Trọn niềm vui, trọn niềm kiêu hãnh

Với vị trí xếp thứ hai toàn đoàn, cùng những tấm huy chương vàng vốn luôn là niềm mong ước, khát khao từ rất nhiều năm, Ðoàn Thể thao Việt Nam thật sự đã lập nên kỳ tích, chính thức khép lại một kỳ SEA Games lấp lánh niềm vui, Khẳng định vị thế mới của thể thao nước nhà trên đấu trường khu vực. Ðáng nhớ, đáng tự hào!

Tinh thần thi đấu xả thân của các vận động viên đã làm nên kỳ tích cho Thể thao Việt Nam trên đấu trường khu vực. Ảnh: Minh Phú
Tinh thần thi đấu xả thân của các vận động viên đã làm nên kỳ tích cho Thể thao Việt Nam trên đấu trường khu vực. Ảnh: Minh Phú

Những lát cắt Ma-ni-la

“Sẽ không bao giờ quên được kỳ SEA Games này, anh em ạ!” - các phóng viên thể thao kỳ cựu đã lăn lộn cùng Ðoàn Thể thao Việt Nam qua hàng chục kỳ SEA Games hay ASIAD, nói với nhau như vậy. Ðó là lúc chúng tôi trở về khách sạn, sau ngày thi đấu cuối và sau cả đêm “rộn ràng” trên đất khách. Rã rời, nhưng mắt đều lấp lánh niềm vui.

Người bảo vệ khách sạn vẫn “chào buổi sáng” đầy thân thiện với chúng tôi như thế, như cả gần 20 ngày qua. Nhưng lần này, đêm 10-12, ông ấy còn thốt lên lời chúc mừng đội tuyển bóng đá nam của chúng ta đã giành ngôi vô địch. Ông ấy cũng là một mảnh ký ức Ma-ni-la mà tôi sẽ không bao giờ quên được.

Tôi nhớ như in cảm giác ngỡ ngàng khi chứng kiến buổi tập đầu tiên của đội tuyển (ÐT) U22 Việt Nam trên sân vận động (SVÐ) Rizal Memorial. Ðến lúc ấy, Ma-ni-la (Manila) vẫn còn chạy đua với thời gian để kịp ngày khai mạc SEA Games. Những con phố vốn đã thường xuyên tắc nghẽn bởi lưu lượng ô-tô quá tải, nay lại càng “vật vã khổ sở”, do cấm đường quanh những khu vực thi đấu. Buồn hơn, những người tài xế tôi gặp cũng dường như không biết đến sự hiện diện của SEA Games.

Thế nhưng, khi những ngày thi đấu chính thức đầu tiên của SEA Games bắt đầu, tôi mới nhận ra rằng mình đã kết luận quá vội vàng. Không một nhà thi đấu nào chúng tôi có mặt không chật kín các khán giả, dù là cử tạ, taekwondo, thể dục dụng cụ (TDDC) hay tennis… Thậm chí, HLV Trương Minh Sang của đội tuyển TDDC còn phải thổ lộ: “Việc đội tuyển TDDC Việt Nam đánh mất vị thế số một của mình ở SEA Games này vì các vận động viên (VÐV) ban đầu cũng bị choáng ngợp trước sự cuồng nhiệt của các cổ động viên (CÐV) chủ nhà”.

Không chỉ TDDC, các VÐV thi đấu đối kháng bộ môn taekwondo cũng phải đối mặt với áp lực của gần 3.000 khán giả. Bạc Thị Khiêm, nữ võ sĩ ở hạng cân 67 kg, cô gái quê Sơn La mới 19 tuổi lần đầu “xuất chiến”, mất cả hiệp đấu không nghe nổi HLV chỉ đạo gì. Rất may, giờ nghỉ đến, HLV ôm chặt lấy trán Khiêm, giao tiếp bằng ngôn ngữ của ánh mắt nhìn vào mắt, đưa Khiêm bừng tỉnh. Và Khiêm lật ngược thế cờ, mang về tấm HCV. Không ai trong chúng tôi bất ngờ khi mắt em nhòa lệ. Ai cũng biết, em đã phải vượt qua những sức ép vô hình lớn đến mức độ nào từ khán đài.

Nước chủ nhà Phi-li-pin (Philippines), phải thừa nhận, đã tổ chức một kỳ đại hội thể thao khu vực rất thành công. Không chỉ là vì những ấn tượng rực rỡ của lễ khai mạc hay bế mạc, không chỉ là bởi bầu không khí sôi sục tại các SVÐ hay các nhà thi đấu, mà còn là cảm giác nồng ấm, thân thiện đối với những người khách phương xa hiện hữu ngay từ cửa ra sân bay.

