Bóng chuyền nữ Việt Nam

Quyết định gây tranh cãi

Mới đây, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã quyết định không cử đội tuyển nữ quốc gia dự Giải vô địch bóng chuyền nữ châu Á 2019 như kế hoạch đặt ra từ đầu năm. Thay vào đó, tuyển nữ sẽ được cọ xát tại VTV Cup diễn ra vào đầu tháng 8 để chuẩn bị cho SEA Games. Đây là một quyết định gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn cũng như dư luận.

Không tham dự Giải vô địch châu Á, đội tuyển nữ sẽ tập trung thi đấu tại VTV Cup để chuẩn bị cho SEA Games.
Không tham dự Giải vô địch châu Á, đội tuyển nữ sẽ tập trung thi đấu tại VTV Cup để chuẩn bị cho SEA Games.

Bị động vì thay đổi lịch

Theo kế hoạch thi đấu năm 2019 mà Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) công bố hồi đầu năm, các đội tuyển bóng chuyền nữ sẽ dự những giải đấu quốc tế chính thức gồm: Giải vô địch U23 châu Á (tháng 7), VTV Cup (tháng 8), Giải vô địch châu Á (tháng 9) và SEA Games 30 (tháng 11). Tuy nhiên, Giải vô địch châu Á 2019 bất ngờ thay đổi lịch (đẩy lên sớm một tháng), khiến VFV phải đưa ra quyết định không cử đội tuyển nữ Việt Nam dự giải này và đành chấp nhận nộp phạt theo quy định.

“VFV không thể cử đội tuyển tham dự giải đấu là do Liên đoàn Bóng chuyền châu Á tự ý đổi lịch thi đấu của giải. Điều này dẫn tới việc ngày 10-8 kết thúc giải VTV Cup thì chỉ một tuần sau (ngày 17-8), Giải vô địch châu Á đã khởi tranh, sự chuẩn bị rất cập rập không bảo đảm về chuyên môn”- Phó Tổng cục trưởng Thể dục - Thể thao, Phó Chủ tịch VFV Trần Đức Phấn chia sẻ.

Theo ông Phấn, do hai giải đấu diễn ra quá gần nhau nên VFV phải chọn một giải để tham dự chứ cố đi dự giải châu Á mà không đạt kết quả tốt cũng không hay.

Việc VFV không cử đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam tham dự Giải vô địch bóng chuyền nữ châu Á 2019 khiến các gương mặt trẻ tài năng như Trần Thị Thanh Thúy, Đặng Thị Kim Thanh, Trần Thị Bích Thủy, Nguyễn Thu Hoài… mất đi cơ hội được cọ xát với các đối thủ đẳng cấp ở sân chơi châu lục. Dù sao thì dự một giải châu lục vẫn hơn giải giao hữu như VTV Cup, chưa kể giải châu Á năm nay cũng đồng thời là vòng loại của Olympic Tokyo 2020.

Dẫu vậy, cũng có ý kiến cho rằng, với việc đang tiến hành trẻ hóa, bóng chuyền nữ Việt Nam cần những giải đấu vừa tầm để tiến chậm mà chắc, thay vì chịu những trận thua kiểu “muối mặt” khi đối đầu với các đối thủ mạnh hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Vượt khó

Chia sẻ với chúng tôi, một lãnh đạo VFV thừa nhận việc không dự giải châu Á là điều đáng tiếc, nhưng khi buộc phải có sự lựa chọn, đội tuyển nữ Việt Nam đã có sự tính toán kỹ. Thực tế, đội tuyển nữ đã tham dự VTV Cup liên tục trong gần 20 năm qua nên chắc chắn không thể bỏ giải đấu truyền thống này. Nhưng sau một tuần tranh tài, cũng không thể lập tức lên đường sang Hàn Quốc để dự giải châu Á, VĐV có thể bị quá tải dẫn đến chấn thương.

Một vấn đề được nhiều người quan tâm là trong vài mùa giải gần đây, VTV Cup không còn đem lại sự chờ đợi và háo hức như những mùa giải trước, khi nhiều khán giả nhận xét là chất lượng khách mời chưa thật sự tương xứng như kỳ vọng. Đây chính là lo lắng của giới chuyên môn và người hâm mộ, bởi lẽ một khi bóng chuyền nữ Việt Nam bỏ giải châu Á, thì cần có một giải đấu thật sự chất lượng để chuẩn bị cho SEA Games.

Song, lo lắng này có thể được hóa giải phần nào, bởi, với nhiều đội bóng khách mời quốc tế rất mạnh, VTV Cup năm nay được kỳ vọng sẽ hấp dẫn với nhiều trận đấu có chất lượng chuyên môn cao. Ngoài đội chủ nhà Việt Nam, giải có sự tham dự của các đội mạnh là: NEC Red Rockets Nhật Bản, Phúc Kiến Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, 4.25 Triều Tiên, Thái-lan và Ô-xtrây-li-a. Theo đánh giá, đây là một trong những giải đấu chất lượng cao nhất mà VTV từng tổ chức suốt gần 20 năm qua.

Bên cạnh đó, dù không thể tham dự giải châu Á, các nữ tuyển thủ lại có cơ hội thi đấu cọ xát ngay tại Hà Nội - tham dự Giải vô địch bóng chuyền nữ U23 châu Á năm 2019, từ ngày 13 đến 21-7, với sự tham dự của 13 đội tuyển nữ U23 hàng đầu.

Quan trọng hơn, lứa U23 đang dự giải đấu trên chính là nòng cốt của đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games năm nay, nên ít nhất họ có hai giải đấu chất lượng cao để cọ xát.

HLV trưởng đội tuyển bóng chuyền U23 quốc gia Nguyễn Tuấn Kiệt nhận định, giải đấu này thật sự là cơ hội quý trong bối cảnh chúng ta đang có lứa cầu thủ có nhiều ưu điểm về chiều cao và lực tiến công, song còn non kém kinh nghiệm. Hơn nữa, đội tuyển đang thiếu một chuyền hai giỏi, giàu kinh nghiệm trận mạc, có khả năng dẫn dắt đồng đội. Vì vậy, đây là cơ hội cho đội tuyển khắc phục những nhược điểm này.

Những tính toán của VFV ít nhiều cho thấy sự hợp lý, còn kết quả đến đâu vẫn phải chờ SEA Games tới. Muốn đòi lại ngôi nhì khu vực, bóng chuyền Việt Nam còn cần thêm nhiều sự chuẩn bị khác về chuyên gia, tập huấn, chế độ đãi ngộ… chứ không chỉ là chuyện tranh cãi bỏ hay tham dự một giải đấu.

Với chiến thắng dễ dàng 3-0 trước Maldives, U23 Việt Nam giành ngôi nhất bảng A, có một vé nằm trong top 8 của Giải vô địch bóng chuyền nữ U23 châu Á 2019, đang diễn ra tại Hà Nội. Vào vòng 2, Việt Nam phải đọ sức với Trung Quốc và Đài Bắc Trung Hoa. Tại giải đấu được tổ chức năm 2017, với lứa VĐV hiện tại, đội tuyển Việt Nam đã xuất sắc giành HCĐ.