Khi khó khăn cũng là cơ hội

Đúng một năm nữa, tháng 4-2020, Hà Nội sẽ trở thành địa điểm thứ 22 trên thế giới đăng cai tổ chức đường đua xe công thức 1 (F1), và là đường đua F1 thứ BA tổ chức trên phố. Được mệnh danh là “môn thể thao tỷ đô”, tổ chức một vòng đua F1 là cuộc chơi xa xỉ và khắc nghiệt mà nhiều thành phố từng phải bỏ cuộc sau vài năm tổ chức.

Khi khó khăn cũng là cơ hội

Một chặng đua kịch tính

Quay trở lại thời điểm tháng 8-2017, tờ The Sun (Anh) bất ngờ tiết lộ: Công ty sở hữu cuộc đua Công thức 1 (F1) Liberty Media cùng ông Chủ tịch Chase Carey có động thái tổ chức một chặng đua F1 tại Việt Nam. Tròn một năm sau, Hãng Reuters thông tin: “Giám đốc điều hành F1 Chase Carey đã đạt được thỏa thuận về việc tổ chức cuộc đua trên đường phố ở Hà Nội và “nhận được ủng hộ cao của chính quyền tại đây”.

Từ năm 2018, Malaysia quyết định không tiếp tục tiến hành các chặng đua F1 sau 19 năm tổ chức tại Penang, do doanh thu sụt giảm. Việt Nam sẽ trở thành địa điểm thứ 22 trên thế giới được tổ chức F1, và là địa điểm thứ năm ở châu Á đăng cai một trong các chặng đua của giải đua xe nổi tiếng này, cùng với Nhật Bản, Trung Quốc, Bahrain và Singapore.

Theo đó, tuyến đường chung quanh Khu Liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình là địa điểm được lựa chọn tối ưu để tổ chức giải đua, vào tháng 4 hằng năm. Theo thiết kế, sẽ có một đoạn đường đua được xây mới bao gồm các góc cua chạy qua khu vực SVĐ Mỹ Đình, bên cạnh hệ thống đường sẵn có được cải tạo cho phù hợp. Đường đua F1 tại Việt Nam có độ dài khoảng 5,5 km với 22 khúc cua, hứa hẹn trở thành “chặng đua đường phố kịch tính giữa lòng thủ đô”.

Ngồi trên lưng… Công thức 1

Chia sẻ vui với chúng tôi, một lãnh đạo Tổng cục Thể dục - Thể thao (TDTT) nói rằng: “Việt Nam không còn ngồi trên lưng hổ nữa, mà ngồi trên lưng chiếc xe Công thức 1 rồi”. Đó là một cỗ máy có tốc độ của “thần gió”, với tiếng gầm điếc tai và mỗi một vòng quay của bánh mang theo hàng tỷ đồng đầu tư.

Vấn đề kinh phí đang là bài toán rất nan giải, dù toàn bộ là xã hội hóa. Báo chí quốc tế đưa ra một con số có lẽ khiến ngay cả người trong cuộc cũng phải giật mình. Hà Nội phải bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng, tương đương hơn 50 triệu USD/năm để đăng cai F1, đó là chưa kể các chi phí khác như xây trường đua, vấn đề an toàn, an ninh, chi phí cho các cuộc đua, các đội tham gia, quảng cáo...

Việt Nam là quốc gia nghèo nhất trong số những quốc gia đang tổ chức hoạt động thể thao tốn kém này, vì thế, con số dự kiến lên tới hơn 100 triệu USD cho mỗi một năm (thực tế chỉ kéo dài trong khoảng gần một tuần), là một thách thức vô cùng lớn với những nhà đầu tư cũng như đơn vị tổ chức.

Dự toán khổng lồ ấy khiến việc xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trong khi Malaysia đã rút lui đăng cai kể từ năm 2018 do thua lỗ, thì Singapore lại tiếp tục gia hạn với Ban Tổ chức F1 để duy trì chặng đua ở quốc gia mình tới năm 2021. Ước tính, chặng Singapore Grand Prix thu hút khoảng 350 nghìn khách quốc tế, mang về 150 triệu USD. Tức trừ chi phí, “đảo quốc sư tử” vẫn đút túi 50 triệu USD.

Bên cạnh vấn đề kinh phí, một câu hỏi được nhiều người quan tâm là Việt Nam có đủ năng lực tổ chức giải đua F1? Về vấn đề này, Tổng Cục trưởng TDTT Vương Bích Thắng cho biết: “F1 là bộ môn lần đầu xuất hiện tại Việt Nam nên khi tiếp cận, ngành thể thao có những bối rối nhất định. Tuy nhiên, đó là trên góc độ quản lý nhà nước. Còn thực tế về mặt chuyên môn, Ban Tổ chức F1 đã cử chuyên gia, cố vấn làm việc cụ thể, chi tiết với ngành thể thao và thành phố Hà Nội”.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, hiện nay tất cả công việc chuẩn bị như tổ chức sự kiện, nhân sự… đặc biệt liên quan giá vé đều được triển khai. Còn ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định: “Thời điểm này, chưa thể tính được doanh thu từ chặng đua F1 tại Hà Nội cũng như lượng du khách sẽ tới Việt Nam theo dõi F1. Tuy nhiên, chắc chắn Hà Nội sẽ thu được nhiều hơn thành công của một giải thể thao quốc tế hàng đầu”. Đó là vị thế, là phương tiện quảng bá hình ảnh đất nước, là một trong những cách hào hứng nhất để “tự giới thiệu” về bản sắc văn hóa cũng như con người Việt Nam hiện đại.

Khó khăn, thách thức cùng những rủi ro là rất lớn khi Hà Nội đăng cai một vòng đua F1. Song, ở thời điểm hiện tại, trường đua đã bắt đầu thi công, hình ảnh Hà Nội tổ chức F1 đã được cả thế giới biết đến và tất cả những vấn đề như cơ sở vật chất, công nghệ, dịch vụ, an ninh, kinh phí, cùng năng lực tổ chức, vận hành… đang được triển khai khẩn trương, tất cả đều đang cảm nhận tiếng gầm của động cơ những chiếc xe đua công thức 1 đã ở rất gần.

Khó khăn, hầu như cũng chính là cơ hội. Tương tự bản chất của môn thể thao này: Chẳng vòng cua nào là dễ dàng, nhưng đã khởi động máy thì ai cũng phải đạp lút ga…

Ngày 15-4, ông Chase Carey đã có mặt ở Hà Nội để kiểm tra thực địa và rất ấn tượng với tiến độ thi công mà thành phố đang triển khai. Trong cuộc họp báo, Giám đốc điều hành F1 khẳng định: “Hiện tất cả đường đua đều được xây dựng theo đúng tiến trình. Thời gian một năm là hoàn toàn đủ và không có lý do gì để lo lắng. Chặng đua F1 ở Hà Nội chắc chắn sẽ mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho khán giả, góp phần thúc đẩy du lịch và có thể đóng góp hàng trăm triệu USD cho việc tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam”.