Trọn niềm vui, trọn niềm kiêu hãnh ảnh 1

Xả thân vì vinh quang của Tổ quốc

Không ai trong chúng tôi không cảm động, khi chứng kiến hình ảnh Chương Thị Kiều nghiến răng thi đấu với đôi chân rớm máu. Sáng hôm sau khúc chiến ca oanh liệt đó, Kiều còn kể với chúng tôi rằng “cả đêm em không ngủ được, đau lắm!”.

Nhưng, đội tuyển bóng đá nữ đâu chỉ có mình Kiều kiên cường bất khuất như thế! Trên cái mặt sân cỏ nhân tạo ấy, mỗi lần vấp ngã là mỗi lần các cô gái vàng của chúng ta đứng dậy, phủi cả những hạt nhựa lẫn trong da thịt, nhăn nhó xoa qua những vết xước, để lại lăn vào trận đấu. Tôi tin, không phải ngẫu nhiên HLV Mai Ðức Chung đăng đàn kêu gọi người hâm mộ hãy đến cổ vũ cho các học trò mình. Ông quá yêu thương họ, và ông muốn bằng mọi giá tiếp thêm sức mạnh cho họ. Hay ít nhất, làm dịu giùm họ những đau đớn. Ðền đáp lại tấm lòng “người cha” ấy, đội bóng của ông “dù căng cơ, dù chuột rút lên chuột rút xuống”, vẫn bảo vệ thành công ngôi vô địch. Huỳnh Như, cô tiền đạo cả trận “cày ải” trước những hậu vệ đội bạn “to như hộ pháp”, đến lúc nhận huy chương phải nhờ hai đồng đội đỡ lên bục. Còn hậu vệ Hồng Nhung thậm chí phải nhập viện.

Chúng tôi đã được chứng kiến Chương Thị Kiều, Huỳnh Như hay Hồng Nhung, hay bất cứ ai trong số những “chiến binh tóc dài” đó thi đấu xả thân vì vinh quang của Tổ quốc, với lòng khao khát chiến thắng rực cháy trong ánh mắt. Chúng tôi cảm nhận được niềm vui của họ, khi HLV Park Hang Seo cùng Ban huấn luyện ÐT U22 đến cổ vũ. Vậy nên, đêm 10-12, khi đoàn quân của “thầy Park” hoàn tất sứ mệnh vinh quang, chúng tôi nhìn lên khán đài nơi ÐT bóng đá nữ đang “nhảy múa tưng bừng”, và nói với nhau: “Giá mà không vướng quy định, để ÐT nữ có thể xuống sân chia vui với ÐT nam ngay lúc này, thì hình ảnh chung của bóng đá Việt Nam sẽ còn lung linh hơn biết bao nhiêu!”.

Chính những phóng viên thể thao tác nghiệp xa nhà như chúng tôi cũng run lên với từng đường lên bóng trong trận chung kết ấy. Mắt chúng tôi nhòa đi, họng chúng tôi khản đặc, và khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, chúng tôi cũng phát cuồng. Ðến cả những người “dạn dày chinh chiến” nhất cũng phải mất một lúc để nhớ ra rằng mình phải trở lại với công việc, tỏa đi phỏng vấn người này người kia ngay trên sân, rồi “cắm đầu cắm cổ” chạy về phòng họp báo.

Trong những phút cuối, tôi đã ước gì mình có thể lẻn lên khu khán đài VIP, dù chỉ để ghi lại những sắc thái đi qua khuôn mặt HLV Park Hang Seo, hoặc hỏi ông chỉ một câu thôi: “Ông đang cảm thấy như thế nào, khi phải ở xa các học trò của mình đến vậy?”. Nhưng, đến khi họp báo, câu hỏi đó cũng không còn cần thiết nữa. Có “thầy Park” xông ra gần đường biên chỉ đạo, đôn đốc các học trò chơi mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa, ÐT U22 ghi liên tiếp ba bàn, hoàn toàn nắm thế thượng phong. Không còn “thầy Park” ngồi chăm chú quan sát các động thái của Ban huấn luyện ÐT U22 In-đô-nê-xi-a, các cầu thủ nhìn theo lưng áo ông khuất dần, nhìn vào hàng nghìn cổ động viên mà giục nhau nỗ lực. Bốn phía khán đài, rền vang tiếng CÐV Việt Nam hô vang tên ông. Chiến thắng, từ lúc đó, đã là tất yếu.

