Dấu mốc mới và sự kỳ vọng

Một dấu mốc lịch sử đối với sự phát triển của bộ môn Võ thuật tổng hợp vừa được xác lập, với sự ra đời của Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam (VMMAF) ngày 30-5, góp phần từng bước nâng tầm chuyên nghiệp cho võ thuật tổng hợp nước nhà.

Võ sĩ MMA Nguyễn Trần Duy Nhất đang toàn thắng ở ONE Championship.
Võ sĩ MMA Nguyễn Trần Duy Nhất đang toàn thắng ở ONE Championship.

Bước tiến lớn của một phong trào

Cách đây 10 năm, võ thuật tổng hợp (MMA) là bộ môn còn khá xa lạ. Ở thời điểm ấy, Boxing, Muay Thai, Kickboxing hay Brazilian Jiu-Jitsu… được rất ít người biết tới. Tại Hà Nội, hai câu lạc bộ (CLB) thể hình đầu tiên đặt nền móng cho phong trào tập luyện MMA tại Việt Nam phải kể đến Vietfighter Gym và Dragon MMA. Mặc dù vậy, mãi tới năm 2017, đi cùng sự nở rộ của bộ môn Kickfit cũng như “sức nóng” của các giải đấu võ quốc tế (như UFC, One Championship), phong trào MMA trong nước mới dần trở lại.

Vài năm nay, phong trào võ thuật tổng hợp phát triển vô cùng mạnh mẽ với số lượng đông đảo người tập luyện, thi đấu và giao lưu quốc tế. Cả nước hiện có hơn 50 CLB MMA, nổi bật như Dragon MMA Hà Nội, Saigon Sport Club với cơ sở vật chất hiện đại cùng hàng nghìn người tham gia tập luyện.

Tuy nhiên, do thiếu vắng một Liên đoàn cùng nhiều rào cản về mặt pháp lý nên việc giao lưu và tổ chức các hoạt động liên quan đến MMA trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Ngày 26-4-2019, 13 thành viên Ban Vận động thành lập Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận. Sau gần một năm vận động, Bộ Nội vụ đã ra quyết định cho phép thành lập Liên đoàn Võ thuật tổng hợp Việt Nam (VMMAF) ngày 22-1-2020.

Hơn bốn tháng sau quyết định thành lập chính thức, ngày 30-5, Ðại hội thành lập VMMAF được tổ chức đánh dấu cột mốc lịch sử phát triển của bộ môn MMA, hướng tới chuẩn hóa tổ chức, hệ thống luật lệ thi đấu, đẳng cấp, các kỹ thuật chuyên môn, đưa võ thuật tổng hợp của Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới. Ðại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 21 Ủy viên, trong đó ông Ngô Ðức Quỳnh - Chủ tịch HÐTV Công ty TNHH Dịch vụ Tàu Biển Ðông làm Chủ tịch.

Lộ trình cho sự phát triển

Ðại hội thành lập VMMAF không chỉ mở ra cột mốc mới cho làng võ thuật nước nhà mà còn giúp định hình phương hướng phát triển cũng như xác định các mục tiêu lớn. Cụ thể, Liên đoàn sẽ sớm hình thành một số trung tâm đào tạo và thi đấu MMA tại các địa bàn trọng điểm, vận động đưa võ thuật tổng hợp vào chương trình trường học ở một số địa phương, phối hợp tổ chức giải quốc tế tại Việt Nam, liên kết đào tạo, tập huấn võ sĩ với các cường quốc trên thế giới. Ðặc biệt, Liên đoàn cũng xác định phối hợp phát triển MMA tại các khu du lịch, điểm vui chơi giải trí tập trung.

Ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục Thể dục - Thể thao) khẳng định: “Sau khi thành lập, VMMAF phải xây dựng lộ trình một cách khoa học, logic, để phát triển đúng hướng và hiệu quả. Từ việc phổ biến rộng rãi hệ thống luật thi đấu, rồi bổ sung lực lượng và tổ chức các lớp bồi dưỡng HLV, trọng tài, tới xác định những quy chuẩn để những người tập luyện tham gia thi đấu có thể học tập phát triển theo đúng luật và kỹ thuật quy định. Tiếp đó, phải tăng cường tổ chức các giải đấu trong nước cũng như giao lưu thi đấu quốc tế. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của các CLB, phòng tập cũng cần phát triển mở rộng”.

Năm 2019, một trong những nhà tổ chức MMA hàng đầu châu lục là ONE Championship đã tổ chức giải thi đấu Boxing và Kickboxing ở TP Hồ Chí Minh với chi phí ước tính 1,5 triệu USD. Sự kiện đó được truyền hình trực tiếp tới 113 quốc gia, thu hút 2,2 tỷ người xem trực tiếp, tạo ra nguồn thu khổng lồ. Việt Nam cũng sở hữu nhiều gương mặt thi đấu nổi trội và giành chiến thắng trước các võ sĩ đến từ Phi-li-pin hay Thái-lan. Thực tế đó cho thấy, nếu Liên đoàn làm tốt sẽ huy động được nguồn lực lớn từ xã hội, qua đó đầu tư trở lại, giúp MMA Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Mới nhất, ONE Championship dự kiến tổ chức sự kiện ONE: Hearts of Heroes vào ngày 26-6 tại TP Hồ Chí Minh. Ðây là giải đấu có sự góp mặt của VÐV Nguyễn Trần Duy Nhất, đang toàn thắng ở ONE Championship. Trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát, các bộ môn thể thao rục rịch trở lại thi đấu, người hâm mộ võ thuật nước nhà kỳ vọng giải đấu MMA sẽ mở ra cơ hội cho các võ sĩ Việt Nam thể hiện.

Cuối năm 2019, Hiệp hội Võ thuật Tổng hợp Toàn cầu (GAMMA) đã chính thức nộp đơn đăng ký để được trở thành quan sát viên Hiệp hội Liên đoàn Thể thao Quốc tế (GAISF). Ðây là bước tiến lớn trước khi GAMMA nhận sự sát hạch từ Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) để công nhận MMA là môn thể thao nằm trong danh sách thi đấu tại Thế vận hội.