Mục tiêu giành ba HCV tại Asiad 2018

Khó, nhưng không phải là không thể!

Sau hai kỳ Đại hội thể thao châu Á (Asian Games, ASIAD) liên tiếp chỉ giành duy nhất một HCV, lần này, thể thao Việt Nam “mạnh dạn” tự đề ra cho mình một chỉ tiêu mang tính vượt ngưỡng: Đoạt từ ba HCV trở lên!

Thể thao Việt Nam vẫn còn phải trông chờ nhiều vào may mắn hay sự xuất thần của các VĐV.
Thể thao Việt Nam vẫn còn phải trông chờ nhiều vào may mắn hay sự xuất thần của các VĐV.

Chọn mặt gửi vàng

Ngày 30-7, đoàn thể thao Việt Nam chính thức chốt danh sách tham dự ASIAD, với 523 thành viên, trong đó có 352 VĐV, tranh tài ở 32 môn. Đây là một trong những kỳ ASIAD mà Đoàn thể thao Việt Nam có đông VĐV tham dự nhất, và tất nhiên chúng ta cũng hướng tới những mục tiêu cao nhất về thành tích.

Sau thành công với các môn thể thao cơ bản ở hai kỳ SEA Games trước, thể thao Việt Nam đặt rất nhiều kỳ vọng ở lần “phó hội” này. Theo ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam, “chưa bao giờ thể thao Việt Nam lại sở hữu nhiều VĐV tài năng, hội tụ đầy đủ những yếu tố để tranh đoạt HCV ở mọi cấp độ đấu trường, từ khu vực đến châu lục và cả thế giới như hiện tại”.

Thực tế, các VĐV đều được đầu tư theo diện “3 trong 1”, tức là phục vụ mục tiêu giành thành tích từ SEA Games, tới ASIAD và cả Olympic. Điều đáng mừng là trong khi ở những kỳ ASIAD trước đây, thể thao Việt Nam chỉ hy vọng nhiều ở những môn ngoài chương trình thi đấu Olympic như cầu mây hay wushu… thì giờ hoàn toàn “có cửa” tranh huy chương ở những môn cơ bản như cử tạ, bắn súng, karatedo, thể dục dụng cụ…

Theo nhận định của ông Phấn, những VĐV trọng điểm như Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Thạch Kim Tuấn và Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), Bùi Thị Thu Thảo (điền kinh), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ), Thuý Vi (wushu)… đang là những “niềm hy vọng vàng” lớn nhất của Đoàn thể thao Việt Nam.

Trên thực tế, nhóm VĐV Olympic ấy đang rất mạnh, lại khá ổn định về thành tích trong vài năm trở lại đây. Ngoài việc khẳng định vị thế ở SEA Games, các VĐV này đều đã ít nhất một lần bước lên ngôi vô địch châu Á, vô địch thế giới và thậm chí là cả HCV Olympic, như trường hợp của Hoàng Xuân Vinh.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của lãnh đạo ngành Thể dục - Thể thao, nhóm môn karatedo, wushu, pencak silat, billiards & snooker, đua thuyền, bắn cung… cũng được kỳ vọng sẽ tạo nên bất ngờ. “Dĩ nhiên chúng ta không thể dễ dàng giành huy chương ở sân chơi châu lục như ASIAD, nhưng với những thành tích đã đạt được ở tầm thế giới của các VĐV trọng điểm trên, thể thao Việt Nam quyết tâm giành ít nhất ba HCV trong lần tham dự này”, ông Phấn tự tin.

Lửa thử vàng

Như đã nói, hai kỳ ASIAD gần nhất, thể thao Việt Nam dù đem quân đi hùng hậu, cũng có nhiều VĐV được đánh giá cao về khả năng tranh chấp huy chương, nhưng rốt cuộc chỉ nếm toàn trái đắng, và cơn khát huy chương vàng vô tình trở thành nỗi ám ảnh đối với không ít VĐV.

Việt Nam đặt mục tiêu giành ít nhất ba HCV ở ASIAD 2018, nhưng nền thể thao láng giềng Thái-lan còn tự tin đặt chỉ tiêu giành thành tích gấp… sáu lần chúng ta. Điều đáng nói là, những “người hàng xóm” Thái-lan, Indonesia, Malaysia… đều có những VĐV, những thế mạnh cầm chắc HCV, trong khi thể thao Việt Nam vẫn còn phải trông chờ nhiều vào may mắn hay sự xuất thần của các VĐV.

Ngay cả xạ thủ Hoàng Xuân Vinh mới đây cũng chia sẻ: “Trong thi đấu thể thao, mọi thứ có thể xảy ra. Mọi người cũng không nên tạo áp lực về thành tích, bởi sức cạnh tranh ở sân chơi ASIAD là thật sự khốc liệt”. Hoàng Xuân Vinh thừa nhận sau kỳ tích giành HCV Olympic 2016, trong năm 2017, có giai đoạn anh đã không duy trì, phát huy được thành tích tốt nhất. Có nhiều yếu tố, nhưng theo Hoàng Xuân Vinh, điều quan trọng vẫn do bản thân anh có phần chủ quan hoặc không vượt qua được sức ép tâm lý khi thi đấu.

Theo đánh giá của nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh, tại ASIAD 2018, thể thao Việt Nam hoàn toàn có thể đoạt hơn ba HCV nếu có những sự chuẩn bị tốt nhất. Sự chuẩn bị tốt ở đây chính là về chuyên môn, tìm hiểu thông tin đối thủ và quan trọng nữa là làm công tác tư tưởng cho các VĐV trước khi thi đấu. Thực tế, ở hai kỳ ASIAD gần đây, các VĐV Việt Nam để thua rất đáng tiếc, khi mất bình tĩnh ở những thời điểm quyết định. Tiêu biểu, có thể nhắc tới hơn 10 trận chung kết thất bại của Đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD bốn năm trước, chỉ có đúng một người chiến thắng, lại là ở môn mà kết quả phụ thuộc nhiều vào quyết định cảm tính là nội dung biểu diễn quyền thuật môn wushu của Dương Thúy Vi.

Tất nhiên, lần này sự chuẩn bị của đoàn thể thao Việt Nam kỹ lưỡng hơn rất nhiều, sau bước đệm SEA Games 29 với cơn mưa HCV ở các môn Olympic cơ bản. Đội tuyển điền kinh với mũi nhọn Tú Chinh đi tập huấn tại Mỹ dài hạn, Ánh Viên ở môn bơi cũng đang âm thầm tập luyện tại đây để chờ làm nên bất ngờ. Các đội tuyển khác như bắn súng, cử tạ, các môn võ… cũng đều được đưa ra nước ngoài tập huấn, có đội như bắn súng sẽ di chuyển thẳng sang Indonesia.

Khó, nhưng chỉ tiêu thành tích lần này cũng không đến nỗi quá xa vời.