Khốc liệt cuộc đua tới SEA Games

Kỳ Đại hội thể thao Đông - Nam Á lần thứ 31 diễn ra trên sân nhà không chỉ kích thích mong muốn cống hiến của các vận động viên Việt Nam, mà còn tạo nên các cuộc tranh tài nảy lửa nhằm giành tấm vé vào “vòng chung kết”. Đặc biệt, với Đội tuyển điền kinh, cuộc đua còn sôi động hơn khi các chân chạy marathon nghiệp dư cũng được tuyển chọn nhập cuộc.

200 tấm vé đặc biệt mở ra cơ hội cho các VĐV phong trào ở SEA Games 31.
200 tấm vé đặc biệt mở ra cơ hội cho các VĐV phong trào ở SEA Games 31.

Từ 200 tấm vé đặc biệt

Mới đây, thông tin SEA Games 31 mở cửa cho các vận động viên (VĐV) điền kinh nghiệp dư tham dự nội dung marathon khiến cộng đồng chạy bộ vô cùng háo hức. Phong trào chạy trong nước những năm gần đây phát triển chóng mặt, thu hút hàng chục nghìn người tham dự. Tuy nhiên, việc góp mặt tại Đại hội thể thao khu vực lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, chia sẻ: “Liên đoàn Điền kinh châu Á đã đồng ý đề xuất của ta về việc tạo điều kiện cho các VĐV nghiệp dư có cơ hội trải nghiệm thi đấu tại SEA Games 31. Quyết định mang tính lịch sử này chắc chắn sẽ thúc đẩy phong trào chạy bộ trong nước và cả khu vực phát triển hơn. Đây cũng là lần đầu một kỳ Đại hội có hàng trăm chân chạy đồng hành ở nội dung marathon”.

Tuy nhiên, tiêu chí tuyển chọn VĐV ở sân chơi khu vực cũng rất khắt khe. Hiện nay, VPBank Hà Nội Marathon, Tiền Phong Marathon và Halong Bay Heritage Marathon là ba giải chạy đạt chuẩn. Vì thế, việc chọn giải đấu, tập luyện điểm rơi để đạt thành tích tốt nhất là điều mà các VĐV phải tính toán kỹ. 30 VĐV nữ và 170 chân chạy nam có thành tích dưới bốn giờ sẽ giành được 200 tấm vé đặc biệt này. 

Các chân chạy phong trào có quyền sử dụng kết quả tốt nhất để đăng ký tuyển chọn, tương tự VĐV chuyên nghiệp dự 10 cuộc đua khác nhau với mục tiêu đạt chuẩn Olympic. Đặc biệt hơn cả, dù Việt Nam đăng cai SEA Games, chúng ta cũng chỉ có hai VĐV nam và nữ tham dự chính thức ở nội dung marathon. Số còn lại sẽ được xếp thi đấu trong nhóm 200 VĐV nghiệp dư, khiến cuộc cạnh tranh càng thêm khốc liệt.

HLV kỳ cựu Bùi Lương nhấn mạnh: “Có nhiều VĐV phong trào chạy rất tốt. Mặc dù vậy, khả năng chiến thắng của họ trước các chân chạy chuyên nghiệp không cao. Dĩ nhiên, tôi mong Liên đoàn Điền kinh Việt Nam mở rộng cơ hội cho tất cả, nếu trường hợp nào thật sự có tiềm năng cần được đầu tư”.

Trưởng bộ môn Điền kinh Tổng cục Thể dục - Thể thao Dương Đức Thủy khẳng định: “Việc cho VĐV phong trào đồng hành tại SEA Games không mới, đã có trong quá khứ. Tuy nhiên, đây là lần đầu được áp dụng ở nước ta. Các VĐV đua tranh ở các giải đấu trong năm 2021 có tính chất như Olympic thu nhỏ. Họ sẽ có ít nhất hai cơ hội để lấy thành tích cao nhất. Qua đây, điền kinh cũng có thêm cơ hội để tìm kiếm, phát triển tài năng”.

Sẽ mở rộng ở nhiều nội dung?

Marathon ở SEA Games 31 sẽ có hơn 200 VĐV tham dự, với phần lớn là các chân chạy phong trào. Điểm mới này được Ban tổ chức khẳng định đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng với nhiều phương án, tránh xảy ra hỗn loạn, ảnh hưởng tới VĐV cạnh tranh huy chương. Hiện tại, hàng trăm nhóm chạy đã tích cực chuẩn bị ngay trong tháng 3, với giải Tiền Phong Marathon diễn ra tại Pleiku (Gia Lai).

“Việc được tham gia SEA Games sẽ góp phần thúc đẩy phong trào chạy bộ trong nước, khuyến khích người dân rèn luyện thể thao. Về mặt kỹ thuật, chúng ta có thể thực hiện được ở nhiều nội dung khác. Tuy nhiên, việc tuyển chọn VĐV nghiệp dư trước mắt sẽ chỉ áp dụng ở marathon, còn lại phải tính toán tùy điều kiện mới xem xét triển khai”, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Công tác thí điểm ở marathon đang tạo nên cú huých mạnh mẽ cho phong trào chạy, cũng như hình thành áp lực không nhỏ với chính các VĐV chuyên nghiệp. Để chuẩn bị cho các nhiệm vụ sắp tới, đặc biệt là SEA Games 31, các tuyển thủ của tổ chạy dài đã trở lại guồng tập luyện nặng sau Tết Nguyên đán. Cô gái Bình Định - Phạm Thị Hồng Lệ, năm nay không thể về quê thăm nhà vì quy định ngặt nghèo trong việc cách ly phòng, chống Covid-19, được giao chạy bài 40 km. Kỷ lục gia Nguyễn Thị Oanh - VĐV từng giành ba Huy chương vàng (HCV) SEA Games 30, nhà vô địch 3.000 m chướng ngại vật nam Đỗ Quốc Luật, cùng ông hoàng cự ly 5.000 và 10.000 m Nguyễn Văn Lai, được giao các bài chạy ngắn hơn với cự ly từ 20 đến 30 km.

Trong năm 2021, điền kinh mang trọng trách lớn khi phải giành từ 17 - 19 HCV để bảo đảm ngôi nhất toàn đoàn tương tự hai kỳ SEA Games gần nhất. Theo ông Dương Đức Thủy, với 47 nội dung thi đấu tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Việt Nam cần giữ được vị thế ở những cự ly thế mạnh có khả năng giành HCV như: chạy 400 m (nam, nữ, tiếp sức), đi bộ nữ, chạy 1.500 m, 5.000 m, 3.000 m chướng ngại vật (nam, nữ) hay chạy tốc độ (100 m, 200 m nữ của Lê Tú Chinh, tập trung tại TP Hồ Chí Minh)… và mở rộng ra các nội dung tiềm năng khác.