Chuyện nhỏ, thành không nhỏ

Chỉ vì về tập trung đội tuyển bóng chuyền nữ tham dự SEA Games 30 chậm ba ngày, chủ công Trần Thị Thanh Thúy có thể sẽ bị loại khỏi danh sách. Điều đáng nói, vụ việc thật ra khá đơn giản, nhưng những gì diễn ra lại tạo nên sự căng thẳng không cần thiết.

Sẽ là thiệt thòi rất lớn cho bóng chuyền Việt Nam, nếu Thanh Thúy không thể thi đấu bởi những quy định quá cứng nhắc.
Sẽ là thiệt thòi rất lớn cho bóng chuyền Việt Nam, nếu Thanh Thúy không thể thi đấu bởi những quy định quá cứng nhắc.

Niềm vui qua mau

Sau thời gian thử việc một tuần hồi tháng 8, chủ công hàng đầu Việt Nam - Thanh Thúy đã đáp ứng được yêu cầu của đội bóng đến từ Nhật Bản - CLB Denso Airybees. Đội bóng này mùa trước xếp hạng 5 chung cuộc giải vô địch quốc gia Nhật Bản (J-League 1). Gia nhập CLB Denso Airybees, Thanh Thúy là cầu thủ cao thứ hai trong đội (sau tay đập người Trinidad Tobago Sinead Jack với 1,97 m) và trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên thi đấu cho giải đấu cao nhất của Nhật Bản.

Giám đốc của đội bóng chuyền nữ Long An, ông Thái Bửu Lâm, khẳng định: “Có nhiều CLB ở Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, Thái-lan muốn có được chữ ký của Thanh Thúy. Nhưng chúng tôi ưu tiên để Thúy có trải nghiệm tại Nhật Bản, nền bóng chuyền nữ đang xếp hạng sáu thế giới”. Trong khi đó, Thanh Thúy hào hứng chia sẻ về chuyến xuất ngoại của mình: “Tôi thích nền bóng chuyền của Nhật Bản. Phong cách họ thi đấu máu lửa và chắt chiu. Tôi muốn được học hỏi nhiều hơn”.

Trước khi thi đấu tại Nhật Bản, chủ công 22 tuổi Thanh Thúy là tay ghi điểm giàu kinh nghiệm bậc nhất làng bóng chuyền nữ Việt Nam hiện nay khi từng thi đấu nhiều năm cho các CLB VTV Bình Điền Long An, Bangkok Glass (Thái-lan), Attack Line (Đài Bắc Trung Hoa), và là tay đập chủ lực của tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam. Theo giới chuyên môn đánh giá, Thanh Thúy sẽ còn chơi hay hơn nữa bởi cô còn rất trẻ. Đặc biệt, việc liên tục được các đội bóng mạnh của châu Á mời thi đấu giúp cho chủ công sinh năm 1997 có cơ hội phát triển sự nghiệp, hoàn thiện kỹ năng để trở thành một cầu thủ giỏi toàn diện.

Thế nhưng, bản hợp đồng của Thanh Thúy vừa mới ký xong, cô đã gặp rắc rối, bởi những nguyên tắc rất cứng nhắc không ai lường trước.

Bao giờ mới chuyên nghiệp như bóng đá?

Phía CLB Denso Airybees muốn Thanh Thúy phải tập trung toàn lực thi đấu cho đội trong suốt cả mùa giải, chỉ được về thi đấu cho tuyển bóng chuyền Việt Nam ở SEA Games trước 10 ngày. Tuy nhiên, sau khi hợp đồng hai bên đã thống nhất, phía Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam mới đây lại yêu cầu Thanh Thúy phải có mặt từ ngày 17-11 thay vì ngày 20-11 như thỏa thuận với CLB của Nhật Bản.

Rõ ràng sau khi đạt sự thống nhất với CLB Denso Airybees, Thanh Thúy không thể tự ý phá bỏ các điều khoản bởi cô đối mặt với nguy cơ bị phạt, thậm chí có thể bị chấm dứt hợp đồng. Nhưng nếu không về sớm hơn ba ngày, Thanh Thúy cũng có thể bị Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cấm dự SEA Games. Những nhà quản lý bóng chuyền nước nhà không muốn tạo nên tiền lệ xấu. Đi không được, ở chẳng xong, Thanh Thúy chắc chắn bị ảnh hưởng nhiều tới sự tập trung trong giai đoạn rất quan trọng này ở đội bóng mới.

Ở làng bóng chuyền Việt Nam, ai cũng phải thừa nhận tài năng của Thanh Thúy, và mong cho cô phát triển hơn nữa khi ra nước ngoài thi đấu. Việc bắt Thanh Thúy phải về nước sớm trước ba ngày cũng khó giải quyết được việc gì. Cần biết rằng, ngay cả chủ nhà Philippines cũng đã chấp nhận để tay đập Santiago thi đấu tại Nhật Bản, mà không yêu cầu phụ công cao 1m96 phải về nước dự SEA Games. Hay như trường hợp các VĐV Thái-lan trước đây, họ chỉ hội quân cùng ĐTQG cách SEA Games đúng ba ngày, thế là đủ với một VĐV chuyên nghiệp.

Nhìn rộng ra, với môn thể thao vua như bóng đá, các cầu thủ cũng chỉ được CLB trả về khoác áo ĐTQG trước ba ngày (cả di chuyển). Việc được thi đấu đỉnh cao sẽ giúp các cầu thủ bảo đảm được phong độ, thay vì chỉ là tập luyện.

Trở lại câu chuyện của Thanh Thúy, phía Long An khẳng định họ sẽ để VĐV của mình thi đấu tại Nhật Bản bằng bất cứ giá nào. Trong trường hợp Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam không điều chỉnh lại thời gian, mọi thứ sẽ trở nên rất căng thẳng, và điều đáng lo ngại nhất có thể xảy ra là Thanh Thúy không được dự SEA Games.

Giới bóng chuyền nhìn nhận đây là vấn đề đơn giản, nhưng lại đang trở nên phức tạp. Điều đáng nói, bóng chuyền Việt Nam chưa có quy định rõ ràng về thời gian tập trung với các VĐV thi đấu ở nước ngoài (vì trước nay rất ít VĐV được xuất ngoại), mà chỉ có những thông báo như trường hợp của Thanh Thúy, đẩy cả đội bóng và VĐV vào thế khó.

Việc xây dựng kế hoạch thiếu chuyên nghiệp vô hình trung tạo thành rào cản với các VĐV - những người có cơ hội phát triển sự nghiệp ở nước ngoài, quay về phục vụ cho chính ĐTQG của mình.