Đại hội VFF khóa VIII:

Khi “hậu phương” nổi sóng

Cũng khá lâu rồi, từ Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khóa V (năm 2005), người hâm mộ mới lại được chứng kiến một cuộc cạnh tranh đầy kịnh tính đến vậy cho các vị trí lãnh đạo chủ chốt của bộ máy VFF khóa VIII. Tuy nhiên, sự quyết liệt đó dường như lại không đồng nghĩa với những hiệu ứng tích cực.

Khi “hậu phương” nổi sóng

Hiện tại, VFF vẫn chưa “chốt” được ngày chính thức diễn ra Đại hội Ban Chấp hành (BCH) VFF khóa VIII (nhiệm kỳ 2018 - 2022), vì còn phải chờ Bộ Nội vụ thẩm định hồ sơ của các ứng viên cao cấp. Song, thời gian chờ đợi càng dài, tình hình vận động của các ứng viên càng diễn ra nóng bỏng.

Nếu như Đại hội VFF khóa VII (nhiệm kỳ 2014 - 2018) không được xem là kịch tính (vì hầu hết các vị trí lãnh đạo chủ chốt đều chỉ có một ứng viên) thì cuộc đua ở Đại hội VFF khóa VIII lần này lại đang diễn ra vô cùng gay cấn. Trừ vị trí Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ, ba vị trí còn lại đều có rất nhiều ứng viên tham gia tranh cử. Chẳng hạn, vị trí Chủ tịch VFF có tới bốn ứng viên là các ông Trần Quốc Tuấn, Lê Quý Phượng, Cấn Văn Nghĩa và Nguyễn Công Khế. Vị trí Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông và đối ngoại cũng có tới bốn, năm ứng viên, và tương tự là vị trí Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn.

“Tính cạnh tranh” cao như vậy, nên đã có không ít ứng viên tiến hành vận động tranh cử cực kỳ ráo riết. Thậm chí, họ không ngại sử dụng cả những phương pháp “phi chính thống”. Suốt mấy tuần vừa qua, dư luận đã được chứng kiến những cuộc chỉ trích trực diện lẫn nhau giữa những cộng sự đồng cấp trong bộ máy lãnh đạo VFF, trong đó có người còn mang cả chữ ký của đồng nghiệp ra để soi xét và quy chụp.

Tất cả những chuyện này đã khiến hình ảnh bóng đá Việt Nam bị tổn hại khá nhiều, sau khi vừa khơi lại niềm tin của người hâm mộ nhờ thành công của đội tuyển (ĐT) U23 Việt Nam tại Vòng chung kết Giải vô địch U23 châu Á năm 2018.

Điều mà người hâm mộ quan tâm nhất không phải là “Ai sẽ ngồi vào ghế Chủ tịch hay Phó Chủ tịch VFF?”, mà cốt yếu là “Bóng đá Việt Nam cần làm gì để phát huy thành quả của ĐT U23 Việt Nam, từ đó giúp bóng đá Việt Nam có được sự thay đổi sâu rộng về chất?”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, phải rất lâu nữa bóng đá Việt Nam mới có được một thế hệ như ĐT U23 Việt Nam hiện tại. Ngay cả báo chí nước ngoài, khi đánh giá về ĐT U23 Việt Nam, cũng đều nói rằng lứa cầu thủ này có thể sẽ giúp tham vọng góp mặt tại World Cup 2022 của bóng đá Việt Nam nhiều cơ sở trở thành hiện thực. Bởi vậy, sẽ là một sự lãng phí ghê gớm nếu chúng ta không thể tận dụng cơ hội này để nâng tầm nền bóng đá.

Lộ trình trước đây của VFF là phấn đấu đoạt vé tham dự World Cup 2026, khi FIFA mở rộng số lượng đội bóng có mặt tại giải. Tuy nhiên, thành công bất ngờ của ĐT U23 Việt Nam ở sân chơi châu lục đã khiến cho hy vọng đến với ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới của bóng đá Việt Nam thêm phần khả quan.

Vì thế, không phải ngẫu nhiên khi rất nhiều người hâm mộ bày tỏ mong muốn Đại hội BCH VFF khóa VIII diễn ra càng sớm càng tốt, để những người thắng cử có cơ hội và điều kiện chăm lo tốt nhất cho bóng đá Việt Nam, thay vì phải căng thẳng và vất vả, mất công mất sức đối phó lẫn nhau như hiện tại. Nếu hậu phương không có được sự đồng thuận cần thiết, bóng đá Việt Nam khó có thể củng cố và phát huy được sức mạnh tập thể, để sẵn sàng cho những thử thách mới.

Và đâu đó, từ quá khứ, dường như vọng lại lời chất vấn của một lứa cầu thủ (cũng đầy hứa hẹn nhưng đã trở thành phí hoài): “Các chú, các bác “đánh nhau” xong chưa, để bọn cháu còn đá bóng?”…

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng

Với tư cách là Chủ tịch VFF, tôi rất buồn lòng vì những chuyện tranh cãi không hay liên quan các vị trí trong bộ máy lãnh đạo VFF khóa VII. Tôi cảm thấy mình cần phải nói lời xin lỗi với dư luận, vì đã để xảy ra những chuyện như vậy trong tổ chức của mình.