Gói cứu trợ Hy Lạp khi nào đạt hiệu quả

NDO - Liều thuốc trợ lực khẩn cấp cho nền kinh tế Hy Lạp đang ngập trong nợ vừa được nhất trí và một gói cứu trợ EU/IMF mới cũng sẵn sàng. Trong khi đó, biện pháp trợ giúp tài chính chưa có tiền lệ này của EU, đi kèm đòi hỏi A-ten cắt giảm chi tiêu quy mô cực lớn, vẫn chưa phát huy tác dụng. Người dân Hy Lạp phản đối biện pháp kinh tế hà khắc của chính phủ và giận dữ vì chính sách "cây gậy và củ cà rốt" của EU.

Tại cuộc họp ngày 20-6 vừa qua tại Brúc-xen (Bỉ), các Bộ trưởng Tài chính các nước Khu vực đồng ơ-rô cam kết tiếp tục giải ngân 12 tỷ ơ-rô, đợt thứ năm trong gói cứu trợ trị giá 110 tỷ ơ-rô được Liên hiệp châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhất trí cấp cho Hy Lạp từ năm ngoái, với dự đoán sẽ giúp A-ten 'lấy lại thăng bằng' vào năm 2013. Khoản này dự kiến được cấp vào giữa tháng 7 này, sau khi kế hoạch thứ hai về cắt giảm chi tiêu và cải cách kinh tế của chính quyền A-ten, theo yêu sách của EU, đã được QH nước này thông qua. Gói giải ngân này hết sức cấp bách, nhằm giúp A-ten thanh toán khoản nợ bảy tỷ ơ-rô đáo hạn ngày 18-7.

Tình thế loay hoay đi vay để trả nợ đặt Chính phủ của Thủ tướng G.Pa-pan-đrê-u trước nguy cơ mất kiểm soát nền kinh tế. Vòng luẩn quẩn này cùng với thực tế tổng nợ công hiện lên tới 340 tỷ ơ-rô (khoảng 150% GDP) là cơ sở để EU tăng sức ép đòi A-ten đẩy nhanh hơn nữa các biện pháp cắt giảm ngân sách, cải cách và tăng hiệu quả kinh tế, nhằm đổi lấy các gói trợ giúp tài chính. EU ra điều kiện, chính quyền A-ten phải bảo đảm uy tín để có thể tiếp tục huy động được vốn; thực hiện các cam kết về cắt giảm chi tiêu, từng bước giải quyết vấn đề nợ công...

Nhằm thỏa mãn đòi hỏi của EU để đối lấy khoản giải ngân tiếp theo, cũng như có cơ hội nhận thêm gói cứu trợ mới, Thủ tướng G.Pa-pan-đrê-u buộc phải đưa ra gói biện pháp 'thắt lưng buộc bụng' mới, cải tổ chính phủ và thỏa hiệp với phe đối lập. Kế hoạch 'ăn kiêng' thứ hai này dự trù cắt giảm 28,4 tỷ ơ-rô các khoản chi tiêu công, tăng thuế và nhất là tiến hành chương trình tư nhân hóa lớn chưa từng có ở châu Âu, trị giá tới 50 tỷ ơ-rô... Tuy nhiên, chính sách kinh tế khắc khổ của chính quyền A-ten vấp phải bất bình của người dân. Các cuộc biểu tình rầm rộ có hàng nghìn người tham gia tại Thủ đô A-ten, phản đối kế hoạch kinh tế mới, vì cho rằng sẽ đẩy thêm nhiều người dân vào khó khăn, đói nghèo. Họ cáo buộc chính phủ bỏ qua lợi ích của người dân khi chấp thuận các đòi hỏi quá mức của EU và tuyên bố sẽ không 'trả nợ' hộ cho Nhà nước...

Hơn một năm trôi qua kể từ khi Hy Lạp nhận được khoản trợ giúp đầu tiên của EU và IMF, thực tế cho thấy nước này lún sâu hơn vào khủng hoảng. Gói tài chính 110 tỷ ơ-rô được EU và IMF cam kết hỗ trợ Hy Lạp là nhằm giúp A-ten có điều kiện tiếp tục vay nợ với lãi suất nhẹ hơn. Thế nhưng, hơn 53 tỷ ơ-rô đã được giải ngân trong một năm qua không đạt mục tiêu này. Thậm chí, lãi suất vay vốn thời hạn 10 năm A-ten phải trả liên tục tăng, tháng 5-2010 là 12% và hiện lên hơn 17%. Câu hỏi đặt ra là vì sao các gói cứu trợ không giúp A-ten cải thiện tình hình nợ.

RFI dẫn nhận định của giáo sư Ð.Pli-ông của Ðại học Pa-ri (Pháp) lý giải thực tế này: EU đã quá lạc quan khi cho rằng Hy Lạp sẽ nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng, nếu áp dụng chính sách siết chặt chi tiêu, từ đó giảm nợ công và bội chi ngân sách, rồi vươn lên sau giai đoạn khó khăn. Ðiều này chỉ xảy ra nếu Hy Lạp có mạng lưới kinh tế và công nghiệp hiệu quả, tiềm năng tăng trưởng cao. Tuy nhiên, Hy Lạp không hội đủ các yếu tố này. Trong điều kiện hiện nay, Hy Lạp không có khả năng phá giá đồng nội tệ để đẩy mạnh xuất khẩu, nhằm lấy lại cân bằng cán cân vãng lai. Hiện Khu vực đồng ơ-rô chưa có một cơ quan nào đủ chức năng đứng ra tập trung và bảo lãnh các khoản nợ quốc gia của thành viên 'lâm nạn'. Ðiều này khiến Hy Lạp trở thành mục tiêu tiến công của các nhà đầu cơ, khi phải vay vốn với lãi suất cực cao, gấp ba bốn lần mức các ngân hàng trung ương khác phải trả. Giáo sư Pli-ông nhận định, chừng nào mức lãi suất vay nợ vẫn tỷ lệ nghịch với tốc độ tăng trưởng kinh tế thực tế, thì chưa thể nói tới khả năng Hy Lạp giải quyết được khủng hoảng nợ.

Người dân Hy Lạp không còn mặn mà với các gói giải cứu của bên ngoài. Các kế hoạch của EU và IMF được dán mác 'trợ giúp tài chính', nhưng thực tế là cho vay vốn có lãi suất, dù ở mức phải chăng. EU cho Hy Lạp vay với lãi suất 5%, từ chính khoản vốn họ đi vay với mức chỉ 3%. Chính điều này khiến dư luận Hy Lạp bất bình, vì cho rằng EU đang hành xử như một ngân hàng, một chủ nợ, chứ không thật sự là giúp đỡ A-ten.

Nhưng dù thế nào, trong hoàn cảnh khốn khó hiện nay, Hy Lạp vẫn cần tới các khoản trợ giúp từ EU. Gói giải ngân 12 tỷ ơ-rô sắp tới có thể giúp nước này cầm cự cho tới cuối năm. Sau đó, một kế hoạch cứu trợ thứ hai sẽ được bàn tới. Nhiều khả năng gói tài chính này trị giá khoảng 100 tỷ ơ-rô, trong đó EU và IMF góp 30 tỷ ơ-rô, phần còn lại là đóng góp của các nhà tín dụng và khoản thu từ chương trình tư nhân hóa tài sản của Hy Lạp.