Có lẽ chính “thầy Park” cũng không biết rằng mình có một fan bất ngờ - ông Maor Rozen, một đồng nghiệp người U-ru-goay (Uruguay). Ðến Phi-li-pin nghỉ đông đúng khi môn bóng đá SEA Games 30 bắt đầu, ông không bỏ sót trận đấu nào. Ông đánh giá: “Tôi thật sự ấn tượng. Ðất nước các bạn đang sở hữu một lứa cầu thủ tài năng, và ông Park đã rất xuất sắc trong việc giúp họ nâng tầm. Tôi nghĩ ông ấy hiểu tường tận từng ánh mắt hay hơi thở của các học trò, để ra những quyết định chuẩn xác, mà chẳng quyết định nào là ngẫu nhiên hết!”.

Ðành rằng SEA Games là cả một đại hội thể thao, không chỉ có bóng đá. Song, thực tế không thể phủ nhận là với người hâm mộ quê nhà, những bộ huy chương vàng bóng đá là những bộ huy chương được kỳ vọng nhất. Bởi vậy, “cú đúp” huy chương vàng bóng đá SEA Games lần này thật sự là một cột mốc viên mãn. Nỗi khắc khoải chờ đợi - cơn khát vinh quang đằng đẵng - cuối cùng cũng đã được giải tỏa. Sau lần đăng quang này, bóng đá trẻ Việt Nam sẽ không còn phải chịu thứ áp lực chiến thắng ở sân chơi khu vực nữa. Thay vào đó, như “các cô gái vàng” đang thực hiện, những chàng trai U22 đã có thể thanh thản hướng ra những đấu trường lớn hơn, ở tầm châu lục hay thế giới.

Trọn niềm vui, trọn niềm kiêu hãnh ảnh 2

Ta tự hào đi lên!

Tuyệt vời, phi thường! Nhưng SEA Games đâu chỉ có bóng đá. Một trong những nỗi “ấm ức” lớn nhất của cánh phóng viên xa nhà là không thể “phân thân” để có mặt ở vài địa điểm thi đấu cùng lúc. Và nếu không bị trùng thời gian, cũng chẳng ai dám mạo hiểm như vậy. Các địa điểm đều cách xa nhau ít nhất 100 km, còn trong gần ba tuần ở Ma-ni-la, không ít lần chúng tôi đã bị giam chân giữa xa lộ hàng mấy giờ đồng hồ, bởi… tắc đường.

Chọn ngồi ở sân bóng đá, cũng có nghĩa là luôn phải hóng tin “báo tiệp” từ các đội tuyển khác. Những “cơn mưa vàng” nối nhau giội xuống, để mỗi lần tề tựu tại Trung tâm truyền thông - báo chí vào cuối ngày, những nụ cười cũng theo nhau bừng nở. Ngày thi đấu cuối, ngồi tại Rizal khi trận đấu chưa bắt đầu, tâm trí chúng tôi để hết vào tấm huy chương vàng thứ 98.

98 huy chương vàng, vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng chung cuộc. Nghĩa là, lần này, nếu không kể các yếu tố liên quan đến đoàn chủ nhà, Việt Nam chính là nền thể thao hùng mạnh nhất Ðông - Nam Á. Không chỉ vậy, nếu chỉ tính số lượng huy chương vàng các môn có trong chương trình thi đấu Olympic, chúng ta còn dẫn đầu với 55 huy chương vàng, hơn Phi-li-pin hai chiếc và hơn Thái-lan chín chiếc. Ðiền kinh và bơi lội, hai môn cơ bản, chúng ta vẫn duy trì được ngôi vị số một khu vực.

Trọn niềm vui, trọn niềm kiêu hãnh ảnh 3

Còn mong gì hơn thế? Và cũng đâu cần phải tính toán số thành tích vượt chỉ tiêu đề ra nữa? Ðây chính là tiềm lực đích thực của thể thao nước nhà.

Mang niềm vui ấy, chúng tôi tạm biệt người bảo vệ quen thuộc. Không hiểu sao, những cơn gió thổi qua sân Rizal Memorial lại cũng thoang thoảng hương hoa sữa. Cũng như cả Ðoàn Thể thao Việt Nam, chúng tôi nhớ nhà rồi…

Trọn niềm vui, trọn niềm kiêu hãnh ảnh 4