Quần vợt Việt Nam nhìn từ Davis Cup

Đủ rồi, vòng quay cũ!

Trên sân nhà, đội tuyển (ĐT) quần vợt Việt Nam vừa hoàn thành mục tiêu giành quyền lên chơi ở nhóm 2 khu vực châu Á - Thái Bình Dương giải đồng đội nam thế giới (Davis Cup) một cách đầy thuyết phục. Song, ngay lúc này, Lý Hoàng Nam cùng các đồng đội đã lại phải đối mặt với thử thách cực lớn: Làm thế nào để trụ lại ở nhóm 2 thay vì sớm tụt về nhóm 3, như một kịch bản quen thuộc?

Đủ rồi, vòng quay cũ!

Ngoài lợi thế sân nhà, ngay từ trước khi vòng loại khởi tranh tại Cung điền kinh trong nhà Hà Nội, ĐT Việt Nam đã được đánh giá rất “sáng cửa” thăng hạng. Một phần bởi cả tám đối thủ Xy-ri (Syria), A-rập Xê-út (Saudi Arabia), Ca-ta (Qatar), Châu Đại Dương (Pacific Oceania), Ma-lai-xi-a (Malaysia), Cô-oét (Kuwait), Gioóc-đa-ni (Jordan) và Cam-pu-chia đều chỉ “ngang cơ” hoặc “dưới tầm” quần vợt Việt Nam.

Quan trọng nhất, chưa bao giờ đội tuyển quần vợt Việt Nam tham dự Davis Cup lại có đội hình đẹp cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng như lần này. Bên cạnh trụ cột Lý Hoàng Nam (ảnh) là hai tài năng trẻ đang lên Trịnh Linh Giang và Phạm Minh Tuấn, đều đủ sức thay thế cho Nguyễn Hoàng Thiên vắng mặt. Các nhà quản lý huấn luyện cũng có quyết định sáng suốt từ chính đề xuất của những người trong cuộc, khi gọi trở lại cựu binh Lê Quốc Khánh - tay vợt chuyên đánh đôi giàu kinh nghiệm nhất “làng banh nỉ quốc nội”. Chính nhờ vậy, Quốc Khánh đã không chỉ cùng với Minh Tuấn tạo thành một đôi rất mạnh, mà còn giúp cho Linh Giang và nhất là Hoàng Nam có thể tập trung cao độ cho các trận đánh đơn. Sức mạnh của đội còn được nhân lên khi chuyên gia người Pa-ki-xtan (Pakistan) Tanveer Ashiq sát cánh cùng HLV Trương Quốc Bảo, để hỗ trợ đắc lực nâng tầm về chuyên môn, điều chỉnh chiến thuật và tâm lý cho các học trò, cũng như lựa chọn đấu pháp hợp lý nhất trước từng đối thủ.

Tất cả tạo nên một hành trình chiến thắng ngoạn mục theo cách không thể thuyết phục và ấn tượng hơn. ĐT Việt Nam đã có được bốn trận toàn thắng, và gần như chỉ gặp đôi chút khó khăn trong trận quyết định gặp ĐT Qatar. Trong bốn trận ấy, đội chủ nhà chỉ “mất” duy nhất một trận đánh đôi khi Quốc Khánh - Minh Tuấn để thua đôi của Pacific Oceania. Đáng nói, cả Hoàng Nam và Linh Giang đã thắng tuyệt đối cả bốn trận đánh đơn, đều với tỷ số 2-0. Riêng Lý Hoàng Nam, mọi trận đều chỉ mất khoảng 60 phút để “giải quyết” các đối thủ.

Chứng kiến màn trình diễn của ĐT Việt Nam tại giải, ngay cả một người kỹ tính như cựu tuyển thủ Trần Đức Quỳnh cũng đánh giá: Đội hình tại Davis Cup lần này là lực lượng mạnh nhất từ trước tới nay, trong lịch sử quần vợt Việt Nam.

Đến giờ, tròn 15 năm sau ngày trở lại sân chơi Davis Cup, quần vợt Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ, chưa thoát khỏi nhóm 3 khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dù có đôi lần chen chân được lên nhóm 2. Chỉ tính từ năm 2014, đội tuyển quần vợt nam thường xuyên phải chấp nhận nghịch cảnh lên - xuống hạng rất “đều đặn” giữa hai nhóm. Còn nhớ, năm ngoái, ĐT Việt Nam đã phải tức tưởi trở lại nhóm 3, khi để thua ĐT I-ran (Iran) tới 0-3, trong bối cảnh thiếu Hoàng Nam vì chấn thương. Khả năng trụ lại nhóm 2 lâu dài (chứ chưa nói đến việc chinh phục nhóm 1) vẫn là một mục tiêu vô cùng khó khăn, khi mà chính quần vợt Việt Nam chưa có được sự ổn định cả về trình độ lẫn cách thức chuẩn bị.

Chúng ta mới chỉ có một tay vợt có đẳng cấp cao như Hoàng Nam, và cũng đang quá phụ thuộc vào gương mặt đang đứng trong bảng xếp hạng 400 tay vợt hàng đầu của ATP (Hiệp hội quần vợt nhà nghề nam thuộc Liên đoàn quần vợt quốc tế) này. Giới chuyên môn đều ước có thêm một người ngang sức để “chia lửa” với Hoàng Nam, đủ để giúp quần vợt Việt Nam vững vàng ở nhóm 2 và tìm cơ hội “tiến công” vào nhóm 1 tại khu vực. Tuy nhiên, điều đó không thể có, chí ít là trong một vài năm tới. Mà hiện tại bản thân Hoàng Nam cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế khi dự tranh Davis Cup.

Bởi thế, như nhìn nhận của những người có trách nhiệm, có ít nhất ba bài toán cấp bách mà quần vợt Việt Nam phải làm thật tốt, để có thể tạo ra được bước đột phá cho không chỉ sân chơi Davis Cup khu vực, mà còn cho cả nền tảng phát triển, kiến tạo tương lai.

Thứ nhất, phải chăm lo hỗ trợ tối đa về mọi mặt để Lý Hoàng Nam phát triển tài năng đặc biệt của mình. Việc chuẩn bị và tranh tài ở các mùa Davis Cup cũng phải phù hợp và phát huy cao nhất năng lực của trụ cột này. Thứ hai, thúc đẩy mạnh mẽ sự thăng tiến của các tài năng trẻ như Phạm Minh Tuấn và nhất là Trịnh Linh Giang, nhất là sau khi Hoàng Thiên đã xin nghỉ để du học kết hợp với tập luyện tại Mỹ. Chỉ cần một trong hai người tiến bộ, chắc chắn khả năng tranh chấp của quần vợt Việt Nam tại Davis Cup sẽ nâng lên đáng kể. Và nếu cả hai thăng tiến, đó sẽ là một viễn cảnh tuyệt vời. Thứ ba, thuê chuyên gia ngoại chất lượng cao để dẫn dắt Đội tuyển Việt Nam dài hạn, đồng thời đảm trách cả vai trò của một Giám đốc kỹ thuật tại Liên đoàn Quần vợt Việt Nam.

Như thừa nhận của Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt Việt Nam Nguyễn Quốc Kỳ, đã đến lúc không thể chấp nhận nghịch cảnh lên - xuống, xuống - lên đều đặn đến mức “nhàm chán” như thế. Và tiến trình thay đổi sẽ bắt đầu bằng việc “chuyên nghiệp hóa” triệt để hơn nữa, từ những điều cụ thể nhất.