Nỗ lực để kinh tế khu vực và thế giới phát triển bền vững và cân bằng

NDO - Từ ngày 11 đến 14-11 vừa qua, tại Hàn Quốc và Nhật Bản diễn ra hai hội nghị cấp cao (HNCC) quan trọng, gồm HNCC G-20 tại Thủ đô Xơ-un (Hàn Quốc) và Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 18 (HNCC APEC 18) tại thành phố Y-ô-cô-ha-ma (Nhật Bản). Chủ đề chung được thảo luận tại hai HNCC nói trên là những phương hướng và biện pháp nhẰm đưa kinh tế khu vực và thế giới phát triển bền vững và cân bằng. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tham dự HNCC APEC 18 và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự HNCC G-20 với tư cách Chủ tịch đương nhiệm ASEAN và khách mời của chủ nhà Hàn Quốc.

Trong hai ngày 11 và 12-11, HNCC G-20 lần thứ năm diễn ra tại thủ đô Xơ-un (Hàn Quốc), với chủ đề 'Vượt qua khủng hoảng để cùng tăng trưởng'. Ðây là lần đầu HNCC G-20 được tổ chức bên ngoài phạm vi nhóm G-7. Tham dự HNCC G-20 Xơ-un có các nhà lãnh đạo của 20 nước thành viên, đại diện các tổ chức quốc tế và năm khách mời là Việt Nam, Xin-ga-po, Tây Ban Nha, Ma-la-uy và Ê-ti-ô-pi-a. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với tư cách là khách mời của chủ nhà Hàn Quốc và Chủ tịch đương nhiệm ASEAN tham dự HNCC G-20 Xơ-un và có các bài phát biểu quan trọng tại hội nghị.

Các chủ đề chính được thảo luận tại HNCC G-20 Xơ-un gồm: Kinh tế thế giới và khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng; Các vấn đề phát triển; Thương mại; Cải cách các thể chế quốc tế và mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu; Cải cách các quy định tài chính; Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh. HNCC G-20 Xơ-un cũng xem xét việc G-20 có thay thế G-7 hoặc G-8 để trở thành một hội đồng quốc tế lớn nhất hay không. Hiện 20 nước thành viên của G-20 chiếm gần 90% tổng GDP toàn thế giới, 80% thương mại và hai phần ba dân số của thế giới.

HNCC G-20 lần thứ năm đã ra Tuyên bố Xơ-un nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi, nhưng nguy cơ suy thoái vẫn tồn tại. Tuyên bố khẳng định, các nước thành viên G-20 cam kết áp dụng biện pháp điều hành vĩ mô nhằm bảo đảm sự ổn định của thị trường tiền tệ, áp dụng chính sách tiền tệ có lợi cho việc giữ ổn định giá cả và thúc đẩy phục hồi kinh tế, áp dụng chính sách tỷ giá hối đoái do thị trường quyết định và tránh áp dụng biện pháp phá giá mang tính cạnh tranh. Tuyên bố nhấn mạnh, các nền kinh tế cần tăng thêm cơ hội việc làm và tăng cường dịch vụ an sinh xã hội trong quá trình phục hồi kinh tế, đồng ý áp dụng trọn gói biện pháp cải cách cơ cấu.

Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di đã chính thức tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên G-20. Theo kế hoạch, hội nghị tiếp theo sẽ được tổ chức ở thành phố Can, miền nam nước Pháp vào đầu tháng 11-2011.

