Khát vọng và niềm tự hào dân tộc

Được khai sinh từ “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1946, nền thể thao cách mạng Việt Nam đã luôn có những bước đột phá, đóng góp vào công cuộc đổi mới hội nhập, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Khát vọng và niềm tự hào dân tộc

Những năm đầu gây dựng, đặc biệt thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước, ngành thể thao Việt Nam đã vượt khó, sáng tạo để có những đóng góp xứng đáng, đúng như lời dạy của Bác Hồ: “Thể thao cũng là một nhiệm vụ cách mạng”. Đó là phong trào “chạy, nhảy, bơi, bắn, võ dân tộc” vô cùng thiết thực và ý nghĩa, được phát triển sâu rộng trong quân đội và nhân dân. Đó là kỳ tích gây chấn động quốc tế tại các kỳ Đại hội thể thao các nước mới trỗi dậy (Ganefo 1962 và 1966), với những nhà vô địch mà trước đó vừa tập luyện vừa tham gia sản xuất chiến đấu như Trần Hữu Chỉ (điền kinh), Vũ Thị Sen (bơi).  

Khát vọng và niềm tự hào dân tộc -0

Truyền thống đặc biệt ấy tiếp tục được ngành thể thao phát huy một cách xuất sắc, nhất là ở các thời điểm mang tính bước ngoặt. SEA Games 15 vào năm 1989 là kỳ tham dự Đại hội thể thao Đông - Nam Á đầu tiên của Việt Nam sau khi đất nước thống nhất. Khi được giao nhiệm vụ thành lập một đoàn để chuẩn bị dự tranh, ngành thể thao không khỏi lo lắng vì thời gian quá gấp và quan trọng hơn chẳng có gì trong tay. Trong hoàn cảnh khó khăn chung, số môn cùng các vận động viên (VĐV) còn duy trì tập luyện ít đến mức có thể nhẩm đếm được. Ngoài lực lượng ấy, các nhà chuyên môn đã phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để tìm kiếm, vận động các cựu VĐV đã chuyển công tác tham gia vào chiến dịch đặc biệt này. Thậm chí, một số huấn luyện viên (HLV), VĐV của môn bắn súng còn được gọi lại khi đã giải nghệ về quê làm ruộng được vài năm. Cuối cùng, một đội hình gồm 48 tuyển thủ của tám môn mà như cách nói của dân thể thao là “tạm chơi được” đã kịp hình thành.
 
Giữa tháng 8, trên một chuyến bay đặc biệt, đoàn Việt Nam đã lên đường sang Ma-lai-xi-a tranh tài trong nhiều bỡ ngỡ, dè dặt. Thế nhưng, chính đoàn quân chỉ có một người từng đi máy bay ấy đã bất ngờ đoạt tới 19 huy chương các loại, với ba tấm Huy chương vàng (HCV) đều do công của các xạ thủ. Ngay cả một môn khó như boxing, đoàn cũng đoạt tới hai Huy chương đồng (HCĐ). Việt Nam xuất sắc đứng hạng bảy trên chín toàn đoàn, dù chỉ đặt ra mục tiêu cọ xát học hỏi thay vì nhắm tới thành tích cụ thể. Cột mốc này đã đánh dấu cuộc hội nhập trở lại của Việt Nam với thể thao khu vực. Và quan trọng hơn, thành quả ấy đã góp phần thúc đẩy quá trình gia nhập ASEAN của đất nước. 

Cũng chỉ một năm sau đó, ngành thể thao lại gánh vác một sứ mệnh mới tại Đại hội thể thao châu Á (Asian Games) vào năm 1990 do Trung Quốc đăng cai. Việc chuẩn bị dự tranh vẫn gặp muôn vàn khó khăn, cả về nhân lực lẫn điều kiện, thậm chí còn phải giải quyết nhiều vấn đề lớn khác. Đây cũng là lần duy nhất  đoàn thể thao Việt Nam sang tham dự một đấu trường quốc tế bằng tàu hỏa, mà trước đó tuyến đường sắt này đã phải qua bước rà gỡ mìn, sửa đường. Đoàn quân trên con tàu liên vận tới Trung Quốc đó dù không giành huy chương nào nhưng đã tạo nên một cột mốc mới, ở tầm châu Á cho thể thao Việt Nam, và còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngoại giao quan trọng, sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc. 

Với riêng lĩnh vực thể thao, SEA Games 15 và Asian Games năm 1990 đã tạo nên bước ngoặt về tư duy và cách làm thể thao, xác lập chiến lược và sách lược phát triển mới phù hợp. Với sự đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước, ngành thể thao có những bước tiến ngoạn mục cả phong trào và đỉnh cao, cả quy mô và chất lượng, được kết đọng ở các thành tích quốc tế nâng lên không ngừng. Năm 1994, Việt Nam có tấm HCV đầu tiên tại Á vận hội, do công của võ sĩ taekwondo Trần Quang Hạ. Năm 2000, Việt Nam lần đầu ghi tên trên bảng vinh danh của Olympic, với tấm Huy chương bạc (HCB) lịch sử của võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân (ảnh trái). Hai chiến tích sáng giá ấy chứng tỏ nội lực to lớn của con người Việt Nam, cùng quy trình đón đầu và đào tạo tài năng thể thao theo chuẩn quốc tế. 

Đăng cai SEA Games 22 năm 2003 được coi như “cú huých” cực lớn để nâng tầm toàn diện thể thao Việt Nam. Kể từ đó, thể thao Việt Nam luôn giữ vững vị trí trong top ba SEA Games, từng bước vươn lên nhóm dẫn đầu Asian Games và chinh phục Olympic một số nội dung có khả năng. Cả hành trình đổi mới, hội nhập, phát triển của thể thao nước nhà đã được hội tụ đỉnh cao ở Olympic 2016, nơi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (ảnh phải) đoạt tấm HCV lịch sử, kèm theo đó là một HCB. Hai tấm huy chương quý giá ấy đã đưa thể thao Việt Nam lên đứng thứ 48 trên bảng xếp hạng toàn đoàn. Thể thao Việt Nam ở Olympic 2016 cũng là lĩnh vực hiếm hoi mà Việt Nam có vị trí top 50 trong các bảng xếp hạng, đánh giá của quốc tế. 

Theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại các kỳ đại hội thể thao quốc tế, nhờ việc hội nhập mà thể thao nước nhà đã có những bài học cốt yếu để có thể tiếp tục đột phá và vững tiến. Điều quan trọng phải luôn đặt thể thao trong dòng chảy chung, nhiệm vụ chung của đất nước, phát huy và tận dụng tiềm năng con người, có cách làm sáng tạo vừa theo đúng chuẩn quốc tế vừa phù hợp thực tế. Ông Minh cũng đặc biệt nhấn mạnh tới yếu tố khát vọng và niềm tự hào dân tộc. Ví như năm 2003, nữ tuyển thủ nhảy cao Bùi Thị Nhung đã đoạt tấm HCV châu Á đầu tiên ở môn điền kinh, một kỳ tích và một cuộc vượt ngưỡng khó tin chính nhờ có khát vọng lớn và quyết tâm cao. Chiến tích của Nhung khi ấy nằm ngoài dự tính tới cả chục năm.