Đau đáu từ những bữa ăn

Mới đây, mức tiền ăn dành cho các tuyển thủ và tuyển thủ trẻ quốc gia đã được nâng lên mức 290 nghìn đồng/người/ngày. Nghĩa là sau bảy năm, chi phí cho bữa ăn của cả nghìn tuyển thủ mới tăng… 90 nghìn đồng, chưa đủ bù trượt giá. Đây là một trong những minh chứng sinh động, rằng Thể thao Việt Nam (TTVN) đang thiếu nguồn lực cho phát triển đến như thế nào.

Bảy năm, mức tiền ăn của mỗi VĐV ở các Trung tâm HLTTQG cuối cùng cũng tăng được 90 nghìn đồng/người/ngày.
Bảy năm, mức tiền ăn của mỗi VĐV ở các Trung tâm HLTTQG cuối cùng cũng tăng được 90 nghìn đồng/người/ngày.

Chế độ dinh dưỡng 200 nghìn đồng/ngày cho tuyển thủ quốc gia và 150 nghìn đồng cho tuyển thủ trẻ quốc gia được áp dụng từ năm 2011, đã nhanh chóng bộc lộ bất cập, trong điều kiện vật giá leo thang. Các tuyển thủ, nhất là ở những môn có khối lượng vận động nặng, mới chỉ có thể ăn cho đủ no bụng, chứ chưa đủ chất. Thậm chí, các địa điểm nuôi quân cực chẳng đã phải ứng phó bằng cách chia sẻ khẩu phần ở những môn có nhu cầu thấp như thể dục dụng cụ, bắn súng cho các môn đòi hỏi cao như cử tạ, vật, karatedo.

Phải đến tận bây giờ, qua bảy năm, mức ăn no bụng ấy mới được nâng lên mức 290 nghìn đồng/ngày. Ðiểm tích cực nhất của sự thay đổi là chuyện đã không còn phân biệt giữa tuyển thủ quốc gia và tuyển thủ trẻ như trước. Các tuyển thủ trẻ, vốn đòi hỏi dinh dưỡng cao, đã được bảo đảm gấp đôi mức cũ. Ðiều đó chắc chắn sẽ có những tác động lớn đối với việc tập luyện, thi đấu của các đối tượng đang "tuổi ăn tuổi lớn" này.

Chỉ có điều, đối với các tuyển thủ quốc gia - những người đang gánh vác trực tiếp trọng trách về thành tích, thì mức tiền ăn tiếng là tăng mà cũng như không. Ðơn giản, vì mức mới 290 nghìn đồng, đặt trong điều kiện vật giá leo thang, thậm chí có lẽ còn không đủ "rộng rãi" như mức 200 nghìn đồng vào năm 2011. Nó chỉ giúp các Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia (HLTTQG) đỡ khổ hơn trong việc cân đối nuôi quân, chứ chưa thể đáp ứng cho các tuyển thủ quốc gia ăn ngon, ăn đủ chất, càng chưa thể mơ mộng đến những bữa ăn theo đúng đặc thù của từng môn. Không chỉ với mức 290 nghìn đồng, mà ngay cả mức 400 nghìn đồng dành riêng cho mấy chục tuyển thủ trọng điểm cũng chưa đủ để bếp ăn các Trung tâm HLTTQG đáp ứng dinh dưỡng theo đúng đặc thù từng môn, từng nhóm VÐV như đáng ra phải thế.

Xem ra việc giải quyết bài toán dinh dưỡng cho các tuyển thủ quốc gia vẫn sẽ chỉ mang tính ứng phó theo tình thế.

Mức tiền ăn, hay tiền công đối với các tuyển thủ quốc gia cũng chỉ là một trong hàng loạt vấn đề nan giải, thử thách lớn mà ngành thể thao phải đối mặt, mà nguyên nhân cốt lõi là câu chuyện thiếu nguồn lực phát triển một cách nghiêm trọng.

Nhiều năm trở lại đây, ngành thể thao chỉ nhận được phân bổ 750-800 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp mỗi năm. Muốn biết nó khiêm tốn như thế nào, hãy so với khoản tương ứng của Thái-lan lên tới 4 tỷ bath (khoảng gần 2.500 tỷ đồng). Và khi sự chênh lệch ghê gớm đó đã được duy trì trong cả một quá trình dài, mục tiêu bám đuổi nền thể thao số 1 của khu vực Ðông - Nam Á trong tương lai gần là rất khó. Thực tế đã chứng minh rằng cái mốc năm 2010 hay năm 2015 cho việc bắt kịp nền thể thao láng giềng ấy, như lãnh đạo ngành thể thao từng đặt ra cách đây 10 năm, là phi thực tế đến thế nào.

Nguồn lực hạn chế, dù năm nào cũng ưu tiên tối đa cho thể thao thành tích cao với tỷ lệ chiếm tới 70% kinh phí, song ngân sách của TTVN chỉ đáp ứng 60% nhu cầu thực tế của việc đào tạo, tập huấn thi đấu…, chỉ thuộc diện trung bình của khu vực Ðông - Nam Á. Càng đáng nói hơn vì sau SEA Games 2003, TTVN cũng không còn có một chương trình mang tính mục tiêu quốc gia (với nguồn kinh phí riêng 150 tỷ đồng/năm) như ngày ấy.

Cùng đó, ngành thể thao còn vấp phải những thách thức lớn, kéo dài liên quan đến cơ sở vật chất, ngay cả với các trung tâm hàng đầu cả nước. Ðiển hình như trường bắn, phòng tập thể dục dụng cụ tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội, phòng tập cử tạ tại TP Hồ Chí Minh… Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc phát hiện, đào tạo, chăm sóc cho VÐV, rõ nhất về y học, dinh dưỡng gần như chưa có, chỉ mang tính nhỏ giọt.

Ðã vậy, chính ngành thể thao cũng đang yếu cả người làm lẫn cách làm. Chúng ta chưa hội đủ các điều kiện, yếu tố cần thiết để tạo nên một hệ thống đào tạo lực lượng, đáp ứng về số môn, nội dung, những VÐV đủ trình độ để tranh chấp thành tích cao ở tầm châu lục, mà chỉ "giải quyết" được bài toán ở tầm mức khu vực SEA Games.

Như ví von của chính những người trong cuộc, quá khó để một tuyển thủ quốc gia, dù có tài năng và quyết tâm đến đâu, có thể vươn tới tầm châu lục, tập luyện trong các điều kiện như những năm 1980 ở Trung tâm HLTTQG, với mức tiền ăn 290 nghìn đồng/ngày và nhận tiền công tối đa 6-7 triệu đồng/tháng.

Chỉ là chuyện về bữa ăn thôi, nhưng cũng là bao nhiêu đòi hỏi, bao nhiêu yêu cầu bức thiết về việc tìm kiếm những hướng đột phá để có thêm nguồn thu phục vụ cho sự phát triển của nền thể thao nước nhà. Xã hội hóa thể thao thật sự khó khăn đến như vậy sao?