"Chiếm phố Uôn" và mặt trái của chủ nghĩa tư bản

NDO - Khởi đầu bằng một "nhúm" người nghe theo lời kêu gọi "vu vơ" của tạp chí Adbusters, chỉ trong vòng hơn một tháng, các cuộc biểu tình của phong trào "Chiếm phố Uôn" đã lan rộng ra toàn cầu, diễn ra ở 1.400 thành phố thuộc 82 quốc gia, kéo dài từ châu Âu sang châu Á, từ châu Phi đến châu Mỹ.

Biểu tình toàn cầu hóa

Ngày 15-10, phong trào phản kháng này đã tiến hành một cuộc biểu dương lực lượng trên toàn thế giới với hàng triệu người tham gia dưới khẩu hiệu "Ðoàn kết vì một sự thay đổi toàn cầu".

Thống kê của mạng 15october.net cho biết đã có khoảng 6.000 người biểu tình bên ngoài trụ sở Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ở Phăng-phuốc. Những người biểu tình cho rằng hệ thống ngân hàng hiện nay "thật đáng kinh sợ" và các ngân hàng đầu tư phải tự mình gánh chịu những thua lỗ do họ gây ra.

Tại Rô-ma, ước tính đã có khoảng 200.000 nghìn người tham gia biểu tình nhằm phản đối cuộc khủng hoảng tài chính. Nhiều người đã đập vỡ cửa sổ các ngân hàng, cửa hiệu và đốt cháy ô-tô.

Tại Xơ-un, những người biểu tình đã tập trung trước cửa Cục Cố vấn Tài chính để bày tỏ sự ủng hộ đối với thông điệp của phong trào "Chiếm phố Uôn". Những người biểu tình thúc giục chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi các thể chế tài chính lớn và bãi bỏ những quy định có lợi cho tầng lớp giàu có trong xã hội.

Tại Tô-ky-ô, hàng trăm người đã đổ ra đường phố bày tỏ sự ủng hộ các cuộc biểu tình ở Mỹ, đồng thời lên án các ngân hàng phá hoại nền kinh tế toàn cầu và đẩy hàng triệu người vào cảnh đói nghèo.

Tại Xít-ni, khoảng 2.000 người tập trung bên ngoài Ngân hàng Trung ương phản đối các tập đoàn kinh tế lớn và sự bất công về thu nhập. Những người tổ chức biểu tình cho biết họ có kế hoạch biểu tình vô thời hạn tại địa điểm này...

Theo Tổng biên tập tạp chí Adbuster, có trụ sở tại Ca-na-đa, ông Can-li La-xơn, một trong những người đầu tiên khuấy động phong trào "Chiếm phố Uôn" cho biết, tạp chí của ông tiếp tục khuyến khích biểu tình, nhất là thời gian diễn ra cuộc họp thượng đỉnh nhóm G20 các nền kinh tế lớn nhất thế giới diễn ra tại Pháp.

Bất bình đẳng nguồn gốc của mọi vấn đề

Giới phân tích cho rằng sở dĩ các cuộc biểu tình lan nhanh tới vậy vì nó đánh trúng tâm lý bất mãn của đa số người lao động trên toàn cầu trước sự bất bình đẳng ngày một gia tăng trong xã hội, và đối tượng mà người biểu tình nhắm tới là giới chủ, cụ thể là tầng lớp tư bản, những người chỉ chiếm một con số rất nhỏ nhưng đang điều hành và thâu tóm hầu hết nền kinh tế thế giới. Ðiều này giải thích cho lý do tại sao hầu hết các cuộc biểu tình trên thế giới đều trương rất nhiều khẩu hiệu, khẳng định: "Chúng tôi đại diện cho 99%".

Tại Mỹ, các cuộc biểu tình nhằm vào các ngân hàng và tập đoàn lớn "tham lam" để bắt họ phải chịu trách nhiệm về những khó khăn mà họ đã gây ra cho người dân Mỹ. Theo những người biểu tình, những người giàu - vốn chỉ chiếm 1% dân số Mỹ nhưng sở hữu tới 40% của cải của nước Mỹ - đang không chịu chung vai gánh vác những trách nhiệm mà lẽ ra họ phải làm.

Những người biểu tình cho rằng, phố Uôn là nơi sở hữu nhiều tiền của nhất, đồng thời cũng là nơi "tham lam" và đầy rẫy tham nhũng. Ít nhất trong một chừng mực nào đó, chính sự "tham lam" của phố Uôn đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế năm 2008. Những khoản cứu trợ khổng lồ của phố Uôn đã một phần dẫn tới mức nợ công cao chưa từng có hiện nay. Và chính những nhà tài phiệt lớn của phố Uôn đã biến tiền viện trợ của những người đóng thuế thành tiền bỏ túi của riêng họ.

Dan-ny Schet-tơ, một nhà làm phim tài liệu về phố Uôn, nói: "Tôi nghĩ rằng đây là tiếng nói thể hiện sự thất vọng ghê gớm của rất nhiều người. Trong bối cảnh nguy cơ về một cuộc khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới đang ngày càng hiện rõ, và thậm chí có thể dẫn tới một cuộc suy thoái mới, mọi người nhận ra rằng phố Uôn phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Do đó, phong trào này là cách để họ nhắm tới những kẻ đã gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay".

