Những giải pháp tình thế

Không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì các đội bóng đá nữ cũng đã luôn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn kinh phí để duy trì hoạt động. Trong hoàn cảnh hiện nay, khó khăn này lại nhân lên gấp bội, khiến nhiều đội đứng trước nguy cơ… tan rã.

Tìm kiếm và duy trì nguồn kinh phí hoạt động chưa bao giờ là bài toán dễ dàng.
Tìm kiếm và duy trì nguồn kinh phí hoạt động chưa bao giờ là bài toán dễ dàng.

Năm 2019, đội nữ Sơn La nhận được gói tài trợ trị giá 1,2 tỷ đồng. Trừ khoản tiền ăn, mỗi cầu thủ thuộc đội một được hưởng lương từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng. Tới tháng 3 năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vì nhà tài trợ gặp khó khăn nên đã cắt hợp đồng tài trợ trước thời hạn. Mỗi người chỉ còn vỏn vẹn hơn 1,6 triệu đồng/tháng.

Từng là “cơn gió lạ” của Giải vô địch quốc gia (VĐQG), các cô gái dân tộc Thái của đội bóng Sơn La đang đứng trước nguy cơ phải bỏ dở sự nghiệp để về quê hoặc đi làm công nhân. Đặc thù văn hóa cộng thêm điều kiện kinh tế khó khăn là hai yếu tố chính khiến tư tưởng cầu thủ lung lay, muốn bỏ dở “nghiệp quần đùi áo số”.

Trong số bảy đội nữ dự giải VĐQG, Sơn La là đội khó khăn nhất về kinh tế, sống chủ yếu dựa vào ngân sách và ít có sự hỗ trợ của doanh nghiệp. Dù phải cất công tìm kiếm các tài năng và thuyết phục gia đình đồng bào dân tộc để con em theo nghiệp đá bóng, HLV Lường Văn Chuyên của đội nữ Sơn La bộc bạch: “Đội bóng chỉ còn 10 cầu thủ. Trong những ngày tới nếu không có giải pháp nào, nhiều khả năng cũng không thể giữ được con số này”.

Đội nữ Thái Nguyên cũng từng ở vào hoàn cảnh tương tự, khi nhà tài trợ cũ rút lui, thiếu kinh phí hoạt động và đứng trước nguy cơ giải thể cuối năm 2019. May mắn thay, mọi chuyện đã được giải quyết ổn thỏa khi Tập đoàn T&T ký hợp đồng tài trợ.

Các cô gái Sơn La giờ đây cũng đang chờ đợi và hy vọng vào một kịch bản tương tự. Tuy nhiên, dù “tình hình tương đối khả quan” - như chia sẻ của HLV Lường Văn Chuyên, việc tìm giải pháp hỗ trợ đội bóng để tiếp tục duy trì thi đấu và chuẩn bị cho giải VĐQG chỉ có thể được hoàn tất cho tới khi dịch bệnh được kiểm soát.

Trong những nỗ lực chung, UBND tỉnh Sơn La khẳng định: Dù chưa có giải pháp tài chính để hỗ trợ, ngành thể thao tỉnh vẫn đang tìm mọi phương án giúp đội bóng duy trì hoạt động. Dẫu vậy, tất cả chỉ mang tính tình thế và số tiền lương ít ỏi 1,6 triệu đồng cũng không đủ để những cô gái nghèo nuôi dưỡng đam mê, chứ chưa nói đến việc nhìn thấy tương lai từ trái bóng tròn.

Giải VĐQG nữ thường bắt đầu vào giữa và cuối năm, cho nên nếu dịch bệnh sớm được đẩy lùi, guồng máy này có thể sớm hoạt động trở lại như bình thường. Vấn đề là, việc tìm kiếm và duy trì nguồn kinh phí tối thiểu đủ để các đội bóng hoạt động, thực tế, chưa bao giờ là bài toán dễ dàng với bóng đá Việt Nam.