Vòng đấu bảng World Cup 2018

Kịch tính và hoài nghi

Rất nhiều cú sốc, thậm chí có cả những “cơn địa chấn” đã xuất hiện. Song, cuối cùng, bằng cách nào đó, chưa “ông lớn” nào của bóng đá thế giới phải rời cuộc chơi sau vòng đấu bảng.

Cuối cùng các đội bóng lớn, dù thiếu sinh khí như ĐT Argentina của Messi, vẫn có mặt ở vòng trong.
Cuối cùng các đội bóng lớn, dù thiếu sinh khí như ĐT Argentina của Messi, vẫn có mặt ở vòng trong.

Thật khó để đánh giá rõ ràng về tổng thể những trận đấu đã qua, khi có quá nhiều chiều hướng đan xen, tương hỗ nhau và có khi lại loại trừ nhau.

Đây là một vòng đấu bảng thật sự hấp dẫn ư? Đúng vậy. Cho đến khi đội tuyển (ĐT) Pháp dắt tay ĐT Đan Mạch vào vòng trong, World Cup 2018 mới chứng kiến trận đấu đầu tiên khép lại bằng kết quả hòa 0-0. Còn lại, mọi cuộc so tài trước đó đều diễn ra tưng bừng, với cả những cuộc rượt đuổi tỷ số nghẹt thở lẫn những “cơn mưa bàn thắng”.

Có điều, chất lượng chuyên môn đích thực có tỷ lệ thuận với số lượng bàn thắng ấy? Xét trên phương diện dấu ấn đẳng cấp, dường như câu chuyện lại không phải như thế. Vẫn còn khá thưa thớt, những khoảnh khắc có thể khiến khán giả sững sờ hoặc quay cuồng cùng một câu hỏi bật lên: “Tại sao anh ta có thể làm được điều đó?”. Trong một cái nhìn lướt qua, ta có thể điểm lại nhanh từng khoảnh khắc như thế: Cú sút phạt trực tiếp ở trận ra quân của Cristiano Ronaldo (ĐT Bồ Đào Nha), một cú sút phạt khác của Toni Kroos (ĐT Đức), hai pha vẩy má ngoài thành bàn của Cheryshev (ĐT Nga) và Quaresma (ĐT Bồ Đào Nha), cú sút xa của Luka Modric (ĐT Croatia)…

ĐT Nga, ĐT Bỉ, ĐT Anh và ĐT Croatia là những đoàn quân ít ỏi “bắt tốc độ” ngay từ vòng bảng. Họ thể hiện sự vượt trội với mọi đối thủ trong bảng, và cụ thể hóa điều đó bằng những điểm số. Còn lại, các đội bóng lớn khác đều tỏ ra khá chật vật. ĐT Pháp cũng như ĐT Brazil chưa để lại được bao nhiêu ấn tượng. ĐT Đức phải “trầy vi tróc vẩy” mới vượt qua được ĐT Mexico. Thậm chí, loạt trận cuối, các ĐT Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Argentina đều từng “chết đi sống lại” mới vào được vòng 1/8.

PHẢI, đó là kịch tính. Nhưng, thứ kịch tính ấy không chỉ có một nguyên nhân duy nhất. Rõ ràng, khoảng cách giữa các nền bóng đá hiện đại, nhờ sự bùng nổ công nghệ và thông tin, đã được thu hẹp một cách chóng mặt. Nhưng, bước tiến hóa này cũng tạo nên những vấn đề riêng của nó.

Đầu tiên, chúng ta hãy nói đến công nghệ Trọng tài điện tử (VAR). Lần đầu tiên được áp dụng, VAR mang theo kỳ vọng là sẽ khiến bóng đá trở nên công bằng hơn, và giảm bớt những tranh cãi. Thế nhưng, cuối cùng, VAR hầu như chỉ đem lại những kết quả có lợi cho các ứng cử viên sáng giá-những nguồn thu chính của World Cup lần này. Hơn thế, có VAR, nhưng người nắm quyền quyết định không thể tranh cãi vẫn là trọng tài. Mà trọng tài vẫn chỉ là con người, với đầy đủ suy nghĩ, tình cảm, tính cách, trạng thái tinh thần riêng. Bởi vậy, hình ảnh cầu thủ ĐT Ma-rốc lẩm bẩm vào máy quay: “VAR là thứ nhảm nhí” (sau khi anh cùng các đồng đội bị tước đi một chiến thắng lịch sử trước ĐT Tây Ban Nha) trở thành một vết gợn.

Var cũng cung cấp quá nhiều quả phạt đền. Không chỉ vậy, mỗi lần có đội yêu cầu trọng tài sử dụng công nghệ này, mạch cảm xúc của cuộc chơi cũng như nhịp thi đấu của từng cầu thủ không thể nói là không bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, kể từ khi hiệu số bàn thắng-thua được xếp cao hơn kết quả đối đầu trực tiếp giữa các đối thủ cạnh tranh, “chân tài thực học” của từng kẻ chinh phục cũng ít nhiều bị biến dạng, dù cũng nhờ thế mà kịch tính liên tục xuất hiện. Họ tiến công nhiều hơn, đó là điểm tích cực. Nhưng các đội bóng cũng không đủ điều kiện phòng ngự ở đẳng cấp cao nhất nữa. Đó là chưa kể, những đợt lên bóng hầu hết cũng đã mang dáng dấp “lập trình”. Sức sáng tạo, sự tinh tế, độ ngẫu hứng và tính nghệ thuật-những nguồn cung cấp cảm hứng cũng như niềm hứng khởi đích thực-chỉ còn thi thoảng lóe lên.

Và bởi vậy, cũng thật khó để nói trước được gì cho những diễn biến của giai đoạn knock-out. Một ĐT Argentina chưa bao giờ thiếu sức sống như thế, một ĐT Bồ Đào Nha hầu như chỉ có thể trông cậy vào kỹ năng săn bàn của Cristiano Ronaldo, một ĐT Tây Ban Nha rõ ràng là đang vật vã với tiến trình chuyển giao thế hệ, một ĐT Pháp không có gì ấn tượng, một ĐT Brazil “Âu hóa”… đều đã có mặt. Họ sẽ làm được gì? Bùng nổ hay tiếp tục gây thất vọng?

Hay là đã đến thời điểm để bóng đá thế giới tôn vinh một “nhà vua mới” thực thụ? Như những cái tên trước giải vẫn chỉ được xếp vào danh sách “ngựa ô”?