Thể thao Việt Nam nhìn từ Olympic trẻ

13 tuyển thủ Việt Nam vừa lên đường sang Argentina tham dự Olympic trẻ, với mục tiêu khá xa tầm với: tái lập thành tích có HCV. Nhìn từ đoàn quân tranh tài ở đấu trường quốc tế này, mới thấy vẫn còn quá ít tín hiệu khả quan cho tương lai của Thể thao Việt Nam (TTVN), nhất là khi Olympic trẻ luôn là nền tảng chuẩn bị cho Olympic “già”.

Thể thao Việt Nam nhìn từ Olympic trẻ

1 Dù đã quyết tâm và phấn đấu cao độ ở vòng loại, nhưng cuối cùng, TTVN vẫn chỉ có thể có 13 VĐV ở bảy môn giành quyền đến Olympic trẻ lần này. Thậm chí, nếu không phải lần đầu môn dance sport (khiêu vũ thể thao) được đưa vào chương trình thi đấu với khá nhiều sự “rộng rãi” trong thể thức, số lượng VĐV Việt Nam chỉ là 12.

Đây là một con số quá ư khiêm tốn, cả về số VĐV lẫn số đầu môn. Thậm chí, nó còn kém hẳn con số 23 tuyển thủ của 10 môn tranh tài ở Olympic 2016. Rõ ràng, chúng ta có quá ít số nội dung, số môn và VĐV các lứa tuổi trẻ đạt tới mặt bằng chung trình độ thế giới ở các môn Olympic, chứ chưa cần tính đến khả năng giành huy chương.

Ngành thể thao đặt ra mục tiêu phấn đấu giành được HCV, cụ thể là 1 HCV, như hai kỳ Đại hội trước. Năm 2010, đô cử Thạch Kim Tuấn mang về tấm HCV duy nhất, còn kỳ Thế vận hội trẻ 2014 đánh dấu sự xuất hiện rực rỡ của “siêu kình ngư” Ánh Viên.

Hai gương mặt được kỳ vọng tranh chấp HCV lần này là nữ võ sĩ taekwondo từng vô địch giải trẻ thế giới Hồ Thị Kim Ngân (ảnh) và tay bơi vừa gây chấn động ASIAD Nguyễn Huy Hoàng. Tuy nhiên, nhìn nhận thẳng thắn, cơ hội tranh ngôi cao nhất của cả Ngân và Hoàng đều thấp hơn hẳn Kim Tuấn và Ánh Viên trước đây. Ngoài ra, chất lượng các tuyển thủ ở một vài môn Việt Nam vốn tương đối mạnh từ “trẻ” đến “già” tại các đấu trường quốc tế cũng giảm sút rõ rệt, như thể dục dụng cụ hay rõ nhất là cử tạ.

Đây là điều rất đáng lo cho tương lai của TTVN, với các mục tiêu tầm cao như ASIAD hay Olympic.

2 Lực lượng VĐV trẻ xuất sắc của Việt Nam ở các môn Olympic còn quá ít và mỏng - hệ quả của những điểm yếu trầm trọng với nguyên nhân đến từ nhiều phía.

Chẳng hạn, chuyện các địa phương còn gặp nhiều khó khăn ở khâu phát hiện, đào tạo và đầu tư cho tuyến trẻ. Nhiều nơi, với điều kiện thực tế của mình, gần như chỉ tập trung cho các môn có khả năng tranh chấp thành tích tức thời ở SEA Games, chứ ít quan tâm đến các môn Olympic “vừa khó, vừa lâu, vừa tốn kém”. Song, ngay cả một số đơn vị có nguồn lực, có sự tập trung thì cũng vấp phải rào cản về chất lượng đội ngũ HLV, cơ sở vật chất kỹ thuật, rồi căn bệnh thành tích trước mắt. Rất nhiều tài năng trẻ đã sớm nở tối tàn vì bị “chín ép”, phát triển sai quy luật.

Về phía trung ương, ngoài việc không hỗ trợ được gì cho các địa phương, cả về kinh phí lẫn nhân lực, chương trình, kinh nghiệm, thì còn hạn chế ở ngay cả việc chăm lo cho các tài năng trẻ đã lộ diện, đã được triệu tập lên tuyển quốc gia.

Từ nhiều năm nay, điểm qua điểm lại, có lẽ cũng mới chỉ có Ánh Viên là được chăm lo tốt, theo đúng chuẩn quốc tế. Thế nhưng, để có được một mẫu hình như thế, vai trò quyết định thuộc về đơn vị chủ quản là thể thao quân đội. Mỗi năm, kinh phí đầu tư để Viên tập huấn tại Mỹ là 100.000 USD. Trong đó, Bộ Quốc phòng chi 40% (vì Viên vẫn thuộc quân số của Trung tâm thể thao quốc phòng 4), phần còn lại Tổng cục TDTT chi.

Một số trường hợp đặc biệt khác, ngành thể thao cũng chỉ đóng vai cầm chịch về chuyên môn, hỗ trợ về kinh phí. Thí dụ, VĐV quần vợt Lý Hoàng Nam được sự đầu tư cực lớn của gia đình, nhà tài trợ Becamex và chỉ nhận một phần hỗ trợ của nhà nước. Trường hợp của kỳ thủ Quang Liêm hay VĐV cầu lông Tiến Minh, gia đình cũng chính là điểm tựa chu cấp kinh phí chính trong cả quá trình nỗ lực rèn luyện không ngừng.

Con số những người may mắn như thế, đáng tiếc, cũng mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, và chưa thể giúp TTVN tạo nên những thay đổi đáng kể cả về lượng và chất trên diện rộng.

3 Như đề xuất của các chuyên gia, và như những người có trách nhiệm của ngành thể thao cũng thống nhất quan điểm từ lâu: Muốn đột phá, TTVN cần phải có chính sách đầu tư tập trung cho khoảng 160-200 VĐV tài năng, trong đó phân nửa là tuyến trẻ, của từ 16 tới 18 môn. Họ cần có chế độ đào tạo đặc biệt, gắn với cơ chế đầu tư đúng đắn cho tài năng cất cánh. Chẳng hạn: Điều kiện tập luyện phải được cải tiến, bởi trang thiết bị của chúng ta đã trở nên quá nghèo nàn và lạc hậu, không thể tạo sức bật nếu cứ mãi “tận dụng” mà không trang bị mới. Chương trình đầu tư trẻ cũng cần có sự quan tâm đúng mức bằng cách tuân thủ đúng quy luật đào tạo VĐV cấp cao: hệ thống huấn luyện nhiều năm, chặt chẽ; chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng, y học; HLV giỏi; chịu kinh phí tốn kém.

Ai cũng thấy đúng, thấy cần, song chưa có gì được thực hiện, với đủ các sự bó buộc được ngành thể thao viện dẫn. Đến ngay mấy chục tuyển thủ trọng điểm, thuộc diện đang gánh vác trọng trách ở các đấu trường chính còn đang gặp nhiều gian nan trong tập huấn, thi đấu… thì “quân tuyến trẻ” sẽ còn phải chờ đợi đến bao giờ?