Ðại hội TDTT toàn quốc 2018

Kỳ vọng vào những đổi mới

Ðại hội Thể dục Thể thao (TDTT) toàn quốc năm 2018 đã chính thức khai mạc cuối tuần qua tại Thủ đô Hà Nội. Trong 26 ngày, 65 đoàn sẽ tranh tài ở 36 môn với 747 nội dung. Nhưng, với không ít chuyên gia và cả người hâm mộ, một câu hỏi vẫn luôn được đặt ra: Ðại hội lần thứ 8 này có thay đổi gì so với những lần trước?

Kỳ vọng vào những đổi mới

1 Ðiều dễ thấy nhất, Ðại hội TDTT toàn quốc năm 2018 đã tiết kiệm được vài nghìn tỷ đồng khi diễn ra tại Hà Nội, nơi có hệ thống cơ sở vật chất đầy đủ. Theo phương án cũ, An Giang mới là địa phương được chọn đăng cai, dự kiến tốn thêm ít nhất 3.000 tỷ đồng để xây mới các công trình. Tương tự, ở kỳ Ðại hội cách đây bốn năm, chỉ ba nhà thi đấu (NTÐ) xây mới tại Hà Nam, Nam Ðịnh, Thái Bình đã phải đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Ðể chuẩn bị cho Ðại hội lần này, Hà Nội chỉ phải nâng cấp sửa chữa 22 địa điểm thi đấu, với tổng kinh phí 170 tỷ đồng. Ðây là một mức rất phù hợp và đặc biệt hiệu quả, nhất là "liên thông" được với việc đăng cai SEA Games 2021 của Hà Nội.

Cùng đó, Ðại hội lần này còn có một số cải tiến quan trọng trong hình thức tổ chức. Nếu chương trình thi đấu của kỳ Ðại hội 2014 dàn trải ra cả năm, với 10 địa phương thì lần này được tập trung ở Hà Nội, trong 26 ngày, mang đúng tính chất của một kỳ Ðại hội thể thao hơn. Ngành thể thao cũng đã thiết kế một chương trình thi đấu chuyển mạnh theo hướng các môn Olympic và ASIAD, cộng thêm một số môn mang tính đặc thù Việt Nam như Vovinam, võ cổ truyền, đá cầu.

2 Song, ở khía cạnh chuyên môn, Ðại hội thể thao cấp toàn quốc này suy cho cùng vẫn chỉ là sự tập hợp, lắp ghép, nâng cao… mang nặng tính thủ công từ các giải vô địch quốc gia (VÐQG) hằng năm. Chương trình 36 môn với 747 nội dung thi không có gì khác biệt, ngoại trừ việc gắn thêm cái "mác" Ðại hội.

Nhìn vào cách thức chuẩn bị, cũng như thực tế những lần trước, có thể thấy chất lượng của các giải đấu thuộc Ðại hội không hơn gì giải VÐQG thường niên. Ðại hội năm 2014, chỉ có hơn 50 kỷ lục quốc gia được phá, trong đó có đến gần một nửa thuộc về môn lặn. Kình ngư Ánh Viên giành tới 18 HCV, song không có thông số nào tiệm cận mức HCV SEA Games.

Cũng hệt những lần trước, những căn bệnh thành tích thời vụ trước mắt vẫn là nguy cơ lớn, thậm chí đã lập tức xuất hiện ở Ðại hội lần này. Ðó là chuyện nhiều địa phương dùng "dao mổ trâu giết gà", thí dụ như trường hợp của Ánh Viên, người sẽ phải tranh thủ trở về từ Mỹ để "gặt" 17 HCV như đăng ký. Ðó là hiện tượng chèo kéo chuyển nhượng VÐV trái quy định, rõ nhất ở các môn võ. Ðó là nỗi lo về chuyện mua bán, chia chác, xin - nhường… huy chương cùng những ưu tư từ đội ngũ trọng tài vốn thường xuyên sai sót vì nhiều lý do.

Trên thực tế, ở những môn đã tranh tài tại Ðại hội, các cuộc đấu luôn "căng như dây đàn", với nỗi ám ảnh thành tích được đẩy lên cao độ. Và một sự cố đầu tiên, ở mức đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra ở môn bóng rổ. Trong trận đấu với Bình Thuận, một cầu thủ Cần Thơ đã lao vào đấm thẳng mặt trọng tài, rồi một cầu thủ khác cũng xông đến "tiếp tay", một hình ảnh vô cùng phản cảm.

3 Nghĩa là, dù có một số đổi mới, song có thể khẳng định Ðại hội TDTT toàn quốc 2018 vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề cũ, khi mô hình và phương thức tổ chức vẫn chưa được cải tổ triệt để. Trên thực tế, những bất cập cơ bản đã lập tức xuất hiện một cách rõ ràng từ kỳ Ðại hội năm 2002, gắn với giai đoạn Việt Nam chuẩn bị đăng cai SEA Games với những thay đổi lớn về quy mô các môn và cách làm thể thao thành tích cao, nhất là chuyện nuôi "gà nòi". Kể từ đó, ngành thể thao gần như không điều chỉnh, mà vẫn duy trì một nền nếp tổ chức Ðại hội "bất di bất dịch". Những nét mới vẫn chỉ là ở phần ngọn, mang tính giải pháp tình thế chứ chưa động gì đến gốc rễ.

Còn một nỗi buồn, một nghịch cảnh khác đã tái diễn khi Ðại hội TDTT toàn quốc 2018 khởi tranh, ngay tại Thủ đô Hà Nội. Ðúng như dự báo, ngoại trừ lễ khai mạc hoành tráng, ấn tượng trên Sân vận động quốc gia Mỹ Ðình tối 25-11, thì có tới 10 môn đã hoàn thành chương trình thi đấu với những khán đài trống vắng, cùng sự thờ ơ của giới truyền thông.

Ðại hội toàn quốc, ở khía cạnh này, đã trở thành "chuyện nội bộ" của ngành thể thao, khi không thể kết nối được tới người hâm mộ.