Điền kinh Việt Nam

Quên SEA Games được chưa?

Các nhà quản lý điền kinh Việt Nam không khỏi vui mừng khi mới đây, Ban tổ chức (BTC) nước chủ nhà SEA Games 30 Phi-li-pin đã quyết định bổ sung sáu nội dung, trong đó hầu hết là thế mạnh của chúng ta. Điều này sẽ giúp đội tuyển điền kinh nước nhà đứng trước cơ hội bảo vệ thành tích 17 HCV ở kỳ đại hội trước. Nhưng, câu chuyện của điền kinh có lẽ không cần bàn nhiều ở SEA Games, mà mục tiêu cao hơn phải là Olympic 2020.

Tú Chinh (thứ ba, từ trái sang) giúp điền kinh Việt Nam thống trị đấu trường SEA Games.
Tú Chinh (thứ ba, từ trái sang) giúp điền kinh Việt Nam thống trị đấu trường SEA Games.

"Mỏ vàng" điền kinh suýt "gặp hạn"

Cuối năm 2018, Ủy ban Olympic Phi-li-pin (POC) thông báo sẽ tổ chức thi đấu 56 môn thể thao (523 nội dung) tại SEA Games 2019. Tuy nhiên, ngay khi công bố này được đưa ra, nhiều đoàn trong đó có Việt Nam đã phản ứng quyết liệt. Rất nhiều môn thể thao mũi nhọn, đặc biệt là điền kinh bị nước chủ nhà cắt giảm hàng loạt.

Theo đó, môn điền kinh có tổng cộng 41 nội dung thi đấu. Trong những nội dung này, nhảy xa nữ, nhảy cao nữ, 10.000 m nữ, đi bộ 20 km nam-nữ, bảy môn phối hợp nữ và cả marathon nữ, một nội dung rất cơ bản (môn thi có từ Olympic đầu tiên năm 1896), đều không có trong chương trình thi đấu.

Sau nhiều ý kiến và sự vào cuộc của Liên đoàn điền kinh châu Á, Phi-li-pin "sửa sai" bằng cách cho đăng ký trở lại hầu hết các nội dung trên. Ðây là những nội dung thế mạnh mà đoàn Việt Nam có khả năng đoạt từ ba đến bốn HCV.

Với việc bổ sung trở lại nhiều nội dung thế mạnh, điền kinh Việt Nam tăng thêm cơ hội tái lập kỳ tích 17 HCV tại SEA Games 2017, cùng vị trí số 1 Ðông - Nam Á ở môn "nữ hoàng". Những nhà quản lý điền kinh nước nhà là vui nhất, bởi họ cần có thành tích để báo cáo. Trong khi đó, các VÐV cũng sẵn sàng cho một kỳ đại hội gặt hái nhiều thành công, qua đó có thêm những khoản tiền thưởng...

Theo nguyên Vụ trưởng Thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT) Nguyễn Hồng Minh, việc tranh ngôi đầu Ðông - Nam Á là tốt, nhưng điều quan trọng với điền kinh Việt Nam lúc này là cần tập trung lấy vé Olympic 2020. Trong lịch sử tham dự sân chơi này, VÐV Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay, và tất nhiên chưa từng có huy chương.

Từ tấm HCV châu Á tới chuẩn Olympic 2020

Tại giải điền kinh vô địch châu Á 2019 vừa kết thúc, VÐV Quách Thị Lan đã mang về tin vui cho điền kinh Việt Nam khi về nhất ở chung kết 400 m rào nữ với thành tích 56 giây 10.

Có thể nói, trong hai năm trở lại đây, sự đầu tư trọng tâm và đúng hướng dành cho Quách Thị Lan đã mang về nhiều trái ngọt (trước đó là tấm HCB Asiad 2018). Rõ ràng, những thành tích trên của VÐV người Thanh Hóa đã vượt xa tầm SEA Games. Ðó là sân chơi Lan có thể lấy HCV một cách dễ dàng.

Tuy nhiên, nếu chỉ đặt mục tiêu có huy chương ở SEA Games hay Asiad, Quách Thị Lan cùng điền kinh Việt Nam sẽ không thể vươn lên tầm thế giới hay Olympic.

Cũng cần nhắc lại rằng, thành tích của tấm HCV châu Á vừa qua của Lan vẫn còn kém chuẩn A Olympic 2020 tới 10% giây. Trong khi đó, các VÐV chủ lực khác của đội tuyển điền kinh Việt Nam như Lê Tú Chinh (100 m, 200 m), Nguyễn Văn Lai (5.000 m, 10.000 m), Nguyễn Thị Oanh (1.500 m), Phạm Thị Huệ (5.000 m và 10.000 m)… đều không có ai đạt chuẩn dự Thế vận hội.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, điền kinh là một trong những môn cơ bản nhất của Olympic và cũng là môn có sự cạnh tranh khốc liệt. Vượt qua vòng loại Olympic đã là một kỳ tích chứ chưa nói tới giấc mơ huy chương.

Còn Trưởng Bộ môn điền kinh Dương Ðức Thủy chia sẻ rằng: Từ tháng 5-2019 tới giữa năm 2020, Việt Nam sẽ tham dự nhiều giải đấu có tính chất vòng loại, các VÐV có nhiều cơ hội để lấy vé dự Olympic. Song, đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn khi ngay ở tầm châu Á, Việt Nam chưa thể bằng được với các VÐV Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, các nước Tây Á hay thậm chí là Thái-lan.

Tại Olympic 2016, điền kinh Việt Nam chỉ có hai VÐV góp mặt là Nguyễn Thị Huyền (400 m, 400 m rào) và Nguyễn Thành Ngưng (đi bộ 20 km). Tuy nhiên, sau đó khi thi đấu ở Brazil, cả hai đều sớm bị loại.

Theo ông Thủy, có một thực tế là chuẩn dự Olympic ngày càng khó. Bảng thành tích chuẩn mà Liên đoàn Ðiền kinh thế giới mới ban hành dành cho các VÐV muốn tham dự Olympic 2020 khiến giới chuyên môn khá sốc. Bởi, nó khó nhất từ trước đến nay.

Ðơn cử như trường hợp của nhà vô địch Asiad 18 Bùi Thị Thu Thảo. Cần một cú nhảy thần kỳ khác nếu cô muốn xuất hiện ở đấu trường thế giới. Bởi lẽ, chuẩn chính thức dành cho nội dung nhảy xa nữ là 6m82, cao hơn rất nhiều thành tích tốt nhất mà Thu Thảo đang nắm giữ (6m68). Còn tại Asiad, cô đạt thông số 6m55.

Quay trở lại câu chuyện điền kinh Việt Nam vui mừng vì có thể bảo vệ ngôi nhất toàn đoàn ở SEA Games 30, việc làm thế nào để có nhiều hơn hai VÐV dự Olympic bằng cửa chính (không phải VÐV được đặc cách) vẫn là một bài toán khó. Cả ông Nguyễn Hồng Minh và ông Dương Ðức Thủy đều nhấn mạnh tới sự đầu tư từ lứa trẻ, bên cạnh việc nâng cao chất lượng giải VÐQG hay tham dự các sân chơi thế giới để học hỏi, cọ xát. Ðó có lẽ là giải pháp tốt nhất, trong bối cảnh điền kinh Việt Nam mới chỉ gây tiếng vang ở tầm khu vực.