Bơi lội Việt Nam

Vui một, lo mười

Với hơn 800 vận động viên (VĐV) tham dự SEA Games 2019, Đoàn Thể thao Việt Nam đặt mục tiêu giành ít nhất 65 huy chương vàng (HCV) để duy trì vị trí thứ ba khu vực. Và Ánh Viên lại một lần nữa nhận trọng trách giành tám HCV. Nhưng, câu chuyện bơi lội không nên chỉ dừng lại ở SEA Games, mà cần hướng tới các mục tiêu cao hơn...

Vượt ngưỡng và nâng tầm vẫn là những mục tiêu nan giải đối với các tài năng bơi lội Việt Nam.
Vượt ngưỡng và nâng tầm vẫn là những mục tiêu nan giải đối với các tài năng bơi lội Việt Nam.

“Huy hoàng” và hụt hẫng

Ngày 23-7, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng đã xuất sắc đạt chuẩn A Olympic sau khi tranh tài ở đường đua 800 m tự do tại Giải vô địch thế giới với thành tích 7 phút 52 giây 74, xếp thứ 15 chung cuộc. Rất xuất sắc, nhưng vẫn có một chút tiếc nuối khi ở nội dung 1.500 m tự do, Hoàng không đạt được thành tích như mong muốn. Anh chỉ cán đích ở vị trí thứ bảy, đồng thời xếp hạng 14/35 sau vòng loại với thành tích 15 phút 2 giây 35.

Dù không đủ để lọt vào chung kết nhưng Huy Hoàng được ghi nhận là VĐV châu Á có thứ hạng tốt nhất ở nội dung này. Kết quả trên cũng chỉ kém một chút so với thành tích 15 phút 1 giây 63 từng giúp anh đoạt huy chương bạc (HCB) ASIAD 2018. Thành công này của Hoàng được dự đoán từ trước, bởi anh từng vượt qua chuẩn A Olympic Tokyo 2020 khi đạt thành tích 7 phút 50 giây 20 ở nội dung 800 m tại Olympic trẻ 2018. Như chia sẻ của ông Nguyễn Trọng Hổ - Vụ trưởng Thể thao thành tích cao 2, Tổng cục Thể dục - Thể thao: “Ở châu Á, Huy Hoàng chỉ thua kém Sun Yang của Trung Quốc và giữ vững số 1 Đông - Nam Á”.

Bất ngờ lại đến nơi gương mặt được kỳ vọng nhất của bơi lội Việt Nam. Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đã thi đấu không thành công trong ngày 28-7, không thể vượt qua vòng loại nội dung 400 m hỗn hợp khi xếp cuối cùng ở lượt bơi thứ ba với thời gian 4 phút 47 giây 96, xếp hạng 19 chung cuộc.

Thành tích này thậm chí không đủ điều kiện đạt chuẩn B vòng loại Olympic (4 phút 46 giây 89). Ở nội dung còn lại, niềm hy vọng ấy cũng chỉ đứng thứ 26 với thời gian 2 phút 17 giây 79.

Vẫn câu chuyện cũ

Thất bại của Ánh Viên đặt ra câu hỏi lớn trong cách thức đầu tư và định hướng phát triển của ngành thể thao nước ta. Nếu nhìn qua sự phát triển của kình ngư người Singapore - Joseph Schooling, Ánh Viên đang cho thấy sự sa sút một cách trầm trọng.

Cùng xuất phát điểm ở SEA Games 28 (năm 2015), hai kình ngư đã thể hiện mình là những gương mặt xuất sắc nhất của làng bơi Đông - Nam Á. Ánh Viên có tám HCV còn Schooling giành được chín. Tới SEA Games 29 (năm 2017), Ánh Viên vẫn tiếp tục “cày ải” tới 14 nội dung và giành thêm tám HCV nữa. Trong khi đó, kình ngư người Singapore chỉ bơi sáu nội dung.

Sự khác biệt là đây: Trong quãng thời gian ấy, Schooling đã thành công bứt lên tầm thế giới với tấm HCV Olympic 2016, còn Ánh Viên vẫn chỉ mải mê “săn vàng” ở đấu trường Đông - Nam Á. Số lượng HCV mà kình ngư Việt Nam “gánh vác” ở mỗi kỳ SEA Games cũng lý giải một phần nguyên nhân tại sao VĐV Cần Thơ không thể vượt lên mà có phần “hụt hơi” ở Giải vô địch thế giới năm nay.

Schooling không bơi nhiều cự ly. Anh tập trung toàn bộ sức lực vào những hạng mục thế mạnh, qua đó liên tục tự vượt ngưỡng. Còn Ánh Viên phải thi đấu nhiều nội dung, với mục tiêu “gặt” càng nhiều HCV (không chỉ SEA Games, mà cả những giải mang tính phong trào) càng tốt. Và tất yếu, những nội dung sở trường ngày một khó nâng tầm.

Sau ASIAD 2018, Phó Tổng Cục trưởng Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn khẳng định: “Mục tiêu của Ánh Viên vẫn tập trung cho sân chơi ASIAD và Olympic, chứ không phải ở SEA Games”. Nhưng sau thất bại của Ánh Viên tại Giải vô địch thế giới, ông Phấn đã phải thừa nhận: Cơ hội tranh huy chương Olympic của Ánh Viên là hết sức khó khăn, và mục tiêu số 1 trong năm nay vẫn là đấu trường SEA Games 30 tại Philippines.

Kết quả của Ánh Viên ở SEA Games năm nay sẽ ảnh hưởng tới kết quả chung cuộc của cả bộ môn cũng như thành tích chung của cả Đoàn thể thao Việt Nam. Chưa kể, thành tích tám HCV trong hai kỳ đại hội trước đây cũng tạo ra những áp lực vô hình.

Từ môn bơi lội, câu chuyện làm thế nào để đạt chuẩn tham dự Olympic vẫn là bài toán lớn đối với thể thao nước nhà. Trong khi sức cạnh tranh từ các đối thủ ngày một khốc liệt, cộng thêm những khó khăn trong tiến trình đầu tư và định hướng, bên cạnh những niềm vui thấp thoáng, vẫn còn đó bộn bề nỗi lo.