Cân bằng quan hệ Ðông-Tây

NDO - Chuyến thăm châu Âu của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma những ngày cuối tháng 5 vừa qua với trọng tâm ở Anh được cho là nhằm "tái kết nối" các đồng minh châu Âu để hậu thuẫn Oa-sinh-tơn giải quyết các vấn đề an ninh và kinh tế thế giới. Chuyến thăm còn là dịp để Mỹ khẳng định nước này không quên quan hệ với các đồng minh phương Tây dù chính sách đối ngoại dưới thời Tổng thống Ô-ba-ma cho thấy sự chuyển hướng quan tâm của Oa-sinh-tơn về phía đông với Trung Quốc và Ấn Ðộ và về phía nam với các quốc gia Mỹ la-tinh.

Xốc lại quan hệ đặc biệt với Anh

Sau chuyến thăm Ai-len, Anh là chặng dừng chân quan trọng nhất trong chuyến công du châu Âu của Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma. Sự kiện Tổng thống Mỹ thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước lần đầu trong vòng tám năm qua tới Anh được coi là cơ hội để Mỹ tái khẳng định sức mạnh của mối 'quan hệ đặc biệt' giữa Oa-sinh-tơn và Luân Ðôn. Gần đây, quan hệ Mỹ-Anh đã không còn ăn ý như dưới thời cựu Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ và cựu Thủ tướng Anh T.Ble. Những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của chính quyền Ô-ba-ma và diễn biến hiện nay tại các chiến trường Li-bi và Áp-ga-ni-xtan đang làm lộ rõ các khúc mắc trong quan hệ Mỹ-Anh. Châu Âu và Mỹ không hài lòng nhau chung quanh việc Mỹ không thực hiện cam kết đóng cửa hoàn toàn nhà tù Goan-ta-na-mô, cầm chừng khi tham gia cuộc chiến ở Li-bi, mâu thuẫn trong chính sách phát triển kinh tế thời hậu khủng hoảng; còn Anh dự định rút mười nghìn binh sĩ khỏi Áp-ga-ni-xtan... Vì vậy, chuyến thăm Anh của ông Ô-ba-ma là cơ hội để hai bên xốc lại mối quan hệ đối tác chiến lược, thống nhất chương trình hành động trong bối cảnh diễn biến tại khu vực Trung Ðông và Bắc Phi phức tạp, gây bất lợi cho cả Mỹ và Anh.

Trong buổi thuyết trình trước Thượng viện và Hạ viện Anh tại Cung điện Oét-min-xtơ, sự kiện rất hiếm hoi vì tòa nhà này là nơi thường dành riêng cho người đứng đầu ngai vàng nước Anh, Tổng thống Ô-ba-ma nhấn mạnh sự cam kết bền vững của Mỹ với châu Âu, khẳng định châu Âu vẫn là 'đối tác nền tảng' của Oa-sinh-tơn trong xử lý các vấn đề quốc tế. Tại cuộc hội đàm giữa Tổng thống Ô-ba-ma và Thủ tướng nước chủ nhà Ð.Ca-mê-rôn, hai bên nhất trí thành lập Ban điều hành Chiến lược an ninh quốc gia chung để xác định những thách thức an ninh và kinh tế dài hạn của cả hai nước.

Dù người đứng đầu Nhà trắng trấn an rằng đây là thời điểm Mỹ và châu Âu giữ vai trò lãnh đạo thế giới và sự trỗi dậy của các quốc gia mới nổi, như Trung Quốc hay Ấn Ðộ, không làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ và châu Âu trên toàn cầu, thì Anh vẫn còn nhiều băn khoăn nếu quyết định đảm trách vai trò quốc tế lớn hơn. Theo các nhà phân tích, Anh phải sớm quyết định mức độ gánh nặng chi phí quân sự mà nước này chuẩn bị gánh vác. Việc cắt giảm chi phí quốc phòng của Anh trong năm 2010 cho thấy, khả năng của Anh trong việc thực hiện sứ mệnh ở nước ngoài sẽ giảm đi. Trong thời gian tới, nếu Anh muốn tiếp tục duy trì tiếng nói trên trường quốc tế để tương xứng với vị trí đồng minh thân thiết của Mỹ thì đầu tư cho chi phí quân sự phải tăng lên. Ðây đang là một thách thức với nước Anh bởi những cam kết ở Li-bi và Áp-ga-ni-xtan đã đến ngưỡng dành cho chi phí quân sự của nước này. Dù những quyết định chiến lược chưa thể sớm đưa ra thì với xu thế quyền lực toàn cầu đang dịch chuyển về phía đông, nước Anh không thể trì hoãn mãi. Trong khi đó, Mỹ và Anh vẫn tồn tại bất đồng chung quanh chiến lược quân sự tại Li-bi và cách thức thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Ðông. Ngoài ra, do nguồn lực của cả hai nước này đều giảm sút mạnh trong thời gian qua, nên Oa-sinh-tơn và Luân Ðôn khó có thể đạt được tham vọng lãnh đạo thế giới của mình trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh có sự vươn lên mạnh mẽ của hàng loạt nước mới nổi.

