Bóng rổ Việt Nam

Thử thách tiếp nối sau chặng hồi sinh

Bóng rổ Việt Nam từng rơi vào một cuộc khủng hoảng kéo dài, mà đỉnh điểm là việc đội tuyển quốc gia (ĐTQG) không tập huấn thi đấu suốt 11 năm. Kể từ năm 2016, môn này đã dần hồi sinh, với sự xuất hiện của nhiều đội bóng cùng giải chuyên nghiệp. Dù vậy, để có thể tạo nên những bước đột phá đích thực, vẫn còn rất nhiều rào cản trước mắt.

Thử thách tiếp nối sau chặng hồi sinh

1 Năm 2004, ĐTQG nữ với một lứa cầu thủ trẻ đang lên đã xuất sắc giành Huy chương đồng tại Giải vô địch Đông - Nam Á. Thế nhưng, như một nghịch lý, ngay sau đó, cả hai ĐTQG nam và nữ đã không còn được tập huấn thi đấu thêm bất cứ giải nào. Chuyện này khởi đầu từ năm 2005 khi bóng rổ bất ngờ bị loại khỏi chương trình thi đấu của SEA Games, và ngành thể thao coi đó như một lý do bất khả kháng để… khỏi phải quan tâm, đầu tư, kể cả khi trở lại ở SEA Games 2007. Lý do luôn được những người có trách nhiệm viện dẫn là đầu tư cho môn này tốn kém, lại quá khó tranh chấp thành tích.

Trong 11 năm tự rút khỏi hành trình hội nhập với thế giới ấy, bóng rổ Việt Nam đã phải trả giá đắt với sự tụt hậu toàn diện, rõ nhất ở lực lượng cầu thủ. Họ gần như chỉ tập luyện, thi đấu ở mức duy trì, với tổng số chỉ khoảng mươi trận đấu tại Giải vô địch quốc gia có chất lượng thấp. Điển hình như giải năm 2012, nội dung nữ chỉ có sự góp mặt của ba đội: TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh và Phú Thọ. Có nghĩa là, cả một giải qua hai vòng cách nhau nhiều tháng, mỗi đội chỉ đấu bốn trận gồm hai trận ở vòng 1 và hai trận ở vòng 2. Cực chẳng đã, Ban Tổ chức phải đưa ra một quyết định kỳ lạ: Mỗi vòng sẽ có lượt đi - lượt về, nhằm tăng số trận đấu cho mỗi đội lên gấp đôi.

2 Cuộc khủng hoảng và tình trạng bế tắc tưởng như tới tận cùng của bóng rổ Việt Nam cuối cùng cũng đã bắt đầu có lối ra, từ sự điều chỉnh toàn diện của Liên đoàn Bóng rổ quốc gia khóa mới, gắn với “làn gió mát” xã hội hóa, được khơi nguồn với mẫu hình thành công của Saigon Heat - CLB chuyên nghiệp đầu tiên.

Đến năm 2016, Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) đã được thành lập, với sự tham dự của năm CLB: Hanoi Buffaloes, Cantho Catfish, Danang Dragons, Hochiminh City Wings và Saigon Heat. Mỗi CLB với khoản kinh phí tối thiểu 5 tỷ đồng/năm, đều đã gây dựng nên được một đội hình mạnh, nhiều màu sắc, gồm một ngoại binh, hai cầu thủ gốc Việt và từ 10 đến 12 cầu thủ nội.

Và VBA đã mang tới một cú huých lịch sử cho bóng rổ Việt Nam. Với gần 50 trận đấu đỉnh cao diễn ra ở bốn thành phố lớn (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ), VBA đã trở thành một đấu trường chuyên môn đỉnh cao thực thụ, một sự kiện thể thao mang đậm tính giải trí theo mô hình quốc tế, một kênh kết nối tuyệt vời với phong trào, nhất là giới trẻ. Quan trọng hơn, nó đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo, và phần nào đó là cả quan niệm lẫn nền tảng phát triển. Không phải ngẫu nhiên, Tổng cục Thể dục Thể thao cùng Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam đã thống nhất cao với mục tiêu đưa bóng rổ thành môn “số 2” tại Việt Nam (sau bóng đá, nghĩa là vượt qua bóng chuyền), trước hết là về khán giả. Hàng loạt CLB bóng rổ với các đối tượng, điều kiện, trình độ khác nhau đã xuất hiện trên khắp cả nước. Nhiều địa phương đã đưa trở lại, hay bổ sung bóng rổ vào hệ thống đào tạo của mình.

Như một thành quả vô cùng ngọt ngào, hai ĐTQG đã trở lại guồng tập huấn, thi đấu theo cách thức mới, với sức mạnh cùng động lực mới. Bóng rổ Việt Nam đã dự tranh cả hai kỳ SEA Games gần đây. Dù chưa có thành tích cao, song khả năng cạnh tranh và sức hút đã cao hơn hẳn. Ở cấp độ CLB, chúng ta cũng có đại diện xứng đáng tại giải nhà nghề Đông - Nam Á.

3 Bóng rổ Việt Nam đã hồi sinh, và đó là một cuộc hồi sinh ngoạn mục nếu nhìn vào xuất phát điểm bết bát trước đó. Môn này cũng đang hội tụ được nhiều yếu tố tích cực, những bước đà thuận lợi để có thể tiến nhanh, mạnh. Có thể tin chắc VBA sẽ tiếp tục nâng tầm, bên cạnh một phong trào chung ngày càng nở rộ, để đóng vai trò “trung tâm” cho sự phát triển.

Thế nhưng, để tạo nên bước đột phá thật sự, vẫn còn nhiều thử thách đặt ra cho bóng rổ Việt Nam.

Đầu tiên là sự hạn chế lớn về điều kiện cơ sở vật chất, khi hầu hết các nhà thi đấu (NTĐ) để tổ chức VBA chỉ ở tầm hơn 1.000 chỗ ngồi, không đáp ứng được các yêu cầu cơ bản, đặc biệt với mô hình một giải chuyên nghiệp khép kín giống như chuẩn quốc tế.

Thứ hai, VBA cũng mới tập trung ở một vài trung tâm, chứ chưa tác động, kết nối, thúc đẩy được với các địa phương, kể cả những nơi có truyền thống như Yên Bái, Sóc Trăng, Quảng Ninh... Những địa phương này vẫn còn gặp muôn vàn gian khó để “nuôi” một đội bóng rổ, và đích nhắm của họ chỉ là giải VĐQG chứ không phải VBA.

Thứ ba, cũng là điều trọng yếu nhất, ngay cả các CLB chuyên nghiệp cũng đang rất yếu kém trong mảng đào tạo trẻ. Hiện tại chỉ có Saigon Heat và Hochiminh City Wings sở hữu hệ thống đào tạo trẻ riêng. Bởi thế giải pháp quyết định cho tương lai là mỗi đội bóng và các tỉnh, thành phải có hệ thống đào tạo trẻ chuyên nghiệp.

Một câu chuyện bức bách nữa phải đề cập chính là sự giẫm chân tại chỗ của bóng rổ nữ. Tại giải VĐQG 2019, số đội nữ dự tranh vẫn chỉ vỏn vẹn bốn đội gồm TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Cần Thơ.

Đây sẽ là những vấn đề cơ bản cần phải được giải quyết triệt để, nếu muốn đưa bóng rổ Việt Nam đến được vị trí với tầm ảnh hưởng như mong muốn. Bằng không, sau cao trào hoàn toàn có thể lại là thoái trào.