Giới hạn của những cuộc đua

Trong thời điểm các giải chạy phong trào ngày càng nở rộ, tai nạn bất ngờ ở Dalat Ultra Trail (DUT) có thể xem là hồi chuông cảnh tỉnh về những lỗ hổng trong quản lý, cấp phép cũng như các phương án bảo đảm an toàn cho vận động viên (VĐV) tham dự.

Quãng đường dài tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi lũ về.
Quãng đường dài tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi lũ về.

Quyết định quá muộn màng

Trail là bộ môn chạy vượt qua những địa hình không bằng phẳng, đòi hỏi trang bị kỹ càng vì thường là nơi rừng núi heo hút, thiếu thốn cơ sở vật chất. Tạm gác lại vẻ đẹp hoang sơ của cảnh quan thiên nhiên hay những câu chuyện chia sẻ đầy cảm hứng từ các chân chạy chuyên nghiệp, chạy trail tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nguy hiểm.

Những năm trước đây, DUT được tổ chức vào tháng 3 (khoảng thời gian lý tưởng ít xảy ra rủi ro nhất), thì năm nay thời điểm khai mạc được lùi lại tới cuối tháng 6 (đầu mùa mưa), do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Với diễn biến thời tiết bất thường ở Đà Lạt trong 10 ngày gần đây, không chỉ vượt suối, xoáy nước, VĐV còn phải leo qua những con dốc trơn trượt, tiềm tàng nguy cơ sạt lở. Như chia sẻ của những người trong cuộc, có ba đoạn đường dễ xảy ra tai nạn nhất: đoạn sạt lở ở km 40, các đoạn suối chảy xiết và dốc Lang Biang.

Mưa lớn ở thượng nguồn vào trưa 20-6 khiến nước lũ dâng cao đột ngột trùng với thời điểm diễn ra sự kiện marathon. Ban tổ chức đã không can thiệp kịp thời, nên tất thảy vẫn giữ nguyên lộ trình theo kế hoạch định sẵn. Để rồi, nạn nhân xấu số bị nước cuốn trôi trong lúc cố gắng vượt qua khu vực suối Vàng (xã Đạ Sal, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng).

Trên website chính thức của DUT ghi rõ: “Trong trường hợp ban tổ chức nhận thấy đường chạy không đủ an toàn (có thể vì trời mưa to, gió lớn, sạt lở, thiên tai…), ban tổ chức có thể toàn quyền cân nhắc việc thay đổi đường chạy hoặc hủy bỏ cả giải đấu”. Mặc dù vậy, chỉ sau khi trời đổ mưa tầm tã khá lâu, khiến sự cố đáng tiếc xảy ra, ban tổ chức mới chính thức thực hiện trách nhiệm này.

“Ít nhiều có chủ quan”

Rõ ràng, an toàn cho VĐV phải là ưu tiên hàng đầu khi tổ chức các giải thể thao. Các cuộc thi marathon trên đường bằng đã vô cùng khắc nghiệt, thi trên núi cao ở các cự ly 70 - 100km thì càng khắc nghiệt, rủi ro hơn. Chính vì vậy, ban tổ chức phải chuẩn bị ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng cho mỗi người. Cần nhiều đội ngũ y tế túc trực ở các địa điểm có nguy cơ xảy ra sự cố để sơ cấp cứu kịp thời bên cạnh việc thông báo và hướng dẫn cụ thể với VĐV về các điểm nguy hiểm, núi cao, vực sâu, nơi trơn trượt để những người tham gia nắm được.

Sau khi sự cố xảy ra, bà Nguyễn Thị Nguyên - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, Trưởng ban tổ chức giải đã thừa nhận: “Ban tổ chức chưa có phương án tốt cho giải diễn ra trong điều kiện thời tiết mưa, bởi các năm trước giải đều diễn ra trong mùa nắng. Mặt khác, Lâm Đồng là nơi ít có sạt lở trong rừng, không có lũ quét nên chúng tôi ít nhiều có chủ quan. Vì thay đổi thời gian trước áp lực đăng ký quá đông nên ban tổ chức không dự liệu được những rủi ro về thời tiết. Thật sự đây là tai nạn đáng tiếc. Sau lần này, chúng tôi sẽ nghiêm khắc trong việc cấp phép cho các giải chạy diễn ra trong mùa mưa, thậm chí không cấp phép”.

Nhưng, bên cạnh đó, ông Ngô Duy Thi, Phó Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lâm Đồng, khẳng định: “10 ngày nay thời tiết ở Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng khá xấu, giông lốc, mưa lớn bất chợt xảy ra, gây lũ, lũ quét rất nguy hiểm”. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, lượng mưa tại TP Đà Lạt đo được từ 41 - 48 mm. Chiều 19-6, Đài khí tượng cũng có nhiều bản tin cảnh báo có thể xảy ra mưa dông ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh.

Vậy, tại sao một giải đấu với hơn 6.200 người tham dự vẫn được tổ chức trong điều kiện thời tiết như vậy?

Lỗ hổng chết người

Điều 9, Thông tư số 09/2012/TT/BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có nêu:

“…Cơ quan tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng quốc tế phải gửi báo cáo bằng văn bản về Tổng cục Thể dục - Thể thao ít nhất 20 ngày trước ngày khai mạc giải”…

Có điều: Thẩm quyền cấp phép cho các giải đấu không chuyên thuộc về UBND tỉnh, thành phố. Nhiều tỉnh, thành phố đứng ra đăng cai các giải chạy phong trào, nếu không chủ động báo cáo thì sẽ rất khó để Tổng cục có thể kiểm soát. Một bất cập nữa nằm ở khoảng thời gian 20 ngày được nhận định là quá ngắn. Nếu có vấn đề thì cũng khó hoãn thời điểm khai mạc vì mọi việc “đã rồi”, các VĐV đã chuẩn bị bước vào thi đấu.

Sau DUT, hai giải chạy Hoàng Su Phì Loop Ultra Trail (với cự ly 17 km, 51 km) và Vietnam Mountain Marathon (với sáu cự ly 10 km, 15 km, 21 km, 42 km, 70 km và 100 km) sẽ được tổ chức ở Việt Nam. Với câu chuyện đau lòng đã xảy ra tại DUT, sẽ là không thừa để ngành thể thao cũng như các cơ quan có thẩm quyền một lần nữa rà soát, siết chặt lại các quy định về tổ chức và tiến hành những giải thi đấu như vậy.

Trail là cách để các VĐV tự khám phá giới hạn của bản thân, nhưng chính trail cũng có những giới hạn không thể vượt qua: Sự an toàn và sinh mạng vô giá của con người.