Ở giữa hai cuộc chiến

Bóng đá thường được mô tả như những cuộc chiến. Song, Luka Modric biết rõ ranh giới giữa "chiến tranh trên sân cỏ" và chiến tranh ngoài đời thực. Bởi vì anh đã trải nghiệm ở cả hai nơi.

Ở giữa hai cuộc chiến

Từ sườn núi Velebit

Vài ngày qua, trên mạng lan truyền một đoạn clip, do nhà làm phim Pavle Balenovic quay được hơn 20 năm trước. Trong đó, có hình ảnh một cậu bé chăn dê trên triền núi Velebit, và một đàn sói âm thầm xiết vòng vây, chờ thời cơ xông tới. Không chút hoảng loạn, cậu bé nhìn địa thế và chọn con đường an toàn nhất để lùa đàn dê thoát hiểm. Cậu bé ấy, 20 năm sau, là Luka Modric - Quả bóng vàng World Cup 2018.

Trở lại câu chuyện năm xưa. Mới vài tháng trước, chăm sóc đàn dê là công việc của người ông nội, cũng mang tên Luka Modric. Người ta gọi ông là "già Luka". Ngày 18-12-1991, "già Luka" - như mọi ngày - dẫn đàn dê ra đi. Nhưng lần này ông không quay về nữa. Ông bị cuốn vào vòng xoáy đau thương của cuộc nội chiến khiến Liên bang Nam Tư tan vỡ. Ông bị hành quyết, bỏ lại sau lưng gia đình, đàn gia súc và đứa cháu nội yêu dấu.

Luka gạt nước mắt, thay ông coi sóc đàn dê. Ít lâu sau, căn nhà gỗ của gia đình cậu bị đổ sập vì trúng đạn pháo. Cả nhà phải dắt díu nhau đến Zadar tị nạn. Suốt những năm tháng ấy, Luka đá bóng ở hành lang khách sạn, trong bãi giữ xe, trên những mảnh đất ngổn ngang gạch đá. Suy dinh dưỡng do ăn uống tạm bợ, nhưng cậu bé rất dẻo dai. Khi được nhận vào đội trẻ của CLB NK Zadar, những người lớn ở đây nhận ra hai điều: cậu có thể làm tất cả những gì mình muốn với quả bóng, và cậu luôn biết cách coi sóc bản thân.

Thời gian trôi qua. Bóng đá từng bước đưa cậu bé đến các CLB Dinamo Zagreb, Tottenham và Real Madrid. Ở đâu cậu cũng khởi đầu hơi chật vật, nhưng cuối cùng luôn trở thành một trong những nhân vật quan trọng nhất. Cách chơi của Modric cũng chính là tấm gương phản chiếu tính cách: Ðơn giản, khiêm tốn, chân thành. Không ăn vạ, không mầu mè. Nghĩ đến việc nâng đồng đội lên trước khi tự mình trở thành người hùng.

Từ Boban đến Modric

Ít người biết rằng, ẩn bên trong cơ thể gầy gò ấy là một tinh thần bất khuất. Tại World Cup 2018, khi đá hỏng quả phạt đền trong hiệp phụ trận gặp Ðan Mạch, Modric xin HLV để mình đá quả luân lưu thứ ba mang tính bản lề trong loạt "đấu súng". Ðối diện người thủ môn vừa chiến thắng mình, anh lạnh lùng sút vào chính giữa khung thành. Kết thúc trận chung kết, người đồng đội Ivan Rakitic làm một điều kỳ lạ. Anh xin Modric đổi áo với mình, và viết trên Instagram: "Anh không biết chúng tôi tự hào thế nào về anh đâu. Giờ chúng ta sẽ ăn mừng với người thân và đồng bào mình. Sống trên đời, đẹp nhất là được làm một người Croatia!".

Ðể hiểu tất cả những điều này, hãy trở lại thời điểm Modric còn đi… chăn dê. Ngày 13-5-1990, CLB Dinamo Zagreb gặp CLB Red Star Belgrade - "trận derby Nam Tư", trong bối cảnh những mâu thuẫn nội tại quốc gia ấy đã lên tới đỉnh điểm. Sau khoảng 10 phút, CÐV hai bên bắt đầu ẩu đả. Cuộc hỗn chiến dần lan xuống sân. Phát hiện một cảnh sát dùng dùi cui đánh một cậu bé, Boban - một trong những ngôi sao sáng nhất của bóng đá Nam Tư lúc ấy, là người Croatia và đang khoác áo Dinamo Zagreb - lao đến tung cú đá vào đầu viên cảnh sát ấy.

