“Nhà giàu cũng khóc”

 Đằng sau hàng loạt thất bại ở vòng đấu mở màn V-League 2021 là sự khắc nghiệt của thể thao nói chung và của giải đấu số một Việt Nam nói riêng.
 

Hà Nội thua trắng Nam Định trong trận ra quân.
Hà Nội thua trắng Nam Định trong trận ra quân.

Điểm chung của Câu lạc bộ (CLB) Hà Nội, Viettel hay Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là đều có tiềm lực kinh tế, và sẵn sàng mạnh tay chi trả để thực hiện các mục tiêu của họ. Trong giai đoạn chuẩn bị cho mùa giải mới, cả ba đại gia này đều đã “chi đậm” để bổ sung lực lượng. Viettel lấy “Vua phá lưới” mùa trước, Pedro Paulo từ CLB Sài Gòn. Hà Nội lấy Geovanne cũng từ CLB Sài Gòn, Bruno Cunha từ chính Viettel. Trong khi HAGL đưa Kiatisuk trở lại băng ghế huấn luyện. Chi phí lót tay cho những thương vụ này lên tới hàng chục tỷ đồng. Và, nếu để so sánh thì CLB Tây Ninh chỉ cần thêm năm tỷ đồng là có thể đủ điều kiện đá giải hạng Nhất, nhưng không thành và phải giải thể.
 
 Tuy nhiên, kết quả trên sân cỏ và thương trường lại đi ngược chiều nhau. CLB Hà Nội thua trắng 0-3 trước Nam Định, đội bóng suýt xuống hạng mùa trước. Viettel thua ngay trên sân nhà Hàng Đẫy trước Hải Phòng, đội mùa trước phải mượn cầu thủ Quảng Ninh để cứu vớt hy vọng trụ hạng. Còn HAGL cũng thua Sài Gòn, CLB vừa thay phần lớn đội hình.
 
 Rõ ràng, tiền chưa đóng vai trò quan trọng tại V-League, ít nhất là đến lúc này. Thậm chí việc chi “tiền tấn” mua các ngôi sao về thi đấu dường như khiến chính các CLB gặp vấn đề trong việc lắp ráp các mắt xích mới vào đội hình quen thuộc. Geovanne với vai trò tiền đạo lùi đang chưa thể “đánh hơi” thấy Văn Quyết hay Quang Hải trong hệ thống của CLB Hà Nội. Pedro Paulo lạc lõng giữa hệ thống Viettel bên cạnh Trọng Hoàng, Hoàng Đức hay Khắc Ngọc. Kiatisuk thì chưa thể nâng tầm Công Phượng hay Xuân Trường ở đội bóng phố núi.
 
 Nếu chọn góc nhìn chuyên môn, hiện tượng “nhà giàu cũng khóc” này thực tế không quá khó hiểu. Cả Geovanne, Bruno, Pedro Paulo hay Kiatisuk đều chưa có nhiều thời gian thích nghi với môi trường mới do quá trình chuẩn bị mùa giải bị cắt ngắn. Việc phải thi đấu ngay lập tức với những đội bóng cửa dưới, thậm chí có cá tính mạnh như Nam Định, Hải Phòng hay Sài Gòn là chuyện không đơn giản.
 
 Thể thao và bóng đá nói chung khắc nghiệt như thế. Việc chi thật nhiều tiền mang tới cơ hội để nâng tầm đẳng cấp, nhưng không có nghĩa thành quả sẽ đến ngay lập tức. Nhà giàu đôi khi cũng phải cố gắng, nếu không muốn nhà nghèo vượt mặt bằng nỗ lực. Đó âu cũng có thể xem là giá trị lớn của thể thao. Trên sân cỏ chỉ có quả bóng và cầu thủ, tiền bạc hoàn toàn không có giá trị.