Để thể thao Việt Nam vươn cao, vươn xa

Ngay tại đấu trường khu vực SEA Games, dù nỗ lực vươn lên không ngừng, các môn thi đấu tập thể của thể thao Việt Nam từng phải chứng kiến sự “lép vế” kéo dài. Thế nhưng, thời gian gần đây thực tế đó đã và đang thay đổi rõ rệt, qua sự vươn lên mạnh mẽ của những thế hệ vận động viên (VĐV) trẻ.

Bóng bàn giành HCV đôi nam.
Bóng bàn giành HCV đôi nam.

1. Từng có kỳ Đại hội, nhóm môn này chỉ đóng góp một đến hai Huy chương vàng (HCV), lại ở môn kém phổ biến như bi sắt. Bóng đá nam, bóng chuyền nam và nữ đều chưa từng bước lên ngôi cao nhất. Bóng bàn hiếm hoi mới có lần chạm tới đỉnh cao, song đều trông cả vào sự xuất thần cùng may mắn. Bóng rổ thậm chí còn trải qua 11 năm liền không tập huấn thi đấu quốc tế. Với các môn tập thể hồi đó, mục tiêu châu lục (chứ chưa nói đến thế giới), đều không được tính đến. Có kỳ ASIAD, cả bóng chuyền, bóng bàn đều bị loại ra khỏi danh sách dự tranh.

Hàng loạt lý do đưa ra, từ sự thiếu hụt nền tảng phát triển, khoảng cách trình độ chênh lệch lớn đến hạn chế cơ bản về thể hình, thể lực, rồi khó khăn kinh phí… Thậm chí, có cảm giác như đây là những môn không phù hợp và khó có thể phát triển tại Việt Nam.

Thế nhưng, trên thực tế, đơn cử như bóng đá nam, mỗi năm vẫn đều đặn huy động được một khoản kinh phí khổng lồ, lên tới hàng nghìn tỷ đồng cho các hoạt động. Nhiều mô hình đào tạo trẻ theo chuẩn quốc tế được hình thành. Bóng chuyền nữ cũng vẫn luôn là môn thu hút đông đảo sự quan tâm. Phong trào bóng rổ, cầu lông, bóng bàn nở rộ và bền vững, thu hút nhiều nguồn lực đáng kể từ xã hội, liên tục xuất hiện các nhân tố mới.

Vấn đề mấu chốt để các môn tập thể vượt qua rào cản lúc này, chỉ là quyết tâm cao - cách làm đúng. Trong đó, điều kiện đủ chính là một “cú huých”.

2. Và “cú huých” ngoạn mục ấy đã xuất hiện đúng lúc - kỳ tích của thầy trò HLV Park Hang Seo tại Giải vô địch bóng đá U23 châu Á 2018, với hiệu ứng và sự lan tỏa phi thường. Nó tiếp tục được nối dài qua các màn trình diễn đặc biệt xuất sắc, cả về chuyên môn lẫn tinh thần, qua ASIAD, AFF Cup và hiện tại là vòng loại World Cup.

Những thành quả trong suốt hai năm qua ở nhiều đấu trường ấy, rõ ràng không thể là câu chuyện “xuất thần”, cũng không chỉ vì có một ông thầy ngoại lão luyện như HLV Park Hang Seo. Gốc rễ của thành công vẫn nằm ở một quá trình đào tạo vận động viên trẻ tích cực và bền bỉ của cả ngành thể thao cũng như các địa phương, để có được những lứa cầu thủ trẻ tài năng, giàu khát khao và sức chiến đấu. Họ đã được rèn giũa, tập luyện trong những môi trường chuyên nghiệp. Họ được “kích nổ” hoàn hảo với sự kết đọng của đầy đủ các yếu tố cần thiết.

Rất trùng hợp, ngay sau chức vô địch AFF Cup của các đồng đội nam, đội tuyển bóng đá nữ cũng tái chiếm ngôi đầu khu vực một cách thuyết phục. Họ đang nuôi tham vọng lớn đoạt vé tới Olympic 2020 và Word Cup 2023. Tương tự, môn bóng ném cũng lặng lẽ tạo nên những thành tích vô cùng ấn tượng trên các đấu trường quốc tế. Đội tuyển nam có suất chính thức tham dự Giải vô địch thế giới, và thắng được một trận vòng bảng, đội nữ còn làm được nhiều hơn thế khi đứng thứ tư Đại hội thể thao bãi biển thế giới.

Bên cạnh đó, bóng rổ nam đã “lột xác” hoàn toàn, nhờ bước đột phá của một Liên đoàn được xã hội hóa cao độ cùng một giải đấu chuyên nghiệp. Qua bốn mùa, Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) đã trở thành một sân chơi hàng đầu quốc gia, làm đổi khác diện mạo (và phần nào cả quan niệm) nền tảng phát triển. Bóng rổ đã được “quy hoạch” phấn đấu là môn số hai tại

Việt Nam, trước hết là về khán giả. Đội tuyển bóng rổ quốc gia tự tin đến SEA Games dự tranh với mục tiêu lần đầu có huy chương. Ở cấp độ câu lạc bộ, chúng ta cũng có đại diện xứng đáng tại giải nhà nghề Đông - Nam Á.

Bộ HCV đồng đội nam lịch sử ở SEA Games 29 đã mang tới niềm tin cũng như đòi hỏi nâng tầm cho môn bóng bàn. Nhiều giải pháp bài bản cho không chỉ hiện tại mà cả tương lai đã được triển khai, như đổi mới hệ thống thi đấu, tập trung đội tuyển trẻ quốc gia dài hạn, thuê chuyên gia ngoại chất lượng cao… Nhờ đó, đã phát lộ một lứa tay vợt trẻ đầy triển vọng, điển hình như tài năng 15 tuổi Trần Mai Ngọc, nữ tuyển thủ trẻ nhất của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 30. Bóng chuyền cũng đang trẻ hóa quyết liệt, và đích nhắm cũng không còn chỉ là SEA Games nữa.

3. “Cú huých” vô giá của bóng đá nam cùng xu thế chung tích cực ấy đã có tác động mạnh mẽ, sâu rộng tới các nhà quản lý, huấn luyện, VĐV của tất cả các môn. “Bóng đè” - cách gọi đùa của một thời “vật vã” đối với các môn thể thao đồng đội, giờ chỉ còn là quá khứ. Và bất cứ người hâm mộ nào cũng có thể tự tin để lạc quan về tương lai không xa, các đội tuyển “bóng” của thể thao Việt Nam sẽ còn vươn cao, vươn xa.