Không lãng quên Ðông Âu

Sau khi dự Hội nghị cấp cao G8 tại Pháp thảo luận vấn đề an ninh năng lượng, tình hình bất ổn ở khu vực Trung Ðông và Bắc Phi và thực trạng kinh tế thế giới, Tổng thống Ô-ba-ma đã tới thăm Ba Lan trong chặng dừng chân cuối cùng của chuyến công du châu Âu để tìm cách trấn an Vác-sa-va rằng, Oa-sinh-tơn không lãng quên Ba Lan trong khi đang cố cải thiện mối quan hệ với Nga. Nhà trắng khẳng định, chuyến thăm Ba Lan của ông Ô-ba-ma nhằm thể hiện sự can dự ngày càng mạnh mẽ của Mỹ ở châu Âu và Mỹ tiếp tục tăng cường các mối quan hệ kinh tế và an ninh với các nước Ðông Âu. Tổng thống Ô-ba-ma đã hội đàm với Tổng thống Ba Lan B.Cô-mô-rốp-xki và Thủ tướng Ð.Tu-xcơ về các vấn đề an ninh và kinh tế song phương, việc binh sĩ Ba Lan tham gia các chiến dịch tại Áp-ga-ni-xtan; đồng thời ông có cuộc làm việc với 20 nhà lãnh đạo các nước Trung và Ðông Nam Âu đang tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 17 các nước khu vực tại Vác-sa-va.

Dù Ba Lan không phải là trọng tâm chuyến công du châu Âu của Tổng thống Ô-ba-ma song những vấn đề bàn thảo giữa hai bên được dư luận hết sức quan tâm vì sẽ liên quan các nỗ lực tái khởi động quan hệ Nga-Mỹ sau này. Trước sự phản đối mạnh mẽ của Nga, Tổng thống Ô-ba-ma đã phải hoãn việc thông báo về quyết định triển khai các tên lửa đánh chặn SM-3, một bộ phận của lá chắn tên lửa (NMD) của Mỹ tại Ba Lan từng được Tổng thống G.Bu-sơ thỏa thuận với Ba Lan và Séc trước đó. Ðây cũng là chủ đề được Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma và Tổng thống Nga Mét-vê-đép thảo luận bên lề Hội nghị cấp cao G8 do Nga lo ngại kế hoạch xây dựng NMD của Mỹ ở châu Âu sẽ gây nên sự mất cân bằng chiến lược, đe dọa an ninh Nga và cản trở việc tái khởi động quan hệ Nga-Mỹ. Dù Ba Lan thất vọng khi Oa-sinh-tơn hủy bỏ kế hoạch đặt lá chắn tên lửa tại nước này song dư luận cho rằng, đó là cố gắng của Mỹ làm an lòng Nga, nhất là trong bối cảnh Mát-xcơ-va có dấu hiệu kém nhiệt tình trong quan hệ với Oa-sinh-tơn và chưa rõ quá trình tái khởi động quan hệ song phương sẽ bị ảnh hưởng như thế nào sau cuộc bầu cử Tổng thống Nga sắp tới. Những dấu hiệu nhạy cảm đối với vấn đề phòng thủ tên lửa xuất hiện trước đó khi Tổng thống Nga Ð.Mét-vê-đép bình luận rằng, có thể giải pháp cuối cùng cho hệ thống phòng thủ sẽ không đạt được trước khi ông và ông Ô-ba-ma rút khỏi chính trường.

Theo các nhà phân tích, với mục đích tăng cường quan hệ giữa Mỹ với châu Âu, sau khi có nhiều ý kiến chỉ trích rằng trong hai năm đầu tiên cầm quyền Tổng thống Ô-ba-ma ít quan tâm những người bạn cũ này và hướng nhiều về phương đông, chuyến công du châu Âu của ông Ô-ba-ma nhằm cân bằng quan hệ Ðông-Tây đã ít nhiều có kết quả. Tuy nhiên, tham vọng liên minh Mỹ-Anh trở thành trụ cột lãnh đạo thế giới sẽ gặp nhiều khó khăn do các đồng minh phương Tây của Mỹ còn đang cân nhắc về việc gánh vác thêm trách nhiệm hay tăng thêm chi phí quốc phòng. Hơn nữa, ngay cả mong muốn tăng cường quan hệ với khu vực Ðông Âu của Mỹ cũng phải tiến hành thận trọng do những khúc mắc với Nga chung quanh vấn đề NMD chưa được hóa giải khiến kế hoạch thiết lập hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở Ðông Âu chưa thể đẩy nhanh trong thời gian tới.