Giải vô địch bóng chuyền quốc gia

Rào cản từ “nếp cũ”

Khép lại chóng vánh, vòng bảng Giải bóng chuyền vô địch quốc gia (VĐQG) 2018 gắn với một sự đổi khác vừa quen vừa lạ. Năm nay, giải chỉ diễn ra một vòng đấu bảng duy nhất, thay vì hai vòng như thường lệ.

Rào cản từ “nếp cũ”

Ngoài những ảnh hưởng tiêu cực đối với khán giả, nhà tài trợ hay chất lượng chuyên môn chung, sự thay đổi này còn khiến nhiều đội bóng “lãnh đủ”.

Dù Giải bóng chuyền VĐQG vẫn được coi là cuộc đấu thường niên hấp dẫn bậc nhất của thể thao Việt Nam (TTVN), song ở mùa 2018, các đội bóng chỉ tập trung thi đấu một vòng bảng duy nhất trong một tuần, để xác định bốn đội dự vòng chung kết (VCK) và bốn đội “đi chung kết ngược” (sẽ diễn ra vào cuối tháng 12). Khán giả cũng như các nhà tài trợ bỗng dưng mất một nửa số trận đấu. Quan trọng hơn, chính các đội bóng cũng rơi vào thế bị động, không thể thể hiện đúng sự chuẩn bị, trình độ và thực lực chỉ trong vòng 4-5 trận ít ỏi như vậy. Cũng chỉ ở bóng chuyền mới có chuyện vòng đấu bảng cách vòng chung kết tới tám tháng.

Nghịch lý ấy được những người có trách nhiệm giải thích là do năm 2018 có sự kiện Đại hội Thể dục - Thể thao (ĐHTDTT) toàn quốc. Bốn năm mới có một lần, nên phải ưu tiên cho giải bóng chuyền trong khuôn khổ Đại hội vào tháng 11, bằng cách cắt giảm một vòng bảng của Giải VĐQG. Thật bi hài, từ các nhà quản lý, các chuyên gia cho đến các HLV, VĐV hiểu rõ sự “méo mó” ấy là không nên, không ổn cho Giải VĐQG cũng như cho nhiều đội bóng, song đều coi đó là một thực tế phải chấp nhận, hoặc có thể chấp nhận.

Trong khi đó, các môn tương đồng như bóng đá nam hay bóng rổ đều không hề có chuyện Giải VĐQG phải “hy sinh vì Đại hội” như vậy.

Do chỉ có một vòng đấu bảng, nên ngay cả một đại gia như đương kim VĐQG bóng chuyền nam - CLB Sanest Khánh Hòa - dù chỉ thua một trận trực tiếp trước đội TP Hồ Chí Minh cũng đã lập tức bị văng ra khỏi nhóm bốn đội dự VCK. Nếu như mọi năm, giải có vòng bảng thứ hai, họ còn nguyên cơ hội “sửa sai”. Những đội yếu như CLB nữ Truyền hình Vĩnh Long còn “khốn khó” hơn, khi chỉ có đúng bốn trận đấu để phấn đấu trụ hạng, thay vì có tám trận cùng thời gian nghỉ giữa hai vòng để có thể điều chỉnh lối chơi.

Tuy nhiên, những đội bóng doanh nghiệp thuần túy, mà điển hình là đội nữ Ngân hàng Công thương, mới là “nạn nhân đích thực”. Không chỉ là ứng viên vô địch, họ còn là mẫu hình xã hội hóa với nguồn đầu tư lớn, song bỗng dưng rơi vào nghịch cảnh, trong sự nửa vời. Do là đội bóng doanh nghiệp thuần túy, không gắn với địa phương nào nên họ không được dự Đại hội TDTT toàn quốc. Đã vậy, vì Giải VĐQG chỉ có một vòng nên CLB Ngân hàng Công thương Việt Nam phải chờ tới tám tháng mới tiếp tục được thi đấu ở VCK. Cả một năm tập luyện miệt mài, tốn kém, họ chỉ được thi đấu vỏn vẹn tám trận: sáu ở giải vô địch quốc gia và hai ở cúp Hùng Vương. Thế nên, cực chẳng đã, lãnh đạo đội đã phải kỳ công liên hệ, chi thêm tiền để các học trò được tham dự thêm một vài giải giao hữu, nhằm duy trì phong độ. Với những đội bóng như Ngân hàng Công thương Việt Nam, việc ngành thể thao cùng Liên đoàn Bóng chuyền quyết định bỏ một vòng đấu vì Đại hội TDTT toàn quốc rõ ràng là một sự thua thiệt và bất công.

Suy cho cùng, chuyện bóng chuyền Việt Nam duy trì “nếp cũ” (cứ đến năm Đại hội TDTT toàn quốc là giải vô địch quốc gia bị “biến dạng”) đã và đang phơi bày những lỗ hổng khá lớn về hệ thống thi đấu - một hệ thống đã được duy trì suốt hai thập kỷ, cho dù ngày càng bộc lộ nhiều bất cập. Đơn cử, như việc hai vòng đấu cách quá xa nhau và sự “đóng khung” về thời điểm (tháng 3 hay tháng 4 với vòng 1, tháng 11-12 cho vòng 2) hay sự cũ kỹ trong cách chọn lựa địa điểm đăng cai (vòng 1 chỉ diễn ra ở các địa phương khu vực phía bắc, còn đến vòng 2, quyền đăng cai thuộc về các địa phương phía nam)… Bóng chuyền Việt Nam mãi vẫn chưa thể thay đổi đủ mạnh mẽ để bắt kịp thời cuộc, phải chăng cũng có một phần nguyên nhân từ những thứ “nếp cũ” ấy?

Ông Nguyễn Xuân Dung (HLV trưởng Đội bóng chuyền nữ Truyền hình Vĩnh Long): Theo tôi, Giải bóng chuyền VĐQG là một cuộc đấu đỉnh cao thường niên chuyên biệt của một môn và không thể vì bất cứ lý do gì mà bị biến dạng hay méo mó chỉ vì phải ưu tiên cho giải bóng chuyền Đại hội TDTT toàn quốc mang tính chất hoàn toàn khác. Chúng ta không thể đổ cho việc Đại hội diễn ra vào tháng 11 trùng với thời điểm tổ chức vòng 2 mọi năm để hy sinh cả một vòng đấu bảng. Chất lượng chuyên môn, sức hút của cả giải, cũng như quá trình chuẩn bị, sự phấn đấu của các đội, nhất là những đội yếu như Truyền hình Vĩnh Long bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Trần Đức Phấn, Tổng cục phó Tổng cục TDTT, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam:

Phải thừa nhận việc Giải VĐQG chỉ tổ chức một vòng trong năm có Đại hội TDTT toàn quốc là một bất cập liên quan đến hệ thống thi đấu của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam. Chúng tôi cũng đã nhận rõ những bất cập khác của hệ thống thi đấu. Sau khi kết thúc mùa giải 2018, Liên đoàn cùng ngành thể thao sẽ tiến hành tổng kết kỹ lưỡng, tổ chức hội thảo nghiêm túc để có những đổi mới một cách căn bản.