Từ Giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân lần thứ 36:

Một bệ phóng, những tầm cao

Sau 36 năm, những cuộc tranh tài quyết liệt tại Giải vô địch toàn quốc Báo Nhân Dân vẫn tiếp tục đóng vai trò “bệ phóng” quan trọng, không chỉ giúp phát hiện và nâng tầm hàng loạt tài năng trẻ triển vọng, mà còn góp phần thúc đẩy tiến trình chuyên nghiệp hóa của bóng bàn Việt Nam.

Lê Đình Đức - Nguyễn Thị Nga - Vô địch đôi nam nữ.
Lê Đình Đức - Nguyễn Thị Nga - Vô địch đôi nam nữ.

Từ những cuộc “lật đổ”

Một tuần thi đấu, “thành phố mộng mơ” Đà Lạt vốn tĩnh lặng bỗng sôi động hẳn lên, để trở thành tâm điểm chú ý của người hâm mộ bóng bàn cả nước. Với nhiều nét mới (đặc biệt là việc áp dụng thể thức thi đấu 5 set thắng 3 tới tận vòng bán kết, và chỉ chung kết mới đấu 7 set thắng 4), những cuộc tranh tài trở nên quyết liệt hơn hẳn.

Đúng như kỳ vọng, vòng bán kết đã chứng kiến hai màn “lật đổ” đầy ngoạn mục. Ở nội dung đơn nam, Nguyễn Đức Tuân (đoàn Hải Dương) xuất sắc đánh bại đàn anh Đinh Quang Linh (đoàn Quân đội). Bước vào chung kết, sau 5 set đấu, Tuân chỉ chịu thua Nguyễn Anh Tú sau những màn rượt đuổi tỷ số hấp dẫn và sít sao. Cùng với việc “thâu tóm” tới ba HCV nữa (đôi nam, đồng đội nam và đôi nam nữ), Nguyễn Anh Tú ngày càng khẳng định vững chắc hơn vị thế tay vợt số một Việt Nam hiện tại.

Còn kịch tính hơn thế, sau 11 năm vô địch liên tục ở nội dung đơn nữ, “tượng đài” Mai Hoàng Mỹ Trang (đoàn TP Hồ Chí Minh) bất ngờ thất bại trước tay vợt Nguyễn Thị Nga (đoàn Hà Nội) ở trận bán kết. Trận chung kết, Nguyễn Thị Nga đã giành chiến thắng nghẹt thở 4-3 trước tay vợt mới 19 tuổi Nguyễn Khoa Diệu Khánh (đoàn TP Hồ Chí Minh) để bước lên ngôi vô địch.

Một bệ phóng, những tầm cao ảnh 1

Nguyễn Anh Tú - Vô địch đơn nam.

Đến những ước vọng thăng hoa

“Những cuộc tranh tài quyết liệt tại Giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân lần này là tiền đề quan trọng giúp giới chuyên môn kiểm tra đánh giá công tác huấn luyện về quá trình đào tạo VĐV xuất sắc của các đoàn trên cả nước, cũng là căn cứ để tuyển chọn đội hình mạnh nhất tham dự Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) 2018 tổ chức tại In-đô-nê-xi-a (Indonesia) vào tháng 8 tới” - Ông Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Bóng bàn, Tổng cục Thể dục Thể thao, nhấn mạnh.

Năm nay, các đội đã đánh giá đúng thực lực và kịch bản của giải đấu nhằm duy trì thứ hạng của mình. Vị trí dẫn đầu vẫn thuộc về đoàn Hà Nội (5 HCV), và xếp ngay sau là đoàn TP Hồ Chí Minh (2 HCV). Giải cũng ghi nhận sự tiến bộ của nhiều VĐV tiềm năng, như Lê Đình Đức (Hà Nội), Nguyễn Đăng Hiệp (Quân đội), hay Đỗ Nguyễn Uyên Nhi (Lâm Đồng)… Từ diễn biến và kết quả của Giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân, với những dấu ấn đầy sức trẻ mà những Anh Tú, Đức Tuân, Nguyễn Thị Nga hay Diệu Khánh tạo ra, có thể nói, đội tuyển quốc gia đang nhận được rất nhiều tín hiệu lạc quan. Dù phải đối mặt với rất nhiều tay vợt đẳng cấp thế giới ở một sân chơi mang tầm châu lục, hy vọng “làm nên kỳ tích” không hẳn đã nằm ngoài tầm với, với một lực lượng dồi dào và không ít nhân tố sẵn sàng gây đột biến. Sau Giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân, các tay vợt hàng đầu sẽ còn tiếp tục được “thử lửa” tại Giải bóng bàn quốc tế Vĩnh Long (cuối tháng 6) và Giải Cây vợt vàng mở rộng (tháng 7), trước khi lên đường sang Trung Quốc tập huấn ngắn ngày. Và sau đó đã là ASIAD.

Cũng cần phải nhấn mạnh: Ở khía cạnh tổ chức, sự “nâng cấp” rõ rệt về cơ sở vật chất (tiêu biểu như chuyện lần đầu trong lịch sử giải có sử dụng thảm thi đấu và đồng hồ bấm giờ chính xác từng giây theo chuẩn quốc tế) không chỉ góp phần khích lệ tâm lý thi đấu của các tuyển thủ, mà còn thể hiện những nỗ lực xã hội hóa mạnh mẽ từ cả Liên đoàn bóng bàn Việt Nam và Báo Nhân Dân - đơn vị tổ chức giải. Tiêu biểu, gói tài trợ chính trị giá 10 tỷ đồng từ năm 2018 đến năm 2020 của Công ty CP đầu tư và thương mại Modern Fare Việt Nam (MOFICO) cho thấy bóng bàn Việt Nam giàu tiềm năng cũng như sức hấp dẫn đến thế nào.

36 năm qua, Giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân vẫn liên tục đóng vai trò “bệ phóng”, để duy trì và phát huy tiềm năng ấy, sức hấp dẫn ấy.