Mắt xích yếu nhất

Chấn thương mới nhất của hậu vệ Duy Mạnh đã đưa anh vào danh sách sáu cầu thủ lứa U23 ở Thường Châu (Trung Quốc) bị đứt dây chằng trong suốt hai năm qua. Số lượng những ca chấn thương tăng lên từng ngày cũng phản ánh phần nào sự yếu kém của lĩnh vực y học thể thao nước ta.

Trợ lý thể lực Park Sung Gyun đã gặp gỡ tiền vệ Tuấn Anh để trao đổi về tình hình hồi phục chấn thương trước thềm mùa giải mới.
Trợ lý thể lực Park Sung Gyun đã gặp gỡ tiền vệ Tuấn Anh để trao đổi về tình hình hồi phục chấn thương trước thềm mùa giải mới.

Thiếu chuyên nghiệp

Với tỷ lệ chấn thương dây chằng cao trong đội hình U23 Việt Nam quãng thời gian gần đây, ba nguyên nhân chính được nhắc tới là: sự thiếu may mắn, chẩn đoán sai dẫn đến chọn nhầm các bài tập trị liệu và chẩn đoán chính xác nhưng thời gian nghỉ phục hồi quá ngắn dẫn đến tái phát chấn thương.

Nếu Duy Mạnh, Xuân Trường là trường hợp điển hình của sự thiếu may mắn, sau tần suất "cày ải" dày đặc trên nhiều mặt trận, thì trường hợp đứt dây chằng đầu gối sau của Văn Thanh lại do chẩn đoán sai. "Chấn thương của Thanh do lúc đầu chụp, khám chưa được chuẩn. Sau đó, chúng tôi phải xuống Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh chụp lại mới phát hiện ra bị đứt dây chằng", bác sĩ Ðồng Xuân Lâm, Câu lạc bộ (CLB) Hoàng Anh Gia Lai tiết lộ. Trước Văn Thanh, tiền vệ Tuấn Anh dính chấn thương dai dẳng cũng một phần do không được điều trị dứt điểm.

Những chấn thương của các tài năng trẻ, như Duy Mạnh, Xuân Trường,Tuấn Anh, Văn Thanh… chỉ là một trong hàng loạt hệ lụy hay sự cố bi hài của lĩnh vực y học thể thao nước ta, vốn còn nhiều yếu kém, bất cập. Ở thời điểm thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá nói riêng đang phát triển mạnh mẽ, việc các đội bóng muốn cầu thủ trở lại nhanh chóng là điều dễ hiểu. Nhưng, điều trị ra sao, trở lại lúc nào… nếu không có kế hoạch rõ ràng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chính CLB chủ quản cũng như làm tổn hại không nhỏ tới lợi ích của đội tuyển quốc gia (ÐTQG).

Bắt đầu từ đội bóng chủ quản

Trung bình, thời gian một cầu thủ chơi bóng ở CLB là chín tháng, nhiều gấp ba lần ở ÐTQG. Mỗi tuyển thủ sẽ dễ dàng dính chấn thương, nếu CLB không chú trọng đầu tư, bồi dưỡng và bảo vệ. Những chuyến tập huấn quốc tế hay được điều trị từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm trên tuyển sẽ không mang lại hiệu quả khi chính các đội bóng chủ quản lại là nơi "bào mòn" thể lực thay vì cải thiện và nâng cao thể trạng mỗi người.

CLB là nguồn cung cấp cầu thủ cho ÐTQG nên nơi đây cần mạnh dạn coi việc mời những chuyên gia y học thể thao là khoản đầu tư thông minh. Nếu mỗi đội bóng trở thành nền móng vững chắc tạo điều kiện thuận lợi cho các cầu thủ phát triển, ÐTQG nghiễm nhiên được thừa hưởng để tạo đà chinh phục những kết quả tốt hơn.

"Thể thao thế giới có khoa học huấn luyện, hồi phục và tập luyện để phòng ngừa và điều trị chấn thương. Bóng đá Việt Nam muốn đặt mục tiêu cao hơn phải thay đổi theo điều kiện tập luyện mới. Muốn vậy, phải bắt đầu từ nền tảng ở cấp độ từng CLB", chuyên gia Ðoàn Minh Xương, cựu HLV CLB Ninh Bình nhận định.

Ở Việt Nam, các CLB rất yếu về mảng y tế và chăm sóc sức khỏe. Ngay tại V-League, hay như CLB Hà Nội - hình mẫu phát triển chuyên nghiệp nhất, cũng không có một HLV thể lực trong đội ngũ huấn luyện. Trước thềm mùa giải 2020, những tưởng đội bóng thủ đô đã bổ sung được Giám đốc kỹ thuật và chuyên gia thể lực mới thì bộ đôi này đã bị sa thải sau vài tuần làm việc với lý do đưa ra vì "không phù hợp".

Bên cạnh đó, sự yếu kém ở cấp độ địa phương còn thể hiện khi HLV Hàn Quốc Park Hang - seo luôn gọi những cầu thủ chấn thương lên tuyển để điều trị, bởi hệ thống y tế của các CLB chủ quản không đáp ứng được yêu cầu. Ngay tại vòng 1 V-League 2020, trợ lý thể lực Park Sung Gyun đã có mặt trên sân Pleiku để gặp gỡ tiền vệ Tuấn Anh. Cả hai đã trao đổi rất lâu về tình hình hồi phục chấn thương mà tiền vệ này gặp phải trước thềm mùa giải mới. Ðây không chỉ là sự quan tâm mà còn thể hiện sự chuyên nghiệp đang được thầy Park nỗ lực xây dựng ở cấp độ ÐTQG.

Ở thời điểm hiện tại, các bác sĩ trong nước thường xuyên làm việc quá tải do phải kiêm hết tất cả (từ chẩn đoán, quyết định thời gian chữa trị, nghỉ ngơi, đến thiết kế các bài tập phục hồi chức năng cho từng cầu thủ riêng biệt…), thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp trong mô hình phát triển bóng đá nước nhà. Rõ ràng, y học thể thao vẫn là mắt xích yếu nhất của thể thaoViệt Nam.

Bác sĩ Nguyễn Văn Phú, Trưởng Tiểu ban Y học thể thao Tổng cục Thể dục - Thể thao, khẳng định: “Tiểu ban Y tế của Tổng cục bao gồm 40 nhân viên y tế đang làm việc trực tiếp với các ĐT tại các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia và Bệnh viện Thể thao Việt Nam”.

Với số lượng cả chục nghìn VĐV cấp tỉnh, cấp quốc gia của hơn 40 môn, sự thiếu hụt nhân sự ở nhiều nơi là điều khó tránh khỏi. Ngay cả Bệnh viện Thể thao Việt Nam mỗi năm cũng chỉ thu hút 10% số VĐV dính chấn thương tới khám và chữa trị. Nhiều trường hợp vẫn phải nhờ các bệnh viện chuyên ngành hỗ trợ và trực tiếp can thiệp.