Ranh giới của sự chuyên nghiệp

Chỉ trong một tuần, bóng đá Việt Nam đón nhận hai tin không vui với trường hợp chấn thương nặng hơn dự kiến của Đình Trọng và chuyện vi phạm bản quyền của trung vệ đội trưởng Quế Ngọc Hải. Những ồn ào rồi cũng sẽ trôi qua, chấn thương nghiêm trọng rồi sẽ ổn, nhưng những câu chuyện đó cho thấy một sự thật: sự chuyên nghiệp và thiếu chuyên nghiệp trong bóng đá luôn ở ranh giới rất mong manh.

Đình Trọng mặc dù mới trải qua bảy tháng sau phẫu thuật vẫn phải thi đấu.
Đình Trọng mặc dù mới trải qua bảy tháng sau phẫu thuật vẫn phải thi đấu.

1. Tưởng như sắp trở lại sau một thời gian dài chữa trị chấn thương, trung vệ Trần Đình Trọng lại bất ngờ phải nhập viện để phẫu thuật. Đây là lần thứ ba trong năm cầu thủ này phải lên bàn mổ khiến người hâm mộ không khỏi lo lắng. Các bác sĩ nhận định, Trọng bị tràn dịch và sụn chêm đầu gối bị tổn thương rất nặng, phải mất rất nhiều thời gian mới có thể hồi phục hoàn toàn. Như vậy, cầu thủ Câu lạc bộ (CLB) Hà Nội sẽ phải chữa trị thêm nhiều tháng mới có thể quay trở lại sân cỏ. 

Một năm trôi qua kể từ thời điểm Trọng dính chấn thương ở V-League 2019, anh đã lên bàn mổ tại Xin-ga-po ngay sau đó, được tạo điều kiện hồi phục và chăm sóc tối đa. Đáng lẽ, Đình Trọng có thể lành lặn hoàn toàn và ra sân với 100% phong độ. Nhưng hết lần này đến lần khác, cứ khi nào người hâm mộ sắp được thấy hậu vệ này trên sân, là anh lại phải… vào viện. Chấn thương bị biến chứng là điều không mong muốn và cũng chẳng cần thiết phải đổ lỗi cho bất kỳ ai. Nhưng, cần phải hiểu rõ nguyên nhân để tránh lặp lại vết xe đổ vốn đã cướp đi quá nhiều đôi chân tài năng. 

Cũng cần nhắc lại thời điểm đầu năm, khi U23 Việt Nam tham dự vòng chung kết U23 châu Á 2020, HLV Park Hang Seo đã quyết định sử dụng Đình Trọng khi anh mới trải qua bảy tháng sau ca phẫu thuật dây chằng chéo trước. Ai là người đứng ra bảo đảm về mặt sức khỏe cho Đình Trọng trước thầy Park?

Không chỉ Đình Trọng, mà Duy Mạnh, Xuân Trường, Tuấn Anh, Phan Văn Đức, Xuân Mạnh… cũng từng gặp những chấn thương rất nặng. Thống kê cho thấy, Duy Mạnh thậm chí còn thi đấu nhiều hơn cả ngôi sao Lionel Messi ở CLB Barcelona lẫn Đội tuyển Ác-hen-ti-na trong cùng giai đoạn.

Từ cảm giác khâm phục, người hâm mộ và giới chuyên môn dần đi đến cảm giác lo sợ. Bởi những cái tên kể trên đã bị vắt kiệt sức lực ở cả CLB lẫn Đội tuyển, nhưng lại không có một chế độ chăm sóc, phục hồi khoa học. Chuyện dính chấn thương hay thậm chí tái phát liên miên đều xuất phát từ sự thiếu chuyên nghiệp này.

2. Những ngày vừa rồi, câu chuyện thủ quân Quế Ngọc Hải đóng quảng cáo vi phạm nghiêm trọng hình ảnh Đội tuyển quốc gia (ĐTQG) cũng khiến người hâm mộ cảm thấy bất bình. Bỏ qua chuyện thương quyền, chỉ riêng việc mặc chiếc áo với Quốc kỳ treo ngược cho thấy Quế Ngọc Hải và ê-kíp làm truyền thông của anh nghiệp dư tới mức nào. Và dù trung vệ này đã lên tiếng xin lỗi công khai, cũng như gỡ đoạn phim trên khỏi trang mạng xã hội cá nhân, hình ảnh của anh trong mắt người hâm mộ chắc chắn bị ảnh hưởng.

Điều đáng nói, trước Quế Ngọc Hải, rất nhiều ngôi sao bóng đá như Quang Hải, Công Phượng, Tiến Linh… đều đã bị “tuýt còi” vì vi phạm bản quyền hình ảnh CLB cũng như ĐTQG. Tất cả đều thừa nhận đó là bài học lớn với mình, nhưng thời gian trôi qua, vẫn có người tiếp tục đi vào vết xe đổ đó!?

Vì vậy, cần nhắc tới vai trò của người quản lý hay đội bóng chủ quản. Nếu giám sát chặt chẽ hơn, định hướng tốt hơn, các cầu thủ sẽ không dễ mắc lỗi lầm sơ đẳng như vậy. Tuy nhiên, khi Quế Ngọc Hải vi phạm bản quyền hình ảnh ĐTQG, CLB vẫn khẳng định đây là chuyện của cá nhân cầu thủ, không liên quan gì tới mình! Điều đó liệu có hợp lý với một đội bóng được coi là chuyên nghiệp tại giải đấu hàng đầu đất nước?

Sự chuyên nghiệp luôn có những nguyên tắc mà cả ĐTQG, CLB và cầu thủ buộc phải tuân theo nếu muốn tồn tại. Ranh giới giữa sự chuyên nghiệp và thiếu chuyên nghiệp đôi khi rất mong manh, khiến ngay cả những ngôi sao hàng đầu trở thành nạn nhân hoặc hành động một cách thiếu nhận thức dẫn đến những sai phạm đáng trách.