Châu Á chống  lạm phát

NDO - Bước vào năm 2011, hầu hết các nền kinh tế ở châu Á, khu vực dẫn đầu quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu, lại vật lộn chống chọi tình trạng lạm phát nghiêm trọng. Thời tiết khắc nghiệt, nguồn cung lương thực hạn chế, giá dầu và nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao, khiến các chính phủ ở khu vực áp dụng hàng loạt biện pháp, trong đó có siết chặt chính sách tiền tệ, nhằm đẩy lùi "bóng ma" lạm phát.

Trong bối cảnh lạm phát gia tăng tại nhiều nền kinh tế, giới chuyên gia lo ngại tình trạng này đang trở thành hiểm họa lớn nhất, đe dọa các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi, trong đó có khu vực châu Á. Các chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1-2011 vừa được nhiều chính phủ châu Á công bố cho thấy tình trạng lạm phát hoành hành tại hầu hết các nền kinh tế khu vực. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo nếu không có các biện pháp kịp thời, lạm phát sẽ tạo áp lực trên diện rộng, đẩy giá nhiều mặt hàng tăng hơn nữa.

Theo Cục Thống kê Trung Quốc, CPI của nước này trong tháng 1-2011 tăng 4,9%, thấp hơn dự báo (5%) nhưng vẫn cao hơn mức 4,6% trong tháng 12-2010 và chỉ thấp hơn 0,2% so mức kỷ lục (5,1%) tháng 11-2010. Giá lương thực (chiếm một phần ba trong rổ hàng hóa tính CPI) tăng 10,3% so cùng kỳ năm 2010, trong đó giá ngũ cốc tăng 15,1%; trái cây 34,8%. Tại In-đô-nê-xi-a, CPI tháng 1 vừa qua tăng 7,02%. Trong đó, giá ớt, thành phần chính trong các món ăn của người In-đô-nê-xi-a, có lúc tăng tới mười lần. Tại Ấn Ðộ, giá thực phẩm tháng 1 tăng 15,56%, giá xăng tăng 11,41%, là mức tăng lớn hơn so các mức 13,55% và 11,19% trong tháng 12-2010. Còn tại Hàn Quốc, CPI tháng 1 tăng 4,1%, so mức tăng 3,5% trong tháng 12-2010, cao hơn nhiều so mục tiêu của chính phủ nước này kiềm chế lạm phát ở mức 3% trong năm 2011... Tháng 1 vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán tháo tới 1,3 tỷ USD trái phiếu chính phủ In-đô-nê-xi-a, khiến trái phiếu đồng nội tệ của nước này mất 5% giá trị. Ðồng ru-pi Ấn Ðộ cũng mất giá 4%... Các quốc gia Ðông - Nam Á khác, như Thái-lan, Ma-lai-xi-a, Việt Nam... cũng không nằm ngoài vòng xoáy của bão lạm phát.

Các nền kinh tế khu vực Trung Á, vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn lương thực nhập khẩu, đang chịu tác động nặng nề của tình trạng tăng giá trên thị trường thế giới. Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng, Trung Á là khu vực có giá lương thực tăng mạnh nhất, trong khi người dân vẫn phải dành phần lớn thu nhập (hơn 50%) để mua lương thực. Tình trạng khó khăn nhất là ở U-dơ-bê-ki-xtan, Tát-gi-ki-xtan và Cư-rơ-gư-xtan. Nghiêm trọng hơn cả là tại Tát-gi-ki-xtan: Giá bột mì trong tháng 1 vừa qua tăng vọt lên 27-32 USD/bao, so với 20-22 USD/bao trong tháng 12-2010. Trong khi đó, thu nhập trung bình của người dân chỉ 70 USD/tháng và bánh mì là lương thực chính của người Tát-gi-ki-xtan...

Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, đe dọa quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, các chính phủ châu Á đã thực thi nhiều biện pháp mạnh, nhằm ngăn chặn giá cả leo thang. Tuy nhiên, mục tiêu đặt ra là kiềm chế sức ép lạm phát nhưng không làm giảm quá mức tốc độ tăng trưởng kinh tế và đây là thách thức lớn nhất mà các nền kinh tế khu vực đang phải giải quyết. Hàng loạt ngân hàng trung ương khu vực, từ Trung Quốc, Hàn Quốc, tới Ấn Ðộ, In-đô-nê-xi-a, Thái-lan... đều phải liên tục nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Ðây được coi là 'vũ khí cơ bản' đối phó vấn đề nóng hiện nay của các nền kinh tế châu Á. Tình trạng cung bị phá vỡ do tăng trưởng quá nóng và luồng tiền dư thừa do chính sách tiền tệ nới lỏng tại các nước phát triển. Trung Quốc hiện coi chống lạm phát là giải pháp để ổn định xã hội. Hàn Quốc chuyển trọng tâm từ 'tăng trưởng kinh tế' sang 'chống lạm phát'... Ngày 8-2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) quyết định tăng lãi suất, lần thứ ba trong vòng bốn tháng. Mười ngày sau, ngày 18-2, (PBOC) tiếp tục nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0,5%, lên mức kỷ lục 19,5%, đối với các ngân hàng nước này. Ngân hàng trung ương In-đô-nê-xi-a cũng nâng lãi suất thêm 0,25%, lên 6,75%...

Cùng với tăng lãi suất, chính phủ các nước châu Á cũng sử dụng các biện pháp trực tiếp để kiểm soát giá cả, nhất là giá lương thực - nguyên nhân số một gây lạm phát tại châu Á. Ấn Ðộ mở cửa kho dự trữ lúa gạo và cam kết không áp thuế đối với dầu thực vật nhập khẩu. Chính phủ cũng lệnh cấm xuất khẩu hành, tăng nhập khẩu mặt hàng này (chủ yếu từ Pa-ki-xtan). In-đô-nê-xi-a đầu tư 111 triệu USD để ổn định giá thực phẩm và 222 triệu USD bù lỗ cho nông dân bị thiệt hại do biến đổi khí hậu. Chính phủ quyết định thu mua thêm gạo nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa và tăng dự trữ gạo. Chính phủ Hàn Quốc cũng xuất kho dự trữ để cung cấp thêm cho thị trường, trong khi vẫn thúc đẩy giảm thuế nhập khẩu ngô, lúa mì và các mặt hàng lương thực thiết yếu hằng ngày. Trung Quốc đầu tư một tỷ USD để chống chọi tình trạng thiếu hụt lương thực do hạn hán, đồng thời cam kết loại bỏ tình trạng đầu cơ lương thực và kiểm soát trực tiếp giá một số loại lương thực. Tại khu vực Trung Á, Chính phủ U-dơ-bê-ki-tan thường xuyên thanh tra, kiểm tra thị trường, ấn định mức giá tối đa và tăng lương cho công nhân viên; Chính phủ Cư-rơ-gư-xtan tuyên bố sẽ can thiệp thị trường nếu giá tăng đột ngột hơn 10%. Trong khi đó, Xin-ga-po cho biết sẽ không áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế, nhưng cam kết sẽ giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng phát triển quá nóng dẫn đến lạm phát cao...

Ủy ban Kinh tế và xã hội LHQ khu vực châu Á - Thái Bình Dương cảnh báo: Châu Á là nơi có khoảng 980 triệu người thu nhập dưới 1,25 USD/ngày, phần lớn thu nhập dùng để mua thực phẩm. Do đó, giá cả tăng cao kéo theo chỉ số dinh dưỡng thụt lùi và số người tái nghèo tăng trở lại. Trong khi đó, nguy cơ lặp lại cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu chưa được đẩy lùi, khi hiện tượng thiếu hụt lương thực trên thế giới bắt đầu rõ nét. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của LHQ cảnh báo, giá nông sản, lương thực và nhu yếu phẩm hiện đã tăng cao chưa từng thấy, kể từ năm 1990 và điều đáng lo ngại là chưa có dấu hiệu ngừng lại. Theo FAO, chỉ số giá của 55 mặt hàng được coi là 'tất yếu' với đời sống con người đã vượt mức tại thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng lương thực thế giới năm 2008. Ðể ngăn chặn tình trạng trên, giới chuyên gia khuyến cáo các biện pháp cấp bách. Ðó là, giảm việc sử dụng nông sản để chế biến ê-tha-nôn; bảo vệ nguồn nước và diện tích canh tác nông nghiệp; giảm tốc độ đô thị hóa trên toàn cầu...