Khi bóng đá không tự nuôi nổi mình

Bi kịch nợ lương cầu thủ của đội bóng Than Quảng Ninh là hệ quả tất yếu của nền bóng đá yếu kém, phải phụ thuộc phần nhiều vào “bầu sữa” ngân sách địa phương hay túi tiền doanh nghiệp.

CLB Than Quảng Ninh còn nhiều yếu kém cần khắc phục.
CLB Than Quảng Ninh còn nhiều yếu kém cần khắc phục.

Sự kiện cầu thủ Câu lạc bộ (CLB) Than Quảng Ninh bị “chậm” lương tám tháng, phải bỏ tập để gây sức ép với ban lãnh đạo, đang phủ bóng đen lên hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Việc đình công, viết tâm thư khẳng định sẽ không thi đấu nếu không nhận đủ tiền... là hành động khi các cá nhân bị đẩy vào bước đường cùng. Ước tính, đội bóng này đang nợ cầu thủ 90 tỷ đồng, nhưng mới chỉ có 4,5 tỷ đồng được chuyển đến từ đầu tuần qua.

Tại sao địa phương được xem là “giàu có” trong cả nước, mà đội bóng lại không có tiền trả lương cho cầu thủ? Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh, đội bóng hiện thuộc sở hữu của doanh nghiệp, nên tỉnh không thể duyệt chi tiền. CLB này chủ yếu nhận tiền từ hai doanh nghiệp: Công ty cổ phần Khai thác Khoáng sản Vàng Hà Giang (do ông Phạm Thanh Hùng, tức Chủ tịch CLB, đứng đầu) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Tuy nhiên, theo Chủ tịch Phạm Thanh Hùng, phía Vinacomin đã ngừng đầu tư, nên một mình ông phải gồng gánh tất cả.

Nhìn chung, phí duy trì hoạt động của CLB trung bình ở V-League rơi vào khoảng 50 đến 70 tỷ đồng mỗi mùa. Khoản tiền này chủ yếu đến từ doanh nghiệp đầu tư, ngân sách địa phương hoặc cả hai. Ðây là khoản tiền cố định, phụ thuộc vào tình hình tài chính của doanh nghiệp hoặc cơ chế địa phương, không liên quan đến bóng đá.

Trái ngược với sự lệ thuộc vào doanh nghiệp của Than Quảng Ninh, đội Quảng Nam lại sở hữu nguồn thu cố định của đội bóng trong năm 2020, bao gồm 16 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, 15 tỷ đồng từ nhà tài trợ trên áo đấu, còn lại đến từ các công ty cổ phần đầu tư vào CLB. Ðây đều là những khoản đầu tư thụ động. Bản thân đội bóng không làm ra tiền, không thể kinh doanh áo đấu, vật phẩm, thương hiệu hay thu lại số tiền đáng kể từ bản quyền truyền hình.

Dù được doanh nghiệp hay địa phương đổ tiền vào, các CLB Việt Nam vẫn hoạt động nặng theo cơ chế xin - cho, không thể lấy bóng đá để tự nuôi bản thân. Trên khía cạnh kinh tế, làm thể thao ở Việt Nam rất khó thu lợi nhuận, mà chủ yếu các doanh nghiệp đầu tư vào đội bóng thường để đổi lấy những lợi ích khác ngoài bóng đá.

“Nhiều đội bóng sống vật vờ, còn không biết mùa tới có đá nữa hay không”, chuyên gia bóng đá Ðoàn Minh Xương đánh giá. Vì phụ thuộc vào “bầu sữa” của doanh nghiệp hay của tỉnh, nên khi doanh nghiệp thua lỗ hoặc chán bóng đá, đội bóng lập tức lao đao, nặng thì giải thể như CLB Xi măng The Vissai Ninh Bình, CLB Sài Gòn Xuân Thành, CLB Navibank Sài Gòn, nhẹ thì lao đao như FLC Thanh Hóa trước đây và Than Quảng Ninh hiện tại.

Không tự làm ra tiền và kinh doanh trên chính sản phẩm bóng đá, các CLB Việt Nam khó tránh được tương lai bấp bênh. Bi kịch của Than Quảng Ninh hôm nay mới chỉ là khởi đầu cho viễn cảnh tăm tối của nền bóng đá với lớp vỏ chuyên nghiệp, nhưng ruột vẫn là tính bao cấp, quan liêu của 20 năm trước.