Để gian khó lại sau lưng

Bóng đá Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung đã trải qua một năm đầy xáo trộn. Những tác động của đại dịch Covid-19 làm đảo lộn cuộc sống, nhưng các giải đấu bóng đá, thể thao vẫn về đích thành công, với rất nhiều kỷ lục được xác lập.

Sân vận động Thiên Trường phủ kín cổ động viên.
Sân vận động Thiên Trường phủ kín cổ động viên.

Cả thế giới ghen tị với V-League

Ngày 23-5, cuộc chạm trán giữa Nam Định và Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) ở vòng loại Cúp Quốc gia đã diễn ra, đánh dấu sự trở lại của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam sau gần ba tháng tạm hoãn vì Covid-19. Điều đặc biệt, đây là trận đấu đầu tiên trên thế giới cho phép khán giả vào sân cổ vũ. 

Những góc khán đài sôi động, những màn ăn mừng giàu cảm xúc giữa các cầu thủ không bị hạn chế bởi quy định giãn cách xã hội là hình ảnh mà người hâm mộ không thể chứng kiến ở các giải đấu hấp dẫn nhất thế giới như Giải Ngoại hạng Anh, Giải vô địch Tây Ban Nha (La Liga), hay Giải vô địch CHLB Đức (Bundesliga)…

Sau trận đấu này, hàng chục hãng thông tấn lớn đã phải dành những lời ngợi khen, và cả sự ghen tị với giải đấu của Việt Nam. Trong khi đó, ngay các quốc gia láng giềng tại khu vực Đông-Nam Á, cũng “phát sốt” khi được chứng kiến bầu không khí lễ hội tại Thiên Trường.

Với tổng số 73.000 khán giả tới sân, trung bình 10.429 người/trận, vòng 9 V-League 2020 đã xác lập kỷ lục ở mùa giải năm nay. Sân Thiên Trường là một trong những “chảo lửa” đông khán giả nhất ở V-League, dù đội bóng này suýt… xuống hạng. Với nhà vô địch Viettel, họ có chuỗi sáu trận liên tiếp không bị thủng lưới, qua đó san bằng kỷ lục giữ sạch lưới ở V-League của đội Bình Định ở mùa giải 2006.

Thực tế, các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã ba lần phải hoãn vì dịch Covid-19. Có thời điểm, các nhà tổ chức đã cân nhắc tới việc phải tuyên bố hủy giải. Nhưng cuối cùng, V-League vẫn trở lại và kết thúc theo một kịch bản không thể hấp dẫn, kịch tính hơn, ở cả cuộc đua trụ hạng cũng như vô địch.

Có được điều này là nhờ Chính phủ Việt Nam quyết liệt trong công tác dập dịch Covid-19, cũng như ý thức tốt của người dân trong việc chặn đứng đại dịch toàn cầu này. BTC các địa phương có sân thi đấu đều rất cẩn trọng và làm tốt công tác phòng dịch. Khán giả vào sân đều được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và khuyến khích đeo khẩu trang…

Bước chạy đà cho SEA Games và Olympic

Không sôi động như bóng đá, nhưng các môn thể thao thành tích cao vẫn đạt được những kết quả khích lệ, dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Năm 2020, ngành thể thao tập trung công tác chuẩn bị lực lượng tham dự vòng loại Olympic, Paralympic Tokyo, Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 6, SEA Games 31 và Para Games 11 năm 2021… Với các giải trong nước, những môn như điền kinh, bắn súng, bơi, đấu kiếm, võ… cũng đã được tổ chức trong điều kiện tốt nhất có thể.

Đáng chú ý, dù các VĐV gặp nhiều hạn chế trong công tác tập luyện khi gần nửa năm gần như “đóng băng” vì đại dịch, nhưng vẫn đạt được những kết quả “như mơ”. Ở giải bắn súng VĐQG, đã xác lập tới tám kỷ lục, trong đó xạ thủ Lê Thị Mộng Tuyền đã phá tới hai kỷ lục quốc gia. Điều này thật sự còn ngỡ ngàng hơn, nếu biết là nhiều VĐV bắn súng thậm chí còn không có đạn để tập, mỗi năm chỉ được tham dự một vài giải đấu.

Còn ở giải điền kinh VĐQG, VĐV Ngần Ngọc Nghĩa “mở hàng” kỷ lục mới ở nội dung 100m với thành tích 10 giây 40. Nhà vô địch SEA Games 30 Nguyễn Thị Oanh (tỉnh Bắc Giang) đã xuất sắc giành HCV nội dung chạy 10.000m với thời gian 34 phút 08 giây 54, phá kỷ lục quốc gia tồn tại suốt 17 năm ở cự ly này. Kỷ lục quốc gia cuối cùng thuộc về đội tiếp sức hỗn hợp 4x100m nam, nữ của đơn vị TP Hồ Chí Minh. Tú Chinh và các đồng đội đã thiết lập kỷ lục mới với thời gian 42 giây 54. Đây cũng là một trong số năm HCV của Lê Tú Chinh tại giải đấu năm nay.

Việc các mũi nhọn như bắn súng, điền kinh, bơi lội… vẫn ghi dấu ấn trong mùa dịch Covid-19 cũng chính là tín hiệu vui cho sự chuẩn bị của thể thao Việt Nam với các sự kiện lớn năm 2021 như SEA Games 31 và Olympic. 

Đặc biệt, với tiềm lực và trình độ hiện nay thì việc hoàn thành chỉ tiêu 20 vé tham dự Olympic là rất khả quan (hiện đã giành được năm vé). Tuy nhiên, việc giành thành tích (huy chương) tại sân chơi này lại không dễ, đòi hỏi các HLV, VĐV tiếp tục nỗ lực hết sức từ nay tới khi Thế vận hội diễn ra.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện: 

Chưa có năm nào mà các hoạt động thể dục - thể thao (TDTT) đều bị tạm dừng trong một thời gian dài như năm nay. Điều này ảnh hưởng lớn tới kế hoạch cần triển khai của thể thao Việt Nam. Mặc dù vậy, do khống chế tốt dịch Covid-19, các hoạt động TDTT đã và đang trở lại với không khí sôi động, hứng khởi được đông đảo người dân, người hâm mộ hưởng ứng.

Trưởng bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) Dương Đức Thủy:

“Năm 2020 các VĐV gần như phải tập chay, không có chuyên gia nước ngoài. Việc giải điền kinh VĐQG có ba kỷ lục và thành tích các VĐV khá cao, cho thấy tất cả đã biết cách vượt khó để hoàn thành mục tiêu”.

* Không chỉ có một năm thành công về chuyên môn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thể thao Việt Nam năm 2020 còn ghi dấu ấn bởi những hình ảnh đẹp, những hành động thiết thực của các ngôi sao bóng đá, các VĐV, HLV đã cùng cộng đồng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, ủng hộ đồng bào miền trung ruột thịt trong đợt bão lũ lịch sử.