Các nhà quan sát cho rằng, trong bối cảnh có những khó khăn và nhiều thách thức, nhất là nguy cơ lan rộng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, HNCC G-20 Xơ-un đã đạt những thành công đáng kể. Trong đó, nước chủ nhà Hàn Quốc, với vai trò là cầu nối giữa các nước phát triển và mới nổi, đã có nhiều nỗ lực đóng góp vào thành công này. Mặt khác, quá trình thảo luận tại hội nghị còn cho thấy, các nước đang phát triển đã giành được tiếng nói mạnh hơn tại bàn thương lượng quốc tế. Một trong những kết quả nổi bật của hội nghị là đã thông qua được Ðồng thuận Xơ-un về Phát triển vì tăng trưởng chung với Kế hoạch hành động nhiều năm để cụ thể hóa và thực hiện đồng thuận này. Ðây được coi là những thỏa thuận về nhiều lĩnh vực của các nhà lãnh đạo tham dự HNCC G-20 Xơ-un về các biện pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế thế giới hướng tới sự tăng trưởng bền vững và cân bằng, góp phần củng cố sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh việc hỗ trợ các nước kém phát triển và thu nhập thấp, theo đề xuất của Việt Nam và một số nước đang phát triển tại hội nghị, G-20 cũng ghi nhận sự cần thiết hỗ trợ các nước đang phát triển nói chung. Hội nghị tái khẳng định cam kết của G-20 nỗ lực sớm kết thúc Vòng đàm phán Ðô-ha và chống lại các biện pháp bảo hộ thương mại. Hội nghị thông qua nhiều quy định mới về cải cách các quy định tài chính nhằm đề phòng rủi ro trong các hệ thống tài chính, đồng thời đạt được đồng thuận về các biện pháp cải cách Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) theo hướng tăng quyền bỏ phiếu của các nước đang phát triển. Sáng kiến của Hàn Quốc về thành lập Mạng lưới An toàn tài chính toàn cầu, nhằm tìm giải pháp tối ưu cho hợp tác quốc tế về chính sách tỷ giá hối đoái để giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại hiện nay, được nhiều nước ủng hộ và sẽ được tiếp tục nghiên cứu triển khai tại HNCC G-20 năm 2011 ở Pháp.

Ngay sau HNCC G-20, trong hai ngày 13 và 14-11, tại thành phố Y-ô-cô-ha-ma (Nhật Bản), diễn ra HNCC APEC 18 với chủ đề 'Ðổi mới và Hành động'. Tham dự Hội nghị có các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dẫn đầu Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị.

Các nhà lãnh đạo dự HNCC APEC 18 đã tập trung thảo luận về tình hình thế giới và khu vực cũng như việc phối hợp chính sách giữa các nền kinh tế thành viên. Trong đó, các chủ đề được đề cập là việc thực hiện các Mục tiêu Bô-go, thúc đẩy Vòng đàm phán Ðô-ha, chống chủ nghĩa bảo hộ, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, cải thiện chuỗi cung ứng khu vực... Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh, cục diện kinh tế thế giới đang diễn ra những chuyển biến sâu sắc, trong đó châu Á - Thái Bình Dương trở thành khu vực phát triển kinh tế năng động nhất với các chuỗi cung ứng được mở rộng, ứng dụng công nghệ thông tin và liên kết khu vực sâu rộng.

Với tinh thần 'Ðổi mới và Hành động', các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua Tuyên bố 'Tầm nhìn Y-ô-cô-ha-ma - Mục tiêu Bô-go và tương lai' cùng ba văn kiện kèm theo là 'Tuyên bố đánh giá thực hiện các Mục tiêu Bô-go', 'Chiến lược tăng trưởng của APEC' và 'Biện pháp hướng tới Khu vực mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP)'. Tuyên bố chung và ba văn kiện nói trên trình bày chiến lược phát triển đến năm 2015 với trọng tâm đề cập những phương hướng và biện pháp nhằm bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững. Trong đó nhấn mạnh, các thành viên APEC tiếp tục giữ lập trường chống chủ nghĩa bảo hộ và thỏa thuận kiềm chế để không xảy ra tình trạng cạnh tranh phá giá tiền tệ, chống tạo lập những rào cản mới trong đầu tư hay thương mại, không phù hợp các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Các nhà quan sát cho rằng, thành công nổi bật của HNCC APEC 18 là các nhà lãnh đạo APEC khẳng định quyết tâm mở rộng thương mại tự do khu vực, tiến tới hình thành FTAAP, trong đó lần đầu APEC dùng từ 'cộng đồng' khi nói đến tầm nhìn tương lai APEC.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có bài phát biểu quan trọng tại HNCC APEC 18. Với vai trò Chủ tịch ASEAN 2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nêu bật những thành tựu của ASEAN và những đóng góp của Hiệp hội trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thông báo quyết định của Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định Ðối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với tư cách thành viên chính thức, đồng thời tham dự cuộc họp cấp cao đầu tiên của chín nước thành viên TPP, gồm Bru-nây, Chi-lê, Hoa Kỳ, Ma-lai-xi-a, Niu Di-lân, Ô-xtrây-li-a, Pê-ru, Xin-ga-po và Việt Nam.

Dư luận hy vọng những kết quả đạt được tại HNCC G-20 và HNCC APEC 18 sẽ góp phần giúp nền kinh tế thế giới khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, bước vào giai đoạn phát triển ổn định và cân bằng, đồng thời đưa tiến trình hợp tác APEC đi vào giai đoạn tăng trưởng và liên kết mới thực chất và hiệu quả hơn.