Bóng đá nữ Việt Nam

Giận mà thương!

Dù đã bị xử lý nghiêm khắc (sáu án phạt treo giò, phạt tiền năm cầu thủ), nhưng vụ ẩu đả ngay trên sân giữa đội TP Hồ Chí Minh 1 và đội Than khoáng sản Việt Nam tại Giải vô địch bóng đá nữ quốc gia vừa qua vẫn để lại dư âm rất xấu đối với dư luận xã hội. Một bài học xương máu, dành cho những nhà quản lý và cả giới cầu thủ.

Giận mà thương!

Vừa đau, vừa thương

Cay cú ăn thua, thất vọng, không giữ được bình tĩnh…, tất cả khiến cho trận đấu giữa đội TP Hồ Chí Minh I và đội Than khoáng sản Việt Nam trở nên hỗn loạn khi tiếng còi kết thúc trận đấu vừa vang lên. Màn hỗn chiến tưng bừng ở sân Thống Nhất trở thành một hình ảnh lố bịch của bóng đá Việt Nam trong năm 2018. Thậm chí, ngay cả các cầu thủ nam ở V-League và Giải hạng Nhất cũng không “ăn thua đủ” với nhau như vậy.

Bên cạnh đó, còn có cả hình ảnh một số người hâm mộ nhảy xuống sân rượt đuổi, thậm chí quá khích đến mức động tay động chân với các cầu thủ nữ, càng như đổ thêm dầu vào lửa. Chứng kiến cảnh tượng này, ai cũng phải ngao ngán. Còn với huấn luyện viên hai đội bóng trên, họ thừa nhận mình đã không kiểm soát được tình hình, và nhận lỗi lớn thuộc về ban huấn luyện, thuộc về “người lớn”.

Thực tế, đây không phải là lần đầu cầu thủ nữ ẩu đả như phim hành động trên sân. Tuy nhiên với đặc thù của bóng đá nữ (ít nhận được sự quan tâm của khán giả và giới truyền thông), nhiều vụ việc đã nhanh chóng “chìm xuồng”. Tuy nhiên, lần này, mọi chuyện đã đi quá giới hạn.

Song, từ trước tới giờ, nhắc đến bóng đá nữ, người hâm mộ dành nhiều sự đồng cảm, xót thương và mến mộ chứ hiếm khi trách cứ. “Ðời con gái đi đá bóng”, đánh đổi cả tuổi thanh xuân đã là một sự hy sinh lớn. Mà cần phải nhắc lại: Ðội tuyển nữ Việt Nam từng năm lần giành Huy chương vàng SEA Games, còn bóng đá nam chưa một lần đạt được thành tích ấy.

Nói như huấn luyện viên Mai Ðức Chung, “cầu thủ nữ đã thiệt thòi, khó khăn đủ thứ rồi, giờ lại tự làm mất hình ảnh của mình, là một nỗi đau lớn”. Dẫu vậy, sau sự cố lần này, có nhiều chuyện đã trở nên rõ ràng.

Chữa bệnh từ gốc

Án phạt của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ góp phần răn đe các cầu thủ, nhưng hậu quả tệ nhất sau vụ ẩu đả trên sân Thống Nhất chính là việc nhiều gia đình sẽ không còn muốn để con gái họ đến với bóng đá nữa.

Vì vậy, cách mà những nhà quản lý tác động đến câu chuyện lúc này như thế nào là rất quan trọng. Chuyện đánh nhau chắc chắn là sai. Không ai cổ súy chuyện cầu thủ đánh nhau, dù là bóng đá nam hay bóng đá nữ. Ðó là hành động thiếu fair-play trong môn thể thao vua. Nhưng bên cạnh những án phạt, thì vấn đề giáo dục vẫn đang bị xem nhẹ ở hầu hết các đội bóng, cả nam và nữ.

Một huấn luyện viên đội bóng nữ phía bắc nói rằng các cầu thủ đa số xuất thân từ vùng quê nghèo, theo bóng đá để bớt một miệng ăn cho gia đình. Trong khi đó với nhiều câu lạc bộ, việc duy trì sinh hoạt, tập luyện đã rất khó khăn, nói gì tới chuyện cho các cầu thủ đi học văn hóa, hoặc thuê thầy về dạy? Ðó là chưa kể: Tất cả các đội bóng đá nữ, đều không có chuyên gia tâm lý.

Huấn luyện viên Mai Ðức Chung bày tỏ: “Các em đã biết sai, và ban huấn luyện hai đội cũng cần giáo dục lại các cầu thủ sau sự cố này. Tôi xin nhắc lại là án phạt được đưa ra nhưng quan trọng nhất chính là giáo dục cầu thủ để họ nhận thức được sau vụ việc đáng tiếc, từ đó trở thành bài học với các cầu thủ trẻ”.

Ðồng tình với huấn luyện viên Mai Ðức Chung, Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết ngay sau khi sự cố xảy ra trên sân Thống Nhất, VFF đã có văn bản gửi các câu lạc bộ về việc phải nâng cao trách nhiệm giáo dục cầu thủ. Ðây cũng là bài học với VFF, khi sự quan tâm với bóng đá nữ những năm qua đã tốt hơn nhưng chưa phải đã đáp ứng đầy đủ nguyện vọng của các nữ cầu thủ cũng như nhu cầu từ thực tế.

Ở một vấn đề khác, khi cổ động viên có thể nhảy vào sân đánh các cô gái, rõ ràng có sự thiếu chu đáo ở khâu tổ chức. Văn hóa cổ vũ của một bộ phận khán giả thiếu chuẩn mực cũng rất đáng lên án, và đó cũng chính là một thách thức lớn, không chỉ với bóng đá nữ nói riêng mà là với cả nền thể thao Việt Nam.