Con số 0 tròn trĩnh

Ðối với các nền thể thao phát triển, dữ liệu thể thao đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng và phát triển của mỗi vận động viên (VÐV). Tuy nhiên, ở Việt Nam điều này vẫn còn là khái niệm khá xa lạ.

Một buổi tập trong nhà của các cầu thủ U22.
Một buổi tập trong nhà của các cầu thủ U22.

Hồ sơ bệnh án cầu thủ

Năm 2018, huấn luyện viên (HLV) Park Hang Seo từng có cuộc trò chuyện cùng báo chí và giới truyền thông trước thềm Ðại hội Thể thao châu Á (ASIAD) tổ chức tại In-đô-nê-xi-a, với nội dung xoay quanh công tác chuẩn bị và tình hình chấn thương cũng như nhân sự của đội tuyển (ÐT). Ông thầy người Hàn Quốc tỏ ra vô cùng bất ngờ khi biết bóng đá Việt Nam vẫn chưa có hồ sơ y tế của các cầu thủ đã góp mặt trong ÐT quốc gia.

"Tôi ngạc nhiên khi Việt Nam không có bảo tàng lưu trữ dữ liệu về cầu thủ. Bảo tàng ở đây có nghĩa là những ghi chép tỉ mỉ nhất về các vấn đề liên quan y tế của mỗi cá nhân. Ðó là tiền sử chấn thương của họ, về vị trí thi đấu mà họ đảm nhận. Những ghi chép này là thứ tối quan trọng đối với một HLV khi xây dựng đội bóng. Nhưng ở đây, mọi thứ đều thiếu".

Ðây không phải là lần đầu các HLV khi nhận trọng trách tại ÐT Việt Nam than khó vì thiếu dữ liệu về các cầu thủ. Năm 2014, HLV Toshiya Miura cũng từng phát biểu tương tự. Chính Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng thừa nhận thiếu sót về vấn đề này và để ông thầy người Nhật trải nghiệm phần mềm Instat (Phần mềm phân tích dữ liệu về cầu thủ, VÐV) trong ba tháng.

Sau đó, VFF chính thức ký kết hợp đồng mua bản quyền sử dụng phần mềm này, có giá trị khoảng 20.000 Euro, để HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng sử dụng khi lên nắm quyền cách đây bốn năm. "Bóng đá thế giới phát triển không ngừng nên việc công nghệ liên tục được áp dụng là điều tất yếu. Nhiều người cho rằng tốn kém nhưng vào thời điểm đó, quyết định ấy là cần thiết, nếu không muốn nói là còn hơi chậm so với thế giới" - ông Trần Quốc Tuấn, Tổng Thư ký VFF khẳng định.

"Thật ra, đây mới chỉ là gói cung cấp dữ liệu và thông số của các tuyển thủ Việt Nam. Sau trận đấu, toàn bộ băng hình được gửi về máy chủ của Instat. Chậm nhất là 12 giờ sau, VFF sẽ nhận lại toàn bộ dữ liệu về cầu thủ của ÐT thi đấu trận vừa rồi. Từ đó, HLV Hữu Thắng sẽ có cái nhìn chi tiết hơn về từng vị trí", ông Tuấn chia sẻ thêm.

Dù vậy, tới khi HLV Park Hang Seo lên nắm quyền, hồ sơ các cầu thủ từng lên tuyển lại vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Và ông thầy người Hàn Quốc vẫn phải làm lại từ đầu. Những lần tập trung tiếp theo của ông và các học trò ngay lập tức được trang bị thêm vòng đo chỉ số cơ thể, vật dụng giúp theo dõi nhịp tim, khối lượng vận động…

Con số 0 tròn trĩnh -0

Hồ sơ dữ liệu sẽ giúp nâng cao sự phát triển của các tài năng trẻ. 

Xu hướng tất yếu

Không chỉ giúp các HLV trưởng ÐT có thêm thông tin và góc nhìn về cầu thủ đang trong tầm ngắm, hồ sơ cầu thủ hay VÐV nói chung còn giúp phát triển và đánh giá một cách tổng quát về hướng đi, xu hướng phát triển của những tài năng trẻ.

Giữa năm 2019, ÐT U19 nữ Việt Nam tập trung chuẩn bị cho vòng chung kết giải U19 nữ châu Á diễn ra tại Thái-lan. Ðây cũng là lần đầu các cầu thủ làm việc với HLV người Nhật Bản Akira. Hầu hết các cô gái đều ngạc nhiên với sự thay đổi rất khác biệt về nếp sinh hoạt, tập luyện mà ông thầy mới áp dụng.

"Sáng dậy, trước khi tập luyện chúng em đều phải điền vào hồ sơ cá nhân về trạng thái cơ thể: tình hình chấn thương thế nào, cảm thấy chất lượng bữa ăn ra sao… Ðây là điều hoàn toàn mới lạ, ở câu lạc bộ hay ÐT trước đây chưa từng phải làm như vậy", một cầu thủ nữ chia sẻ. Việc làm này tuy xa lạ với những nữ tuyển thủ U19, nhưng lại là điều mà nhiều nền bóng đá phát triển tại châu Á đã và đang áp dụng để theo dõi và lập hồ sơ cầu thủ.

"Ở Ô-xtrây-li-a, trước khi bắt đầu buổi tập, các cầu thủ phải làm một bài kiểm tra về sức khỏe và tâm lý. Họ phải trả lời những câu hỏi như đã ăn uống những gì vào hôm qua và trước khi đi tập, có sử dụng chất kích thích hay không? Chất lượng giấc ngủ thế nào và ngủ được bao lâu?" - HLV Phan Anh Ðào, người đang làm việc ở bang Queensland, cho
biết - "Những báo cáo ấy sẽ trở thành hồ sơ thông tin cá nhân để CLB có thể quản lý và đưa ra quyết định có nên ký hợp đồng chuyên nghiệp với cầu thủ trẻ đó không, bao giờ đưa họ lên các đội lớn hơn để tiếp tục phát triển? Hoặc cũng có thể tư vấn cho chính cầu thủ hay gia đình đó về con đường phát triển lên chuyên nghiệp".

Trở về câu chuyện của bóng đá và thể thao Việt Nam gần đây, nhiều trung tâm đào tạo trẻ đã bắt đầu sử dụng và lập hồ sơ cá nhân cho từng cầu thủ cũng như VÐV trẻ. Tiêu biểu có thể kể đến Trung tâm Ðào tạo Bóng đá trẻ PVF. Các cầu thủ sau khi thi đỗ vào trung tâm này đều phải trải qua các kỳ thi sát hạch hoặc kiểm tra y tế, kỹ năng để đánh giá tổng thể. Qua đó, các HLV có thể nắm được các thông số và sự phát triển của từng cầu thủ trước khi đi đến quyết định giữ hoặc loại cầu thủ đó trong các chương trình phát triển tiếp theo.

Chính HLV Park Hang Seo cũng đã dùng công nghệ kiểm tra này để chọn ra danh sách cầu thủ tham dự ASIAD 2018. Ở giải đấu này, ÐT Olympic Việt Nam lần đầu lọt vào bán kết và tạo ra cột mốc lịch sử cho bóng đá nước nhà.

Việc áp dụng công nghệ hỗ trợ và lập hồ sơ là điều cần thiết và chắc chắn đem đến hiệu quả về lâu dài. Vậy nhưng, với bóng đá nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung, vẫn phải cần thêm thời gian để điều đó trở thành một phần tất yếu.