Hoãn Olympic Tokyo 2020

“Mục tiêu kép” và những lựa chọn

Sau khi Olympic 2020 dời lịch tổ chức sang năm 2021 vì dịch Covid-19, ngành thể thao lập tức có những điều chỉnh để hướng đến hai mục tiêu quan trọng trong năm tới. Tuy nhiên, ngay từ lúc này, thể thao Việt Nam dường như đã lấy trọng tâm là sân chơi khu vực, khi Thế vận hội vẫn là giải đấu quá sức.

Việt Nam chuẩn bị cho Olympic 2020, diễn ra năm 2021, và hướng tới SEA Games 31.
Việt Nam chuẩn bị cho Olympic 2020, diễn ra năm 2021, và hướng tới SEA Games 31.

Đảo lộn nhưng… có lợi

Đã chuẩn bị gần một năm nay, nên việc Thế vận hội bị hoãn sang năm 2021 khiến các đội tuyển, HLV, VĐV rơi vào cảnh “việt vị”. Tâm lý chung của Việt Nam và các quốc gia dự Olympic là hụt hẫng.

Nói như VĐV bơi lội Nguyễn Huy Hoàng, anh cảm thấy nuối tiếc khi đang rất háo hức lần đầu được tham dự Thế vận hội, ở hai nội dung 1.500m tự do và 800m. Tuy nhiên, kình ngư người Quảng Bình cho rằng Olympic 2020 hoãn là điều cần thiết bởi sức khỏe của mọi người nên được đặt lên hàng đầu.

Trong khi đó, lực sĩ Vương Thị Huyền ở môn cử tạ chia sẻ: “Tôi không nghĩ giải lại hoãn dài như vậy, sang tận năm 2021. Nó có thể có lợi với nhiều VĐV khác, nhưng với cá nhân tôi là quá sức tưởng tượng”.

Cho tới thời điểm này, Việt Nam hiện có năm suất chính thức tham dự Olympic 2020, bao gồm Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Lê Thanh Tùng (Thể dục dụng cụ), Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung), và Nguyễn Văn Đương (boxing). Mục tiêu của Việt Nam là giành ít nhất 20 suất tới Tokyo, và việc sự kiện thể thao này bị hoãn khiến các kế hoạch đảo lộn, nhưng xét trên tổng thể, lại có lợi nhiều hơn.

Phó Tổng cục trưởng Thể dục - Thể thao (TDTT) Trần Đức Phấn cho biết, Olympic hoãn lại một năm, thể thao Việt Nam sẽ có thêm cơ hội tham dự các giải đấu loại, tích lũy điểm. Những môn như vật nữ, đấu kiếm, điền kinh, bơi, cầu lông, judo… đang còn rất ít cơ hội giành vé thì nay lại rộng đường tới Thế vận hội.

“Việt Nam mới đạt được một phần tư chỉ tiêu đề ra, có thể nói rất khó hoàn thành 20 suất dự Olympic 2020. Sau khi Thế vận hội bị hoãn, Liên đoàn - Hiệp hội thể thao quốc tế sẽ tổ chức vòng loại trở lại, khi đó những chiếc vé còn thiếu được đặt niềm tin vào các VĐV đang có thành tích tiệm cận chuẩn, như: Nguyễn Tiến Minh, Nguyễn Thùy Linh (cầu lông); Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan (điền kinh); Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên, Vương Thị Huyền (cử tạ); Nguyễn Mạnh Cường (boxing), Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường (bắn súng), Vũ Thành An (kiếm chém)…”, ông Trần Đức Phấn chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng theo ông Phấn, phong độ và tâm lý của các tuyển thủ thật sự đáng lo ngại, bởi việc điều chỉnh điểm rơi chuyên môn sẽ thay đổi và chưa thể nói trước điều gì với các cuộc thi đấu sẽ diễn ra muộn hơn tới cả năm.

Chuyển hướng

Hiện tại, toàn bộ VĐV trong các đội tuyển đang tập trung ở những trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia để tập luyện. Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành thể thao đã đưa ra giải pháp trao đổi trực tuyến hằng ngày giữa chuyên gia và ban huấn luyện để kịp thời điều chỉnh giáo án. Tất nhiên, việc các VĐV tập chay đến hết năm ảnh hưởng ít nhiều tới tâm lý.

Dẫu vậy, những Thạch Kim Tuấn, Hoàng Xuân Vinh, Nguyễn Thị Huyền… sẽ có năm 2021 rất bận rộn, thậm chí căng thẳng để “bù” lại năm 2020 không có sự kiện thể thao lớn nào.

Olympic và SEA Games cùng diễn ra một năm là kịch bản chưa bao giờ ngành thể thao Việt Nam nghĩ tới. Đặc biệt ở chỗ, Việt Nam sẽ là chủ nhà của SEA Games 31, nên khối lượng công việc sẽ tăng lên đáng kể. Ngay từ lúc này, nếu không có sự chuẩn bị thể thao Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm tới.

Theo ông Trần Đức Phấn, rất may là Olympic 2020 diễn ra vào mùa hè, trong khi SEA Games dự kiến được tổ chức vào cuối năm. Hai sự kiện quan trọng này cách nhau khoảng 4-5 tháng vừa đủ để các VĐV có sự chuẩn bị, tính điểm rơi phong độ.

“Chúng ta tập trung chuẩn bị lấy vé dự Olympic 2020, nhưng cũng là hướng tới SEA Games 31. Nói cách khác, thể thao Việt Nam sẽ đầu tư những môn thế mạnh, VĐV trọng điểm, theo hướng liên thông”, ông Trần Đức Phấn nhấn mạnh.

Theo nhiều chuyên gia thể thao, thật ra Việt Nam cũng không phải quá căng thẳng bởi ở đấu trường Olympic, chúng ta chỉ đặt mục tiêu có nhiều VĐV tham dự, còn huy chương rất khó, dù ở kỳ Thế vận hội gần nhất có một HCV và một HCB của Hoàng Xuân Vinh ở môn bắn súng. Cũng cần biết rằng xạ thủ Quân đội đến thời điểm này vẫn chưa thể vượt qua vòng loại.

Một lãnh đạo ngành thể thao đã khẳng định: “Mục tiêu mà chúng ta hướng tới là đấu trường ở khu vực và châu Á. Olympic là cơ hội để thi đấu nâng cao thành tích, đồng thời được xem như bàn đạp của thể thao Việt Nam hướng tới mục tiêu kép trong tương lai, đó là đấu trường SEA Games 31 và ASIAD 2022”.