Chính phủ mới của Thái-lan đối mặt nhiều thách thức

NDO - Là đảng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử QH Thái-lan ngày 3-7 vừa qua với số phiếu áp đảo 265/500 ghế tại Hạ viện, nhưng phải mất hơn nửa tháng sau đó, đảng Vì nước Thái (PTP) mới thở phào nhẹ nhõm để ăn mừng. Ðó là khi ủy ban bầu cử (EC) Thái-lan xác nhận bà Dinh-lắc Xin-na-vắt, Chủ tịch đảng PTP, là nghị sĩ QH, chấm dứt chuỗi ngày chính trường "căng như dây đàn" vì chưa ngã ngũ ai là người thắng, kẻ thua trong cuộc bầu cử hết sức quyết liệt ở nước này.

Bầu cử QH và những kỳ vọng

Bầu không khí trên chính trường Thái-lan trước bầu cử rất sôi động và khá căng thẳng. Những "sắc mầu" chính trị cũng được phô diễn, trong đó nổi bật vẫn là hai lực lượng chính trị chủ chốt của đất nước: Phe "áo đỏ" ủng hộ cựu Thủ tướng Thặc-xỉn và phe "áo vàng" ủng hộ đảng Dân chủ, thực chất là ủng hộ Nhà Vua. Cử tri Thái-lan được các phương tiện thông tin đại chúng nước này tường thuật trực tiếp mọi diễn biến về cuộc bầu cử. Trong số 500 ghế hạ nghị sĩ của QH khóa mới, có 375 ghế được bầu trực tiếp tại các khu vực bầu cử và số còn lại được chọn lựa theo hệ thống danh sách đảng (dựa vào tỷ lệ số phiếu mà mỗi đảng nhận được). Sự quyết liệt của cuộc tổng tuyển cử với hơn 3.820 ứng viên thuộc 40 chính đảng đua tranh buộc EC huy động một lực lượng lên tới 1,2 triệu người thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho bầu cử diễn ra tự do, minh bạch và công bằng theo đúng chuẩn mực quốc tế. Cả hai ứng cử viên đại diện cho hai đảng chủ chốt trong cuộc tranh cử lần này, là các ứng cử viên A. Vê-cha-vi-va và Dinh-lắc Xin-na-vắt, đều kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho đảng mình đại diện vì tương lai của Thái-lan.

Ðúng như nhiều dự báo trước đó, cuộc tổng tuyển cử ngày 3-7 ở Thái-lan diễn ra quyết liệt chưa từng có, nhất là giữa các đảng chống đối và thân cận với cựu Thủ tướng bị lật đổ Thặc-xỉn. Cử tri ở Băng-cốc, các tỉnh miền nam, miền trung Thái-lan và nhất là ở phía bắc và đông - bắc nước này đã đem lại chiến thắng vang dội cho PTP. Kết quả chính thức cuộc tổng tuyển cử do EC công bố cho thấy, đảng PTP giành được 265/500 ghế tại Hạ viện, vượt xa đảng Dân chủ (159 ghế). Dù có thể tự đứng ra thành lập chính phủ mới, nhưng bà Dinh-lắc tuyên bố PTP vẫn liên minh với các đảng khác, gồm Chartthaipattana, Chart Pattana Puea Pandin, Phalangchon, Mahachon và ND, để lãnh đạo đất nước. Liên minh chiếm đa số ghế QH còn giúp nhà lãnh đạo tương lai của Thái-lan đối phó hiệu quả hơn lực lượng chống đối nhiều uy lực ở nước này. Thực tế cho thấy, trong vài năm trở lại đây, không một đảng cầm quyền nào ở Thái-lan có thể trụ vững hơn một phần ba nhiệm kỳ. Dư luận Thái-lan kỳ vọng, chính phủ mới giúp đưa Thái-lan thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài, với những mâu thuẫn về lợi ích của nhiều phe phái trong xã hội trở nên gay gắt và sâu sắc hơn bao giờ hết.

