO năm tới sẽ diễn ra bầu cử như Pháp và Mỹ.