Đường đua F1

Những kỷ niệm khó quên

Giải đua xe Công thức 1 (F1 GrandPrix) hằng năm thu hút hàng trăm nhà báo đến từ các hãng truyền thông lớn, cùng vô số phóng viên “không nằm trong danh sách chính thức của Ban Tổ chức”. Hơn mười năm trước, người viết lần đầu đứng bên đường đua, với tư cách là một trong số đó.

Những kỷ niệm khó quên

Cơ hội “vàng”

Phải mãi tới đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi những chiếc chảo thu tín hiệu vệ tinh mi-ni đầu tiên du nhập vào Việt Nam, người Việt mới biết đến rộng rãi hơn về giải đua này, qua các kênh truyền hình nước ngoài. Dù vậy, đối với phần lớn người Việt, F1 GrandPrix vẫn là “thứ gì đó xa xỉ”.

Cho tới khoảng năm 2007, những người hâm mộ Việt Nam vẫn không thể mua vé trực tuyến, trong khi nếu đặt mua vé thông qua tour du lịch trọn gói tới quốc gia tổ chức hoặc được một hãng tài trợ giải tặng vé thì cũng khó có vị trí tốt.

Song, thị trường gần trăm triệu dân như Việt Nam vẫn là một thị trường tiềm năng hướng tới của nhiều tour du lịch quốc tế. Hơn chục năm trước, một trong những tour du lịch như thế được Cục Xúc tiến Du lịch Ma-lai-xi-a thực hiện, với khách mời là một số phóng viên Việt Nam và điểm nhấn là chuyến tham quan và xem trực tiếp vòng đua Sepang - chặng đua thứ hai trong tổng số 18 chặng đua năm ấy.

Làm phóng viên F1, không dễ!

Tại cửa kiểm soát an ninh đường đua, đoàn Việt Nam được đi qua khá dễ dàng, trong khi những khán giả khác bị kiểm tra rất cẩn thận. Sau này mới biết, hóa ra là bởi các phóng viên Việt Nam chỉ mang theo máy ảnh loại nhỏ và chẳng có thêm đồ đạc trang bị gì. Vào đến vị trí ngồi xem, mới thấy nhiều khán giả mang theo máy ảnh với ống kính 300 đến 400 mm. Theo quy định, khán giả không được mang máy ảnh chuyên nghiệp như thế, nhưng có lẽ Ban Tổ chức giải “xuê xoa”, nên ngồi trên khán đài mà tưởng khán giả chung quanh toàn là phóng viên - nhà báo “xịn” cả.

F1 GrandPrix là một giải đặc thù, không chỉ ở góc độ ban tổ chức hay khán giả mà đối với cả phóng viên. Các điều luật và quy định rất phức tạp, lại thay đổi theo từng mùa giải và liên quan nhiều lĩnh vực chuyên môn của ngành chế tạo ô-tô. Chính vì vậy, chuyện được trở thành phóng viên chính thức của giải là rất khó khăn. Những phóng viên, hay bình luận viên này được Liên đoàn Ô-tô quốc tế (FIA) và Ban Tổ chức giải chọn lựa một cách cẩn thận, thường ưu tiên cho các tay đua đã giải nghệ, cho một số tạp chí “sân sau” của FIA như Moto Sport Magazine, F1 Magazine, hoặc các kênh truyền thông lớn như BBC, Reuters, Fox Sports, Sky Sports F1, Canal+ hay F1 TV.

Một thời đã xa

Là khách mời của Cục Xúc tiến Du lịch Ma-lai-xi-a nhưng đoàn phóng viên Việt Nam chỉ được xếp chỗ tại khán đài K1 Grandstand - khán đài chứng kiến vòng cua đầu tiên sau khi chạy trên đường thẳng qua khu vực khán đài VIP. Trên thực tế đây là khu vực tương đối tốt, góc nhìn rộng và gần đường đua, nếu so những chỗ có giá vé rẻ trên đồi phía sau.

Chưa ra tới chỗ ngồi, khán giả đã có thể nghe những âm thanh đặc trưng của F1: Tiếng gầm động cơ nghe như tiếng máy bay phản lực. Âm thanh lộp bộp cuối ống xả tương tự như tiếng pháo cao xạ. Tiếng rít nhức nhối của động cơ V8 xe Công thức 1 lên tới gần 150 đề-xi-ben - tương đương với âm thanh máy bay lúc cất cánh. Thế nên thứ bán chạy nhất chính là bộ Survival Kit, gồm áo mưa và... hai cái bịt tai.

Dù háo hức “tác nghiệp”, các phóng viên Việt Nam cũng nhanh chóng nhận ra thực tế: họ chẳng thể chụp nổi một tấm ảnh nào ra hồn, trừ khi chụp... khán đài, bởi xe Công thức 1 chạy quá nhanh, còn máy ảnh nhà ta ngày ấy thì quá... bèo, không bắt tốc độ được. Nhìn xuống đường đua, các phóng viên ảnh đeo thẻ của Ban Tổ chức đều có vài ba ống kính, chiếc ngắn nhất cũng là loại 400 mm, còn lại là những ống kính chuyên dụng dài tới cả mét đi kèm chân đỡ như giá súng ba-zô-ka.

Quyết không để lỡ “cơ hội ngàn vàng”, một phóng viên Việt Nam - vốn đang làm cho một tạp chí về ô-tô nghĩ ra kế gặp người của Cục Xúc tiến Du lịch Ma-lai-xi-a để nhờ liên hệ với Ban Tổ chức xin tiếp cận “gần hơn”. Thật may, vị đại diện ấy đã rất nhiệt tình kết nối. Sau một hồi thương thuyết, đoàn Việt Nam được cấp thẻ truyền thông (media) tạm thời để vào khu vực thay lốp (pit-stop), với yêu cầu: Không được phép chụp ảnh!

Một lần nữa, các phóng viên nhà ta phải “trổ tài”. Bằng cách cho người của Ban Tổ chức xem tin về F1 Grand Prix được đăng tải ở Việt Nam (và phải giải thích rằng ảnh trong bài xin được từ các nguồn chính thống), rốt cuộc đoàn Việt Nam cũng được chụp ảnh chiếc xe dẫn đoàn đua (Safety Car) cùng một cuộc phỏng vấn ngắn với đại diện Ban Tổ chức. Như thế đã là vượt quá kỳ vọng.

Vài năm sau, các phóng viên Việt Nam được mời thẳng các chặng đua F1. Hiện tại, họ thậm chí còn có thể tham gia chương trình huấn luyện và trải nghiệm lái xe F1 trên đường đua Sepang (Ma-lai-xi-a). Ước mơ được trở thành phóng viên chính thức của F1 GrandPrix rồi đây còn có cơ hội trở thành hiện thực.

Chuyện cũ, dẫu sao, vẫn sẽ là kỷ niệm đẹp, về một thời bỡ ngỡ và thiếu thốn trăm bề…

Những kỷ niệm khó quên ảnh 1

Họp báo công bố giải đua xe công thức 1 (Formula One - F1), tại Hà Nội chiều 7-11-2018. Ảnh: KHÁNH AN