Vừa vui đã… lo

Sau 5 năm "lo ăn từng bữa", Giải bóng chuyền vô địch quốc gia (VĐQG) lần đầu nhận được tài trợ lên tới 3,5 tỷ đồng. Dẫu vậy, ngay từ thời điểm này, nhiều chuyên gia đã quan ngại về tương lai giải đấu với hiện tượng "một ông chủ nhiều đội bóng" như câu chuyện bộ môn thể thao "vua" đang gặp phải.

Vẫn còn đó nỗi lo tiêu cực khi nhà tài trợ không phân định được các "vai" của mình.
Vẫn còn đó nỗi lo tiêu cực khi nhà tài trợ không phân định được các "vai" của mình.

Bóng chuyền bỗng dưng… có giá

Nổi tiếng là môn thể thao hấp dẫn chỉ sau bóng đá, nhưng bóng chuyền Việt Nam nhiều năm qua luôn trong cảnh trống vắng khán giả, còn nhà tài trợ lại không mấy mặn mà. Tuy nhiên, Giải VĐQG 2021 đã thay đổi ngoạn mục với sự đầu tư mạnh của nhiều doanh nghiệp, trong đó phải kể tới sự xuất hiện của cái tên mới mà cũ - Tập đoàn FLC.

Ngay trước thềm Giải VĐQG 2021, Câu lạc bộ (CLB) Bóng chuyền nữ của Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc đã ký hợp đồng tài trợ mới với đơn vị trên. Theo thỏa thuận, đội bóng sẽ được tài trợ 20 tỷ đồng trong năm đầu, bao gồm 15 tỷ đồng tiền mặt. Con số được hưởng vào mỗi năm tiếp theo dựa trên kết quả hoạt động của CLB, và không thấp hơn 12 tỷ đồng bằng tiền mặt. Mức độ này không hề thua kém bóng đá, thậm chí có phần hơn bởi tất cả đều là "tiền tươi thóc thật", đồng thời có sự cam kết gắn bó lâu dài, trước mắt là 5 năm.

Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng bất ngờ tài trợ toàn bộ chi phí hoạt động cho đội bóng chuyền nữ Bamboo Airways Vĩnh Phúc, đang thi đấu tại giải hạng A Việt Nam. Như vậy, với cả Giải VĐQG và hai đội bóng, số tiền tài trợ ước tính lên tới vài chục tỷ đồng mỗi năm, chưa kể các chi phí khác. Hiện tại, Giải VĐQG 2021 trở nên đáng chờ đợi hơn so trước đây, bởi ngay từ số tiền thưởng cho nhà vô địch đã tăng gấp đôi, bên cạnh việc có mạnh thường quân cũng đã hứa tặng 300 triệu đồng cho hai đội nam - nữ giành ngôi quán quân năm 2021.

Việc các CLB được tài trợ kinh phí hoạt động, đầu tư trang thiết bị tập luyện, thi đấu, chi trả chế độ đãi ngộ cho huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV), cùng với sự đầu tư đào tạo, tuyển chọn VĐV, thật sự là tín hiệu đáng mừng. Giải VĐQG 2021 được nâng tầm khi chính các đội bóng đạt thứ hạng cao không còn phải mủi lòng mỗi khi bước lên bục nhận huy chương, đã phần nào cho thấy những tín hiệu khởi sắc của bóng chuyền nước nhà.

Có đi theo lối mòn bóng đá?

Trong giai đoạn tới, khái niệm "vừa đá bóng, vừa thổi còi" trong làng túc cầu Việt Nam sẽ lại được xem xét ở bộ môn bóng chuyền. CLB nữ Bamboo Airways Vĩnh Phúc đã nhận lệnh phải lên hạng ở mùa tới. Mục tiêu này hoàn toàn nằm trong tầm với, bởi đội hình hiện tại của họ khá mạnh khi mới vừa thi đấu đã thắng thuyết phục cả một đội mạnh ngành ngân hàng trong trận giao hữu mới đây. Như vậy, nếu không có bất ngờ nào, cùng lúc FLC sẽ hậu thuẫn cho hai đội bóng ở giải VĐQG từ năm 2022, đồng thời là nhà tài trợ chính của giải đấu.

Thực tế này khiến giới quan sát đặt câu hỏi về tính trung thực và minh bạch của Giải. Trước đây, dù không có tình trạng "một ông chủ nhiều đội bóng", nhưng tiêu cực vẫn tồn tại, đến mức khó kiểm soát ở Giải VĐQG. Để đối phó, các nhà quản lý bóng chuyền nước ta đã liên tục thay đổi thể thức thi đấu, nhưng cũng chỉ hạn chế được phần nào.

Những chuyện xin - cho hay nhường điểm vốn xảy ra như cơm bữa, nay sẽ khó tránh được với bóng chuyền. Bầu Đức của CLB Hoàng Anh Gia Lai từng nhận định: "Làm sao một tập thể đánh bại được năm đội bóng? Dù ốm yếu đến mấy, năm người gầy dồn ép một người khỏe mạnh cũng đủ khiến họ gục ngã. Dù có đưa ngôi sao thế giới về thi đấu cũng chắc chắn không thể vô địch được".

Dĩ nhiên, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam với vai trò đầu tàu đã lên tiếng trấn an dư luận. Chủ tịch Lê Văn Thành khẳng định sẽ không có chuyện tiêu cực xảy ra. Dẫu vậy, rõ ràng nỗi lo một ông chủ đầu tư cho nhiều đội bóng và cả giải đấu cũng đặt ra thách thức rất lớn với Liên đoàn.

Một HLV (xin giấu tên) đã chia sẻ: "Rất khó để chứng minh sự minh bạch khi hai hay nhiều đội bóng của cùng ông chủ tham dự giải đấu. Bóng đá suốt những năm qua đã đánh mất niềm tin với người hâm mộ cũng vì chuyện này, liệu bóng chuyền có thể tạo nên sự khác biệt?".

Cuối cùng, làm sao để các CLB cũng như giải đấu thu hút được nhà tài trợ, nhưng không xảy ra chuyện tiêu cực là bài toán không dễ giải.