“Mảnh đất” thiếu dinh dưỡng

Dịch Covid-19 khiến các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam phải tạm hoãn một tháng, nhưng xét trên mức độ ảnh hưởng, Covid-19 chưa nguy hiểm bằng “căn bệnh” thiếu chuyên nghiệp, vốn kìm hãm V-League gần hai thập niên.

“Mảnh đất” thiếu dinh dưỡng

V-League thời mất giá

Những ngày qua, dư luận bóng đá nước nhà sục sôi với thương vụ đàm phán mang Lee Nguyễn trở lại V-League của Câu lạc bộ (CLB) TP Hồ Chí Minh. Nhìn một tiền vệ đã 34 tuổi, ở bên kia sườn dốc sự nghiệp nhưng vẫn có sức hút, mới thấy V-League “khát” những tên tuổi lớn ra sao.

Đầu thập niên 2000, nhiều ngôi sao đình đám Thái-lan như Kiatisak Senamuang, Dusit Chalermsan, Chukiat Noosarung “lũ lượt” chuyển sang V-League thi đấu dưới trướng CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).

Tuy nhiên, “dải ngân hà” HAGL vẫn chưa thấm vào đâu khi đặt cạnh thương vụ chuyển nhượng Denilson. Cầu thủ đắt giá nhất thế giới năm 1998 gây sốt khi cập bến CLB Xi-măng Hải Phòng. Dù chỉ thi đấu vài chục phút, ghi một siêu phẩm đá phạt rồi rời đi, song sự có mặt của cựu sao Real Betis vẫn giúp vị thế V-League được nâng tầm. Sau Denilson, V-League không còn được thấy siêu sao tầm cỡ thế giới nào.

Cách đây 10 năm, cổ động viên chờ đợi thương vụ cỡ Denilson. Hôm nay, chúng ta hài lòng với mục tiêu vừa phải như Lee Nguyễn. Từ 20 năm trước, nhiều ngôi sao sáng giá của Thái-lan chơi bóng tại V-League. Nay, các cầu thủ giỏi trong khu vực lại lựa chọn Thái-lan, Ma-lai-xi-a, hay cao hơn là Hàn Quốc, Nhật Bản thi đấu. Không ai chọn Việt Nam.

Đâu rồi, miền đất hứa?

Trang Transfermarkt định giá tất cả các cầu thủ V-League (6,03 triệu bảng) chưa bằng một phần mười tổng giá trị Giải vô địch quốc gia Thái-lan (62,9 triệu bảng) và kém xa CLB True Bangkok United - đội bóng hiện xếp thứ hai (7,1 triệu bảng). Một trong những lý do V-League mất giá vì chất lượng ngoại binh thấp. Việt Nam không còn là miền đất hứa để những cầu thủ ngoại đẳng cấp đưa vào danh sách cân nhắc.

Là người gắn bó với công tác bình luận V-League hơn một thập niên, bình luận viên Vũ Quang Huy chia sẻ: “Bóng đá Việt Nam có thành tích tốt, vị thế lên, nhưng chúng ta không trả lương cho cầu thủ ngoại cao bằng Thái-lan, Ma-lai-xi-a. Nguyên nhân thiếu tiền là do các đội chưa lấy bóng đá nuôi bóng đá được. Các trận đấu vẫn mang nặng đối phó, còn tính tranh chấp chưa cao. Tính trình diễn của V-League còn ít, cộng với kinh tế hạn chế, khiến các đội phải “liệu cơm gắp mắm”, chấp nhận những cầu thủ tầm tầm”.

Trên bảng xếp hạng các Giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Á, V-League đứng thứ 16, kém Thái-lan và Phi-li-pin. Cách phân hạng này có phần phiến diện do chỉ dựa trên thành tích ở sân chơi châu lục của các CLB, nhưng đây cũng là thước đo tương đối cho thấy chúng ta đang ở đâu. Nếu các CLB Thái-lan được đầu tư bởi nhiều nhà tài trợ, hầu hết các đội trong nước chỉ được “rót tiền” bởi số ít ông bầu hoặc sống nhờ bầu sữa bao cấp đầy bất cập. Sự nghiệp dư và trì trệ của guồng máy V-League khiến giải đấu này cùng các CLB không phải địa chỉ đầu tư hấp dẫn, tin cậy cho các nhà tài trợ, dẫn tới nguồn lực rót vào hạn chế. Hậu quả tất yếu là những cầu thủ giỏi sẽ lắc đầu với V-League.

Tự đứng trên đôi chân mình

Ông Đoàn Minh Xương, cựu huấn luyện viên CLB The Vissai Ninh Bình đánh giá: “Lịch sử bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam bắt đầu từ năm 2000. Khi ấy, chúng ta theo mô hình tài trợ tập trung, tức là có một nhà tài trợ, rồi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam lấy tiền chia cho các CLB. Sau 19 năm, chúng ta vẫn chưa có chiến lược phát triển cùng cơ chế chuyên nghiệp, để bóng đá làm ra tiền. Chúng ta cũng chưa có chính sách từ cấp Nhà nước về thuế, cho thuê đất... tạo động lực phát triển”.

“Mô hình Giải vô địch quốc gia tồn tại bất cập, các Giải hạng Nhất, hạng Nhì có vài đội, mà V-League tận 14 đội. Từ 70 đến 80% số đội V-League bây giờ “ăn đong” từng mùa. Ông bầu còn vui thì còn đội, hết vui thì hết đội. Bóng đá Việt Nam cũng chưa có CLB chuẩn chuyên nghiệp, từ cơ sở vật chất đến tài chính, dẫn đến tính cạnh tranh không cao. Ngoại trừ CLB Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay Viettel, nhiều đội còn không biết sẽ “chết” lúc nào”, ông Đoàn Minh Xương bổ sung.

V-League đã thực hiện tốt chức năng bồi dưỡng nhân tài, là môi trường rèn luyện cho những mảnh ghép quan trọng của đội tuyển Việt Nam như Quang Hải, Đình Trọng, Hùng Dũng, Văn Đức... Ngược lại, hiệu ứng từ đội tuyển quốc gia cũng tác động tích cực tới V-League, kéo người hâm mộ trở lại sân cỏ. Nhiều sân đấu lớn như Hàng Đẫy, Thống Nhất, Gò Đậu... đón số lượng khán giả tăng mạnh so với giai đoạn 2013-2017.

Tuy vậy, khi hiệu ứng qua đi, V-League phải tự đứng trên đôi chân của mình, xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp để bảo đảm chất lượng và tính cạnh tranh. Nếu cứ mãi ngưng trệ với những vấn đề cũ, sức mạnh tổng lực của nền bóng đá sẽ chạm ngưỡng, khó bứt lên. Như những mầm cây không thể sinh trưởng trên mảnh đất thiếu dinh dưỡng.