PTP đối mặt không ít khó khăn

Các nhà quan sát cho rằng, sân khấu chính trị Thái-lan có thể tạm yên với chủ nhân mới là bà Dinh-lắc, Chủ tịch đảng PTP và là người sẽ trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Thái-lan. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa con đường phía trước của nhà lãnh đạo tương lai cũng như đảng cầm quyền PTP là bằng phẳng. Ðể đi đến cuộc họp QH khóa mới nhiệm kỳ 2011-2014 đầu tiên, chính trường Thái-lan có lúc "căng như dây đàn" do 16 ngày sau ngày bầu cử, EC mới công nhận bà Dinh-lắc là nghị sĩ QH. Trước đó, EC tạm thời chưa thừa nhận bà Dinh-lắc và một số ứng viên khác trúng cử do bị cáo buộc có sự can thiệp của những người khác hay mua bán phiếu bầu.

Sinh năm 1967, ở tỉnh Chiềng Mai, miền bắc Thái-lan, bà Dinh-lắc là con út trong đại gia đình của cựu Thủ tướng Thặc-xỉn. Bà tốt nghiệp ngành khoa học chính trị tại Ðại học Chiềng Mai, sau đó nhận bằng thạc sĩ về hành chính công tại Ðại học bang Ken-tắc-ki, Mỹ. Trước khi chính thức tuyên bố tham gia chính trường, bà là người giàu kinh nghiệm trong điều hành tập đoàn kinh tế của gia đình. Vì vậy mà không ít đồn đoán cho rằng, rất có thể bà Dinh-lắc vẫn phải dựa vào "cái bóng" của anh trai trong việc điều hành đất nước. Trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, đảng PTP đã giành thắng lợi áp đảo nhờ không ít lá phiếu ủng hộ của cử tri thuộc phe "áo đỏ". Ðiều đó cho thấy "cái bóng" của ông Thặc-xỉn vẫn rõ nét ở quê hương xứ Chùa Vàng của ông, nơi hàng chục triệu người xả thân ủng hộ ông ngay cả khi ông vắng mặt trên chính trường một thời gian khá dài. Việc bổ nhiệm các vị trí trong chính phủ mới hẳn là một tiến trình khó khăn đối với PTP và cá nhân bà Dinh-lắc, bởi ban lãnh đạo mới cần vừa bảo đảm được sự dung hòa các lợi ích của liên minh cầm quyền, lại vừa làm sao để "kiềm chế" được các lực lượng đối lập, những người muốn loại trừ hoàn toàn ảnh hưởng của nhân vật Thặc-xỉn khỏi chính trường Thái-lan.

Làm sao khôi phục nền kinh tế phát triển và bảo đảm sự tăng trưởng bền vững trong bối cảnh lạm phát đã và đang gia tăng cũng là thách thức đè nặng trên vai ban lãnh đạo mới của Thái-lan trong lúc này. Ðể đối phó tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay, bà Dinh-lắc cam kết lựa chọn kỹ ban lãnh đạo mới của đất nước dựa trên năng lực, trình độ và kinh nghiệm làm việc nhằm bảo đảm Thái-lan có một chính phủ hoạt động hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích nhất cho quốc gia. Bà cho biết, chính phủ sẽ bắt tay ngay vào thực hiện các chính sách kinh tế lớn mà đảng PTP đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử sau khi công bố chính sách này tại phiên họp đầu của QH nhiệm kỳ mới. Một số chuyên gia phân tích lo ngại, cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của PTP trước mắt có thể tạo bùng nổ về tiêu dùng và đầu tư cho Thái-lan, nhưng nó cũng có thể gây một loạt vấn đề, như gia tăng các khoản nợ, trì hoãn cải cách kinh tế và chi phí kinh doanh cao hơn.

Một thách thức khác không thể không đề cập, đó là việc Chính phủ mới phải giải quyết êm thấm tình hình an ninh đất nước. Nội bộ là các vụ bạo lực sắc tộc ở ba tỉnh miền nam Thái-lan, gồm Y-a-la, Na-ra-thi-vát và Pát-ta-ni vẫn diễn biến ngày càng phức tạp, gây nhức nhối trong dư luận nước này. Kể từ khi bùng phát từ năm 2004 đến nay, bạo lực tại khu vực này đã cướp sinh mạng của hơn 4.000 người. Và bên ngoài là vụ tranh chấp chưa có hồi kết với đất nước Cam-pu-chia láng giềng tại khu vực rộng 4,6 km2 chung quanh ngôi đền cổ Prếch Vi-hia giữa biên giới hai nước.