Pháo sáng, vì sao?

Chưa đầy một tuần sau khi xảy ra vụ cổ động viên (CĐV) Nam Định bắn pháo dù làm trọng thương một nữ CĐV trên sân Hàng Đẫy trong trận CLB Hà Nội gặp đội Nam Định (ngày 11-9-2019) vừa qua, cơ quan công an quận Đống Đa đã xác định được danh tính thủ phạm là Vũ Trung Trực (sinh năm 1984, trú tại thôn Mỹ Bình, Giao Châu, Giao Thủy, Nam Định).

Sân Hàng Đẫy từ nhiều năm nay luôn là điểm nóng quậy phá của một số CĐV quá khích.
Sân Hàng Đẫy từ nhiều năm nay luôn là điểm nóng quậy phá của một số CĐV quá khích.

Việc cơ quan công an mau chóng tìm được thủ phạm cho thấy: Truy tìm xem ai đã sử dụng pháo sáng, pháo dù giữa biển người trên khán đài thật ra không phải nhiệm vụ bất khả thi. Nhưng, vì sao mà hơn một chục năm nay pháo sáng vẫn cứ là vấn đề nhức nhối của bóng đá Việt Nam, không chỉ ở cấp độ trong nước mà còn xuất hiện cả ở sân chơi quốc tế?

Theo một thống kê chưa đầy đủ, Ban tổ chức (BTC) thi đấu của CLB Hà Nội đang đứng đầu danh sách những BTC phải nộp nhiều tiền phạt nhất do các án kỷ luật liên quan tới pháo sáng, vật thể lạ… với số tiền lên tới 465 triệu đồng. Xếp ngay sau họ là Hải Phòng (thứ nhì, 265 triệu đồng) và Nam Định (thứ ba, 125 triệu đồng). Đây cũng là ba BTC đã phải nộp cho Ban Kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khoản tiền phạt do pháo sáng nhiều hơn 100 triệu đồng, còn các BTC khác ở V-League đều có số tiền phạt ở mức thấp hơn 100 triệu đồng.

Hiện tượng của CLB Hà Nội rất đáng chú ý, vì trong nhiều mùa bóng gần đây, sân Hàng Đẫy đã trở thành điểm nóng quậy phá của một số CĐV quá khích từ các đội bóng khác, nhất là CĐV Hải Phòng, khiến cho BTC sân Hàng Đẫy liên tục phải nhận án phạt, hết năm này qua năm khác.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, nhưng lý do đầu tiên và cơ bản nhất dường như là BTC sân Hàng Đẫy, đặc biệt là của CLB Hà Nội, vẫn chưa có các biện pháp quản lý và kiểm soát đủ mạnh, để làm chùn tay những kẻ núp bóng CĐV tới sân quậy phá.

Trong một cuộc trao đổi với chúng tôi, đại diện VFF xác nhận: Không chỉ ở Giải vô địch bóng đá quốc gia (V-League) mà ngay tại các trận đấu trong khuôn khổ AFC Cup 2019, công tác kiểm tra - kiểm soát CĐV của BTC sân Hàng Đẫy thuộc CLB Hà Nội cũng còn tồn tại không ít sơ hở. Tuy nhiên, vì ở AFC Cup hầu như không có CĐV đội khách nên BTC sân chưa gặp phải sự cố đáng tiếc nào.

Tất cả chúng ta đều biết CĐV Hải Phòng luôn được nhắc tới đầu tiên trong các câu chuyện liên quan tới pháo sáng, và thực tế CLB Hải Phòng cũng là đội bóng “số một V-League” về các khoản phạt liên quan tới pháo sáng với 290 triệu đồng, bỏ xa đội Nam Định xếp thứ nhì với 110 triệu đồng. Song, ở sân Lạch Tray khoảng 3 - 4 mùa giải gần đây, rất hiếm khi chứng kiến sự xuất hiện của pháo sáng.

Có được điều này là bởi trong mỗi trận đấu của CLB Hải Phòng ở V-League, lực lượng an ninh ở sân Lạch Tray thường được bố trí dày đặc trên các khán đài. Họ ngồi xen kẽ với các CĐV, gồm cả nhân viên mặc cảnh phục và nhân viên mặc thường phục, nên có thể dễ dàng phát hiện các hành vi của CĐV Hải Phòng. Bên cạnh đó, chế tài mà BTC sân Lạch Tray dành cho vi phạm pháo sáng của CĐV cực kỳ nghiêm khắc, nên hầu hết những án phạt liên quan tới pháo sáng mà CLB Hải Phòng phải nhận đều diễn ra ở trên sân khách chứ không phải xuất hiện tại Lạch Tray.

Thật ra, có một chi tiết ít được nhắc tới trong câu chuyện “Vì sao sân Hàng Đẫy luôn là điểm nóng pháo sáng?”. Đấy là việc CĐV Hải Phòng và CĐV Nam Định đều có mối quan hệ không được thuận hòa, nếu không nói là hiềm khích với CLB Hà Nội, do những tranh cãi hoặc va chạm trong quá khứ, và nhiều CĐV ở hai địa phương này cũng công khai bày tỏ thái độ bất bình về những lợi thế của CLB Hà Nội so với các đội bóng khác ở V-League. Do đó, họ chủ động sử dụng pháo sáng trên sân Hàng Đẫy để khiến CLB Hà Nội bị phạt, như là một cách mà họ xem là “thực hiện công lý” theo cách của mình.

Thế nên, CLB Viettel tuy cũng sử dụng Hàng Đẫy làm sân nhà như CLB Hà Nội, và thậm chí họ còn áp dụng chính sách mở cửa tự do cho CĐV vào sân, nhưng ở mùa bóng 2019, Viettel rất hiếm khi phải chịu án phạt nghiêm trọng do pháo sáng. Đương nhiên, CLB Viettel cũng không có tên trên các “bảng phong thần”.

Từ câu chuyện của sân Lạch Tray và CLB Viettel, chúng ta có thể thấy rằng pháo sáng tuy là một thách thức, một căn bệnh trầm kha với các BTC sân ở V-League, nhưng xử lý nó hoàn toàn không phải là nhiệm vụ bất khả thi. Có lẽ, đầu tiên, chỉ cần xác định được những đối tượng cần phải “lưu tâm đặc biệt” là đã hoàn thành hơn 50% yêu cầu của nhiệm vụ.

Tuy nhiên, sâu xa hơn, để tôn vinh tinh thần thể thao trong sáng và fair play nhằm triệt tiêu những nguyên nhân mang tính ẩn ức, các nhà quản lý sẽ phải nỗ lực gấp bội trong công tác tuyên truyền và kết nối với các hội cổ động viên.