Sau đó, chiến tranh chính thức bùng nổ. Kết quả của cuộc nội chiến là việc đất nước Croatia ra đời. Ðội tuyển Croatia, với Boban là "nhạc trưởng", lập tức gây tiếng vang tại EURO 1996, trước khi xuất sắc đoạt HCÐ tại World Cup 1998. Và cả thế hệ đó, những Boban, Davor Suker hay Robert Jarni… cũng luôn nhấn mạnh đến lòng tự hào "là một người Croatia".

Modric, cũng với chiếc áo số 10 trên lưng như Boban, thừa kế trọn vẹn tinh thần đó. Ðó cũng là lý do để quốc gia non trẻ chỉ có hơn bốn triệu dân ấy lại là một "nền thể thao lớn" - như đánh giá của truyền thông Pháp, từ bóng đá, bóng chuyền cho đến bóng ném.

Biến hoài nghi thành sức mạnh

Ðã có lúc Luka Modric bị căm ghét bởi chính đồng bào mình, khi anh ủng hộ vị Giám đốc điều hành Zdravko Mamic của Dinamo Zagreb - người bị kết án tham nhũng và rửa tiền. Lý do: anh nợ ông ta khá nhiều ân nghĩa.

Nhưng, Modric vẫn tận tụy với Tổ quốc. World Cup này, anh đá nhiều phút nhất, chạy nhiều nhất, chạm bóng nhiều nhất, chuyền bóng nhiều nhất trong tất cả các cầu thủ dự giải. Và anh cũng là người bị phạm lỗi nhiều nhất trong đội. Các đối thủ làm mọi cách để cản anh. Sau mỗi trận đấu, anh đều gục xuống vì kiệt sức. Nhưng cứ đến trận tiếp theo, anh lại đeo tấm băng thủ quân lên tay, và lại chiến đấu đến tận khi tiếng còi mãn cuộc.

Cựu danh thủ Argentina, Jorge Valdano, nhìn Modric thi đấu và đánh giá: "Ðấy là cách người ta chơi bóng, đấy là cách chúng ta cảm nhận về bóng đá". Và Modric, người từng bị hàng loạt "ông lớn" từ chối trong cả sự nghiệp, thổ lộ với Daily Mail: "Cả đời tôi bị người ta hoài nghi. Họ nói tôi không đủ giỏi, không đủ to con, không đủ mạnh khỏe. Ðiều ấy chỉ làm tôi mạnh mẽ lên, vì tôi muốn chứng tỏ là họ đã sai!".

Anh đã chứng tỏ được rồi. Xem Modric đá như nghe một bản nhạc buồn vào chiều mưa: nhẹ nhàng, thư giãn, lãng mạn. Không lên gân, không làm quá. Anh có thể chạm bóng giữa vòng vây một cách nhẹ nhàng, không chút lúng túng. Anh tỉa quả bóng ra đúng vị trí cần đến, rồi lại miệt mài chạy không ngừng nghỉ. Modric là nghệ sĩ đến tận cùng, cũng là một "công nhân" tận tụy. Anh gợi lại câu nói bất hủ của huyền thoại Johann Cruyff - một trong những nhà tư tưởng lớn nhất của bóng đá: "Bóng đá là một trò chơi đơn giản, nhưng chơi bóng đơn giản lại khó nhất trên đời".

Số phận không cho Modric giương cao chiếc cúp vàng vô địch thế giới, nhưng anh và đội tuyển Croatia cũng đã hoàn tất một kỳ tích. Anh sẽ buồn, nhưng rồi sẽ trở lại, sớm thôi. CLB Real Madrid của anh, mùa sau sẽ rối ren khi không còn Cristiano Ronaldo và Zinedine Zidane nữa. Ơn trời là Modric vẫn còn ở đó.

Anh sẽ là người tìm ra lối thoát. Như cậu bé trên dãy Velebit năm xưa…