Điền kinh Việt Nam hướng tới SEA Games 30

Rối bời nhân sự, điều chỉnh chỉ tiêu

Đội tuyển (ĐT) điền kinh Việt Nam gặp khó với mục tiêu bảo vệ ngôi đầu tại SEA Games 30, ngay cả khi nước chủ nhà đã bổ sung trở lại một vài nội dung thế mạnh. Vấn đề chính là sự thiếu ổn định về nhân sự, trong bài toán chọn ai, loại ai trước ngày chốt danh sách lên đường.

Điền kinh Việt Nam gặp khó vì vấn đề nhân sự.
Điền kinh Việt Nam gặp khó vì vấn đề nhân sự.

Từ sự rút lui bất ngờ của Bùi Thị Thu Thảo...

Đang là đương kim vô địch ASIAD 2018, vận động viên (VĐV) nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo đã gửi đơn lên Tổng cục Thể dục - Thể thao (TDTT) về việc không tham dự SEA Games 30, diễn ra tại Phi-li-pin vào cuối năm nay. Sự rút lui đầy bất ngờ của Thảo khiến lãnh đạo Tổng cục, Bộ môn điền kinh bị “sốc”. Bởi lẽ, ngay từ đầu năm, VĐV người Ba Vì (Hà Nội) đã được nhắm tới tấm Huy chương vàng (HCV) ở sân chơi khu vực, và tất nhiên thành tích này cũng được tính toán để đăng ký chỉ tiêu SEA Games.

Chia sẻ với phóng viên, Thu Thảo thổ lộ lý do về việc rút lui không tham dự SEA Games là vì chấn thương: “Tôi bị chấn thương cơ đùi sau. Sau giải Vô địch quốc gia (VĐQG) 2019, kết quả đạt được không tốt vì chấn thương thêm nặng. Tôi nghĩ sẽ khó hồi phục, nên xin rút lui để trao cơ hội cho VĐV khác được thử sức ở SEA Games”.

Tại giải điền kinh VĐQG 2019, Thảo vẫn giành tấm HCV với thông số 6,37 m, nhưng kém thành tích tốt nhất tới 0,31 m. Cô đang điều trị, tập nhẹ tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Nhổn và chờ đợi quyết định từ phía Tổng cục.

Một lãnh đạo Tổng cục TDTT cho biết, nếu như Bùi Thị Thu Thảo không tham dự, hiện chưa có gương mặt nào đủ sức thay thế để giành tấm HCV nhảy xa. Trước mắt, Tổng cục tiếp tục giao cho Bộ môn điền kinh theo dõi tình trạng chấn thương cũng như phong độ của Thảo để có quyết định cuối cùng.

... tới sự trở lại của Nguyễn Thị Huyền

Bùi Thị Thu Thảo gần như vắng mặt sau nhiều kỳ SEA Games tham dự liên tiếp, trong khi một gương mặt trụ cột khác đang trở lại với phong độ đỉnh cao lại khiến những nhà quản lý điền kinh phải... khó nghĩ.

Đó là trường hợp của Nguyễn Thị Huyền (ảnh nhỏ) - người từng giành ba HCV ở SEA Games 2017 (400 m, 400 m rào, 4x400 m nữ). Trở lại đường đua sau khi lấy chồng, sinh con, ít ai ngờ VĐV người Nam Định lại có thể đạt phong độ tốt như vậy.

Rối bời nhân sự, điều chỉnh chỉ tiêu ảnh 1

Ở giải điền kinh VĐQG 2019 vừa kết thúc tại TP Hồ Chí Minh, dù mới tập luyện trở lại nhưng Nguyễn Thị Huyền đã xuất sắc giành hai HCV cự ly 400 m nữ và 400 m rào nữ. Giới chuyên môn đánh giá, với kinh nghiệm của VĐV từng vô địch SEA Games, vô địch châu Á và đại diện điền kinh Việt Nam dự Ô-lim-pích 2016, Huyền “sáng cửa” bảo vệ ba tấm HCV ở Phi-li-pin cuối năm nay. Bên cạnh yếu tố chuyên môn được khẳng định, ý chí phấn đấu và nhiệt huyết cống hiến là những điểm mạnh của cô gái người Nam Định.

Song, sự trở lại của Nguyễn Thị Huyền lại khiến ĐT điền kinh Việt Nam rơi vào tình trạng rối bời nhân sự. Theo Trưởng Bộ môn điền kinh (thuộc Tổng cục TDTT) Dương Đức Thủy, VĐV Quách Thị Lan đã được chọn là chủ lực ở hai cự ly cá nhân 400 m và 400 m rào nữ, đồng thời Lan cũng đóng vai trò quan trọng nhất cho các cự ly tiếp sức 4x400 m và 4x400 m rào.

Điều đáng nói là Lan cùng với Nguyễn Thị Hằng, Hoàng Thị Ngọc và Nguyễn Thị Oanh đang tập luyện và phối hợp khá tốt, nên nếu thay đổi có thể phá vỡ mối liên kết. Tất cả các VĐV này đều cùng nhau tập luyện từ ngày được triệu tập lên ĐT, nên có thêm Nguyễn Thị Huyền lúc này sẽ rất khó điều chỉnh.

Hạ chỉ tiêu

Được biết, trước SEA Games, lãnh đạo Tổng cục TDTT cùng Bộ môn điền kinh sẽ ngồi lại để chốt phương án nhân sự, ở tất cả các nội dung. Hiện tại, trước mắt Bộ môn điền kinh đã đề xuất bổ sung Trần Nhật Hoàng (Khánh Hòa, 19 tuổi) vào ĐT quốc gia sau khi VĐV trẻ này vượt qua các đàn anh là tuyển thủ để đoạt HCV cự ly 400 m nam.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến lo ngại về việc những thay đổi phút chót về nhân sự sẽ khiến mọi thứ trở nên rối tung. Thể thao Việt Nam nói chung, các ĐT nói riêng từng xảy ra rất nhiều những tranh cãi, kiện tụng về việc VĐV này hay VĐV kia được dự hoặc bị loại.

Việc ĐT điền kinh chốt danh sách cũng không theo một quy định hay tiêu chí thật sự rõ ràng, và đây chính là nguyên nhân dẫn đến những câu chuyện không hay nơi hậu trường, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi đấu.

Với việc phải nâng lên đặt xuống danh sách dự SEA Games, ĐT điền kinh cũng chưa thể chắc chắn với chỉ tiêu HCV. Theo chỉ tiêu ban đầu, ĐT điền kinh phải “gánh” tới 19 HCV để bảo vệ ngôi dẫn đầu toàn đoàn. Tuy nhiên, theo ông Thủy, đây là nhiệm vụ bất khả thi, bởi ngoài việc chưa chốt được các VĐV trọng điểm, thì các quốc gia như Phi-li-pin, Thái-lan, Ma-lai-xi-a… đang nhập tịch ào ạt VĐV nước ngoài, đe dọa sự thống trị ở nhiều nội dung thế mạnh của Việt Nam, trong đó có các cự ly ngắn, trung bình hay tiếp sức. Vì thế, từ chỉ tiêu 19 HCV, ĐT điền kinh cố gắng hết sức cũng chỉ hoàn thành 15 HCV, thậm chí là 12-13 HCV.

Rất nhiều khó khăn với điền kinh Việt Nam, và vì thế ngay từ lúc này, mọi vấn đề rắc rối cần được giải quyết và những quyết định của nhà quản lý phải cho thấy sự hợp lý, vì cái chung.