Nhạt nhòa một “thương hiệu”

Đội tuyển (ĐT) bóng đá U19 Việt Nam đã gỡ lại chút thể diện khi giành HCĐ Giải vô địch U19 Đông - Nam Á 2016. Thế nhưng, có lẽ người hâm mộ nước nhà chẳng còn quan tâm đến kết quả này, bởi thương hiệu U19 đã bị “làm hỏng” ngay trước khi giải đấu diễn ra…

Nhạt nhòa một “thương hiệu”

1 Cùng thời điểm này hai năm trước, sân Mỹ Đình với hơn bốn vạn chỗ ngồi luôn chật kín mỗi khi ĐT U19 Việt Nam thi đấu. Đó là thời mà những cái tên như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… đã mang tới biết bao niềm hy vọng. Họ không chỉ chơi đẹp mắt, mà tinh thần thi đấu cũng rất máu lửa, hết mình vì mầu cờ sắc áo.

Hai năm sau, những hình ảnh ấy chỉ còn là hoài niệm. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã “cố tình” tổ chức giải ở sân Hàng Đẫy, nhằm thu hút khán giả. Thế nhưng, trận đông nhất cũng chỉ có khoảng 2.000 người, còn lại là mênh mông những khán đài trống vắng.

Đội bóng hiện tại của HLV Hoàng Anh Tuấn không còn những ngôi sao như lứa Công Phượng. Nhưng vấn đề không nằm ở khâu truyền thông hay sức hút của những tên tuổi, mà từ chính màn trình diễn thiếu bài bản, đường nét của lứa U19 hiện tại. Đáng buồn hơn, hầu hết các cầu thủ U19 Việt Nam không thể hiện được tinh thần thi đấu, từ vòng bảng cho tới trận bán kết. Duy nhất chỉ có trận tranh HCĐ, khi đã phải nhận rất nhiều chỉ trích, các cầu thủ mới “chịu đá”. Thực tế, họ đã có trận đấu hay nhất kể từ đầu giải. Song, mọi thứ đã quá muộn.

2 ĐT U19 Việt Nam bước vào giải năm nay với một tâm thế “lửng lơ”. Chiếc cúp vô địch ở giải đấu giao hữu trên đất Mi-an-ma (Myanmar) ngay trước thềm giải Đông-Nam Á đã khiến các cầu thủ không còn đứng trên mặt đất. Để rồi khi vào đánh “trận thật”, tất cả đã không còn là chính mình.

Nốt trầm đáng quên nhất của họ là trận thua bạc nhược trước ĐT U19 Ô-xtrây-li-a (Australia) tại bán kết, với tỷ số 2-5. Ngay khi hiệp một kết thúc, khán giả đã lũ lượt bỏ ra về. Sau trận, những gương mặt trẻ cúi đầu ủ rũ bước tới khu vực kỹ thuật, chẳng ai nói với ai một lời. Một hình ảnh buồn đến ám ảnh, đối với đội bóng từng là một “thương hiệu”.

HLV Hoàng Anh Tuấn đã phải dùng từ “cực kỳ tồi tệ” dành cho các học trò sau trận thua này. Ông Tuấn luôn nhấn mạnh rằng ở một giải trẻ thắng thua không quan trọng, nhưng cách chơi phải thuyết phục và đặc biệt là các cầu thủ phải thể hiện được ý chí, khát khao chiến thắng: “Sau mỗi trận đấu tôi đều nhắc nhở các em về tinh thần thi đấu, nhưng tình hình không được cải thiện. Đây thật sự là vấn đề nan giải và tôi xin nhận trách nhiệm về mình”.

3 Nhiều người nói rằng, ĐT U19 Việt Nam hiện tại không được quan tâm như lứa U19 thời Công Phượng. Đó là thực tế không ai phủ nhận. U19 Việt Nam hiện tại cảm thấy chạnh lòng khi bị khán giả bỏ rơi. Đó cũng là một sự thật nữa. Thế nhưng, tất cả điều này không thể trở thành lý do để U19 Việt Nam có những trận đấu vô hồn, không tuân thủ chiến thuật, thi đấu thiếu lửa.

Cũng cần phải nói thêm rằng trước khi giải đấu diễn ra, VFF đã giao nhiệm vụ cho ĐT U19 Việt Nam phải vô địch, còn HLV Hoàng Anh Tuấn cũng tự tin ít nhất cũng vào đến chung kết. Điều này vô tình đã tạo nên áp lực rất lớn với các cầu thủ trẻ. Khách quan mà nói, họ không mạnh ở giải đấu năm nay.

HLV Hoàng Anh Tuấn cay đắng: “Bốn yếu tố để làm nên một đội bóng mạnh là kỹ thuật, chiến thuật, thể lực và tâm lý, U19 Việt Nam đều không có”. Với bảy tuần tập trung, sự yếu kém này có một phần nguyên nhân từ chính HLV trưởng. Nhưng khi nhìn sâu hơn, rộng hơn, thì nguyên nhân chính lại đến từ khâu đào tạo trẻ ở các CLB.

Ai cũng thấy, ngoài một vài CLB có khâu đào tạo trẻ tốt như Viettel, PVF, Hà Nội T&T, đa số phần còn lại chỉ làm đào tạo trẻ “cho có”. Rất nhiều địa phương, đội bóng còn không có đội trẻ. Có đội trẻ rồi thì khâu đào tạo cũng chưa bài bản, có lớp lang đàng hoàng, được quan tâm đến chế độ ăn, tập, thi đấu cọ xát… Bên cạnh đó, bóng đá Việt Nam cũng đang thiếu thầy giỏi. Thậm chí, ngay cả VFF gần đây cũng mới thuê một giám đốc kỹ thuật người nước ngoài, dù vị trí này rất quan trọng (giống như “kiến trúc sư trưởng” của mỗi nền bóng đá).

Rễ đã nông, làm sao cành vững?

Song song với ĐT U19, ĐT U16 Việt Nam cũng đã không thể làm nên bất ngờ tại trận tứ kết Giải vô địch U16 châu Á (thua ĐT U16 I-ran 0-5). Với kết quả này, ĐT U16 Việt Nam tan giấc mộng tham dự Giải vô địch U17 thế giới năm 2017. Dù không thể làm được điều kỳ diệu như các đàn anh ở đội tuyển futsal Việt Nam, nhưng thầy trò HLV Đinh Thế Nam vẫn gây được tiếng vang.

Đây không phải là lần đầu tiên các đội trẻ của bóng đá Việt Nam thi đấu ấn tượng ở sân chơi châu Á. Sau mỗi lần như vậy, người hâm mộ nước nhà lại đặt rất nhiều kỳ vọng vào một tương lai đầy màu hồng.

Tuy nhiên, có một thực tế là dù có xuất phát điểm rất tốt, thậm chí tốt nhất khu vực Đông-Nam Á, nhưng cứ “lớn lên” là cầu thủ Việt Nam “lụi” dần. Nguyên nhân được chỉ ra ở đây là bóng đá Việt Nam không được đầu tư đúng mức, cũng như không được trang bị, uốn nắn, hoàn thiện theo những quy trình chuyên nghiệp thực thụ.

Điều đáng buồn ở chỗ, tất cả những nguyên nhân trên đều được các nhà quản lý bóng đá nước nhà nhìn thấy rất rõ, nhưng không sao thay đổi được thực tế!