Dồn sức cho Olympic 2020

Sau năm 2019 thành công vang dội với điểm nhất rực rỡ SEA Games 30, thể thao Việt Nam (TTVN) bước sang năm mới với một cơ hội nâng tầm quan trọng mang tên Olympic. Cả ngành thể thao - mà trực tiếp là các HLV, VĐV của hàng chục đội tuyển (ĐTQG) - đang dốc hết tâm sức cho mục tiêu đầy tham vọng: giành 20 suất tham dự và đoạt huy chương ở đấu trường quốc tế này.

Đội tuyển cử tạ tiến sát tới ba tấm vé chính thức tham dự Olympic Tokyo.
Đội tuyển cử tạ tiến sát tới ba tấm vé chính thức tham dự Olympic Tokyo.

Cách đây bốn năm, TTVN đã trải qua một kỳ Olympic đại thắng khi có tới 23 tuyển thủ của 10 môn vượt qua vòng loại, cùng kỳ tích huy chương vàng (HCV) nhờ công của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Tới Tokyo 2020, TTVN đặt mục tiêu phải giữ vững thành tích đạt được ở Đại hội trước, đồng nghĩa với việc giành từ 15 đến 20 suất dự tranh, có HCV hoặc tối thiểu là huy chương.

Như thừa nhận của Phó Tổng cục trưởng Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn, đây là một mục tiêu vô cùng khó khăn. Trên thực tế, trình độ cùng điều kiện của TTVN vẫn còn cách xa so với đỉnh cao quốc tế, cả về nền tảng chung lẫn các mũi nhọn. Sáu tháng trước cuộc đấu, chúng ta mới có bốn tuyển thủ đoạt vé, trong khi nhiều gương mặt chủ lực ở các môn trọng điểm, điển hình như bắn súng, đã sa sút rõ rệt.

Chưa kể, ở kỳ Đại hội này, tiêu chuẩn tuyển chọn của nhiều môn đã tăng lên đáng kể, rõ nhất với điền kinh. TTVN cũng không có bất cứ niềm hy vọng nào đang ở tầm mức có thể tranh chấp sòng phẳng huy chương. Tuy nhiên, cũng theo ông Phấn, đích nhắm ấy “vẫn khả thi”. Toàn ngành thể thao vẫn đang quyết tâm nỗ lực hết mình cho một “đại chiến dịch”.

Sau SEA Games 2019, 60 tuyển thủ của 15 môn thế mạnh đã được ngành thể thao tập trung đầu tư đặc biệt cho Olympic 2020, với các giải pháp mạnh mẽ về tập huấn thi đấu, dinh dưỡng y học. Trong đó, việc tham dự các giải đấu loại hay các cuộc đấu cọ xát tầm cao được ưu tiên đặc biệt. Chính bởi thế, hàng loạt tuyển thủ, nhất là các ngôi sao, đã phải tập luyện thi đấu liên tục, gần như không có ngày nghỉ, thậm chí xuyên Tết Nguyên đán. Một guồng quay mới, một khí thế mới đã được kết đọng sinh động trong mỗi buổi tập “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” cùng những giải đấu “chiến tới cùng” ngay dịp đầu năm.

Rõ rệt nhất như cử tạ và karatedo, hai đội tuyển gánh sứ mệnh không chỉ kiếm vé mà còn tranh chấp thành tích cao tại Olympic. Thay vì được xả hơi sau chiến tích lần đầu đoạt tới bốn HCV SEA Games, các thành viên cử tạ miệt mài ép cân và tập luyện tám giờ mỗi ngày cho đến 29 tháng Chạp. Chiều 30 Tết, các đô cử lại ra sân bay, lên đường sang trời Âu tham dự Cúp Thế giới. Để rồi, sự hy sinh quãng thời gian nghỉ Tết quý giá bên gia đình đã được đền đáp xứng đáng bằng những tấm HCV. Cử tạ Việt Nam tiến sát tới ba tấm vé chính thức tham dự Olympic Tokyo. Riêng Vương Thị Huyền và Thạch Kim Tuấn đã áp sát nhóm đầu thế giới, tạo bước đà quan trọng cho hy vọng tranh chấp huy chương. Như thổ lộ của Vương Thị Huyền, từ SEA Games cho đến Cúp Thế giới, cô gái Bắc Giang đã tròn hai tháng không về nhà.

Qua mấy ngày nghỉ Tết “tranh thủ”, đúng mồng bốn, đội tuyển karatedo đã hội quân đầy đủ ở Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Hà Nội, bắt đầu hành trình khổ luyện. Theo HLV Mai Xuân Lượng, Olympic 2020 “là thời cơ lịch sử cho karatedo Việt Nam khi môn này lần đầu được đưa vào chương trình thi đấu”. ĐTQG Việt Nam đang hướng tới việc đoạt tối thiểu hai suất tham dự, và cao hơn là có thể đua tranh huy chương. Kể từ giờ, toàn đội sẽ không có ngày nghỉ, tăng khối lượng - độ khó các bài tập lên gấp đôi, xen kẽ với các đợt xuất ngoại tập huấn thi đấu. Riêng nhóm võ sĩ ưu tú sẽ tham dự ít nhất mỗi tháng hai giải quốc tế trong hệ thống để tranh vé. Cả đội xác định tinh thần sẽ phải gồng mình gắng sức hơn nhiều khi tài năng số một Nguyễn Thị Ngoan, người từng đứng trong top 5 thế giới, bất ngờ chia tay thảm đấu.

Tương tự, các đội tuyển điền kinh, bắn cung, bơi cũng “ra quân” từ rất sớm, với sự sẵn sàng cao nhất. Như thường lệ, các tay vợt cầu lông quen thuộc Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang, Nguyễn Thùy Linh thậm chí còn tập luyện như bình thường từ chiều mồng hai Tết. Nhờ chiến lược chịu khó “săn” điểm ở các giải quốc tế vừa sức dù ở rất xa (kể cả châu Phi), bộ ba này đang cầm chắc những tấm vé tới Tokyo.

Trong khi đó, kiếm thủ Vũ Thành An cũng chinh phục Olympic theo cách riêng. Sau SEA Games, An đã không chỉ tự tập mà còn trải qua vài lần một mình xuất ngoại đấu giải để kiếm điểm nâng hạng. Phía trước anh còn từ bốn đến sáu giải gian khó nữa để cạnh tranh với hai đối thủ trực tiếp của Nhật Bản và Trung Quốc. Vì Olympic, An đã không chỉ “mất Tết” mà chuyện kinh doanh, chăm sóc con trai đầu lòng mới hơn tháng tuổi phải nhờ cậy cả vào vợ và gia đình.

Cơ hội vượt ngưỡng vẫy gọi. Tất cả đều đang tận lực để sẵn sàng.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, ngoài bốn suất chính thức đã có, TTVN đang nhắm thêm vé tới Olympic 2020 ở các môn điền kinh (1-2), bơi (1), cử tạ (2-3), karatedo (2-3), cầu lông (2-3), bắn cung (1), thể dục dụng cụ (1)… rowing (1), canoeing (1). Bóng đá nữ cũng được kỳ vọng lần đầu đoạt vé. Bắn súng, môn từng mang về một HCV, một HCB ở kỳ Đại hội trước với xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, gần như đã không còn cơ hội có đại diện. Hai môn có hy vọng tranh huy chương là cử tạ và karatedo.