Chuyện bảo hiểm y tế cho VĐV

Nói hoài, nói mãi!

Bảo hiểm y tế (BHYT) đến lúc này vẫn là điều gì đó quá xa xỉ với thể thao Việt Nam. Có quá nhiều câu chuyện buồn đã diễn ra, đòi hỏi những sự thay đổi mạnh mẽ về cơ chế - chính sách. Nhưng trước hết, những sự thay đổi phải bắt nguồn từ một quyết tâm thật sự mạnh mẽ của ngành thể thao.

Vũ Nguyệt Ánh (trái) từng đối diện nguy cơ tàn phế vì chấn thương.
Vũ Nguyệt Ánh (trái) từng đối diện nguy cơ tàn phế vì chấn thương.

Vô địch thế giới cũng không được mua BHYT

Câu chuyện cựu vô địch thế giới môn đá cầu Nguyễn Huyền Trang đã giải nghệ và đang bị ung thư giai đoạn cuối, phải đi vay mượn từng đồng chữa bệnh khiến không ít người đau xót. Tập luyện, thi đấu đá cầu từ năm 14 tuổi, giành hàng loạt chiến tích trong và ngoài nước, đặc biệt là hai tấm HCV giải vô địch thế giới (2005 và 2007), nhưng khi giải nghệ Trang lại trở về với hai bàn tay trắng.

“Hoa khôi đá cầu” Việt Nam một thời ngậm ngùi chia sẻ: “Suốt nhiều năm thi đấu trên đội tuyển quốc gia (ĐTQG), tôi chỉ nhận đúng mức lương khoảng một triệu đồng mỗi tháng, không có bất cứ khoản hỗ trợ hay bảo hiểm y tế. Đến khi biết mình bị bệnh, gia đình mới mua bảo hiểm tự nguyện, nhưng cũng chỉ bớt được phần nào. Giờ thì cũng vay nợ khắp nơi rồi…”.

Trường hợp của Trang không hiếm trong làng thể thao Việt Nam. Thậm chí có rất nhiều VĐV đang thi đấu đỉnh cao, là VĐV trọng điểm, cũng không có thẻ BHYT. Theo quy định của ngành thể thao, chỉ các VĐV đã vào biên chế hay hợp đồng dài hạn mới được mua bảo hiểm, trong khi có tới 90% không thuộc diện này - những người “nằm mơ cũng không được vào biên chế”.

“Cô gái vàng” của điền kinh Việt Nam Nguyễn Thị Huyền, người giành ba HCV (cá nhân, đồng đội) tại SEA Games 28, cũng chưa từng có BHYT. Huyền cho biết, thường thì mỗi năm cô được kiểm tra sức khỏe định kỳ, gồm xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chụp X-quang… Nhưng điều mà cô và nhiều VĐV khác mong muốn là một chiếc thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe định kỳ tại bệnh viện và phòng khi gặp tai nạn gãy tay, gãy chân…

Khi còn thi đấu, nhà vô địch ASIAD Vũ Nguyệt Ánh từng khốn khổ vì không có kinh phí chữa trị chấn thương. Phải mãi tới năm 2012, khi báo chí đồng loạt lên tiếng, VĐV quê Hải Phòng mới được tài trợ để ra nước ngoài phẫu thuật, thoát nguy cơ tàn phế sau khi giải nghệ.

Được biết, hiện các VĐV Việt Nam chỉ tham gia bảo hiểm theo hình thức tự nguyện, mức mua bảo hiểm cũng ở khung thấp nhất. Điều này khiến cho mỗi khi gặp tai nạn, mức chi trả của cơ quan bảo hiểm không đáng bao nhiêu so với chi phí điều trị. Một VĐV ở đội tuyển xe đạp chia sẻ rằng mình từng bị gãy đòn vai, chi phí chữa trị hết hơn 20 triệu đồng nhưng bảo hiểm chỉ được thanh toán khoảng bốn triệu đồng.

Vẫn là câu chuyện không hồi kết

Điều 32 Luật Thể dục Thể thao (TDTT), về quyền và nghĩa vụ của VĐV thể thao thành tích cao, quy định: “Trong thời gian tập luyện và thi đấu, VĐV có quyền được chăm sóc và chữa trị chấn thương; VĐV được tham gia BHYT, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật”. Ngoài ra, Chính phủ cũng có nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật TDTT, trong đó có việc thực hiện chế độ BHYT cho VĐV.

Luật quy định là vậy, nhưng với vài nghìn VĐV trên cả nước, thì vấn đề đáp ứng BHYT cho tất cả là gần như không thể. Đặc biệt, trường hợp của cựu Á quân ASIAD Hoàng Hà Giang qua đời ở tuổi 24 khiến nhiều người không khỏi đau xót. Dù sớm giải nghệ vì mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng việc em phải tự mưu sinh, bươn chải làm đủ thứ nghề để lấy tiền chữa bệnh cũng như nuôi gia đình thật sự là một điều quá bất công. Nếu có thẻ BHYT, Giang sẽ bớt đi gánh nặng kinh phí điều trị. Cô cũng sẽ có thêm niềm tin vào cuộc sống, có động lực để chống chọi với căn bệnh quái ác.

Việc các VĐV không có BHYT không phải là câu chuyện mới. Song, những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo phải vay mượn từng đồng để chữa trị như Nguyễn Huyền Trang, hay ngay cả đến khi chết cũng không biết đến tấm thẻ BHYT như của Hà Giang lại khiến câu chuyện ấy vẫn luôn nhức nhối.

Trong nhiều năm qua, có rất nhiều VĐV đã rơi vào cảnh cực kỳ khó khăn vì phải bỏ số tiền lớn để chữa bệnh, chấn thương khi đang thi đấu mà phía CLB không chi trả hoặc chỉ chi trả một phần. Hầu hết các VĐV chia sẻ rằng, khi thi đấu, họ chỉ nghĩ mình phải cống hiến hết khả năng và nếu chẳng may có chấn thương sẽ được đơn vị chủ quản hay trên đội tuyển lo. Tuy nhiên, thực tế thì nhiều người đã bị sốc vì không nghĩ rằng nghiệp thể thao lại “bạc” như vậy.

Thực tế thì bao năm qua ngành thể thao, các địa phương cũng rất trăn trở với vấn đề thẻ BHYT cho các VĐV. Hầu hết các VĐV không thuộc diện được mua BHYT nên các địa phương đã phải động viên họ tự bỏ tiền ra mua BHYT cho bản thân phòng khi chấn thương. “Hiện nay BHYT tự nguyện có giá 500 - 600 nghìn đồng/năm, nếu VĐV ý thức được sự quan trọng của sức khỏe thì nên tự bỏ tiền túi ra mua để bớt gánh nặng cho gia đình và địa phương. Tuy nhiên các VĐV gần như không mua bởi họ luôn nghĩ rằng mình phải được cấp thẻ BHYT”, một lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho biết.

Các VĐV nghĩ như vậy, liệu có sai không? Và nếu sai, thì phải có cách nào đó đả thông tư tưởng cho họ chứ? Và nếu cần phải làm việc đó, thì là trách nhiệm của ai?