Theo Giáo sư Gie-phơ-ri Sach, Ðại học Cô-lum-bi-a ở Niu Oóc, chính quyền và cơ chế hiện nay của Mỹ, và có thể nói là của thế giới tư bản nói chung, là "của 1%, do 1% và vì 1%". Ông Sach nói khoảng cách giàu nghèo đã tăng mạnh tại các nước phát triển, nhất là tại Mỹ nơi 1% hộ gia đình hiện có thu nhập chiếm 20% thu nhập của cả nước so với 10% của năm 1980.

Nhà làm phim và tác giả Mai-cơn Mo-rơ, một trong những người tham gia phong trào Chiếm phố Uôn, nói cần "chấm dứt" hệ thống tư bản hiện nay. "Hệ thống tư bản hiện nay là tàn ác. Tôi đang nói về hệ thống được dựng lên để 1% những người giàu nhất nhận 40% chiếc bánh. Chủ nghĩa này cần được thay bằng một hệ thống trong đó người dân có quyền tham gia vào việc sắp đặt, điều hành hệ thống và "chiếc bánh" phải được chia đều hơn".

Ông Mo-rơ cho biết, hiện 400 người Mỹ giàu nhất có nhiều tài sản hơn tổng tài sản của 150 triệu người Mỹ khác. Trong lúc đó 50 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế, hơn 46 triệu người Mỹ sống trong nghèo khổ và có từ 13 tới 18 triệu trẻ em Mỹ thiếu dinh dưỡng.

Còn theo Giáo sư Giô-sép Xti-glít, Ðại học Cô-lum-bi-a, người từng đạt Giải Nobel kinh tế trong năm 2001, hiện 1% người giàu nhất nước Mỹ làm chủ 40% tài sản của nước này. Trong khi 80% người dân ở nghèo nhất làm chủ chỉ có 7% tài sản nước Mỹ. Một phần tư thế kỷ trước 33% tài sản quốc gia do 1% giới giàu làm chủ, điều này cho thấy, trong 25 năm qua, người giàu ngày càng giàu hơn.

Nhiều người cho rằng khoảng cách giàu nghèo như trên là bất công xã hội và sự lan rộng của phong trào "Chiếm phố Uôn" cho thấy sự hiện diện của một làn sóng bất bình đang tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới.

Khả năng tác động tới chính sách

Lúc đầu giới lãnh đạo cùng truyền thông tỏ ý coi thường, cho rằng phong trào này không có một mục tiêu rõ ràng, rằng tham gia biểu tình là những người không có công việc và chẳng biết làm gì hơn là xuống đường, song các nhà phân tích cho rằng phong trào này sẽ tiếp tục mạnh lên và cuối cùng sẽ có thể gây ảnh hưởng tới việc hoạch định chính sách.

Bà Gin Cô-hen, giảng viên khoa học chính trị tại Ðại học Cô-lum-bi-a, nói rằng sự lớn mạnh của các cuộc biểu tình rốt cuộc sẽ ảnh hưởng tới việc hoạch định chính sách của Chính phủ Mỹ.

Ðồng tình với nhận định này, ông Mo-rơ nhận định cũng giống như phong trào đòi quyền bầu cử của phụ nữ cách đây khoảng 100 năm, nhiều người có thể cho rằng các cuộc xuống đường "Chiếm phố Uôn" là "kỳ quặc" nhưng sự khởi đầu hiện nay có thể mang lại những thay đổi lớn.

Và có vẻ như, tiếng nói của phong trào này đã bắt đầu có tác động thật sự. Trong một phát biểu gần đây, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun bày tỏ sự cảm thông với những người biểu tình trên khắp thế giới và cho rằng một số vấn đề có thể sẽ được các chính phủ xem xét.

Nhà lãnh đạo Liên hợp quốc cho rằng các Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển và các nền kinh tế mới nổi (G-20) nên lắng nghe những người biểu tình, bởi những gì đang diễn ra trên khắp thế giới, bắt đầu từ phố Uôn, cho thấy người dân đang thể hiện nỗi thất vọng và cố gắng gửi một thông điệp rất rõ ràng và dễ hiểu đến toàn thế giới.

Phát biểu tại lễ khánh thành một công trình tưởng niệm cố mục sư Mác-tin Lu-thơ King Jr. ngày 16-10, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma cho rằng nhà lãnh đạo dân quyền nổi tiếng này, nếu còn sống, "sẽ muốn chúng ta công khai phản đối sự tham lam của phố Uôn".

Theo giới phân tích, những đánh giá của hai nhà lãnh đạo, một thuộc về tổ chức toàn cầu lớn nhất thế giới, một là của cường quốc mạnh nhất thế giới, hứa hẹn có thể sẽ có những thay đổi nhất định. Tuy nhiên, những thay đổi này lớn đến đâu thì phải chờ xem, bởi "tầng lớp 1%" sẽ chẳng dễ xuống nước. Và chừng nào sự bất công trong xã hội còn tiếp tục gia tăng, cuộc chiến giữa 99% và 1% này sẽ còn tiếp diễn theo hướng khốc liệt và triệt để hơn, cho tới khi một bên phải chịu thua hoặc cả hai có những thỏa hiệp để chia lại "miếng bánh".