Chặng đường chông gai

Năm suất chính thức tới Thế vận hội Tokyo 2020 là một sự khởi đầu đầy khích lệ, thế nhưng thể thao Việt Nam mới đi được một phần tư chặng đường trong mục tiêu giành 20 tấm vé dự Olympic. Chặng đường ấy càng trở nên chông gai và gian nan hơn bao giờ hết, khi các đội tuyển đang gặp rất nhiều khó khăn vì dịch Covid-19.

Thể thao Việt Nam quyết vượt khó trên con đường tới Olympic Tokyo 2020.
Thể thao Việt Nam quyết vượt khó trên con đường tới Olympic Tokyo 2020.

Tập chay chờ… chuyên gia

Trước Tết Nguyên đán, hầu hết các chuyên gia nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam đều được về nước nghỉ phép. Dịch Covid-19 bùng phát khiến rất nhiều chuyên gia gặp khó khăn trong việc nhập cảnh trở lại. Trong suốt nhiều tháng, các VÐV chủ lực đã phải tập chay tại trung tâm hay ở nhà. Một số cá nhân vẫn được các chuyên gia hướng dẫn qua hình thức trực tuyến, nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần nào đó.

Phó Tổng cục trưởng Thể dục - Thể thao, ông Trần Ðức Phấn chia sẻ: Phần lớn các đội tuyển đều thuê chuyên gia theo hình thức hợp đồng, ngắn và dài hạn. Thành tích của thể thao Việt Nam trong những năm gần đây tốt lên rất nhiều, là nhờ có sự song hành của đội ngũ chuyên gia nước ngoài. Ngay cả những VÐV từng giành Huy chương Vàng Olympic như Hoàng Xuân Vinh cũng phải có chuyên gia Hàn Quốc theo kèm.

Cuối tháng 7, làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần thứ hai khiến kế hoạch đưa chuyên gia sang Việt Nam tiếp tục phải gác lại. Thực tế, ngành thể thao đã xúc tiến các thủ tục đưa chuyên gia Trung Quốc nhập cảnh theo đường bộ, nhưng đến phút cuối vẫn "tắc" vì quy định cách ly của các địa phương. Hiện tại, các đội tuyển như bơi lội, bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông… đều trông ngóng chuyên gia, bởi tất cả đã được lên giáo án tập luyện từ đầu năm, nhưng giờ buộc phải tập chay.

VÐV Huy Hoàng, người đã chính thức có vé dự Olympic Tokyo 2020 cho biết, khoảng thời gian vừa qua thành tích tập luyện không cao do chủ yếu phải tự tập luyện, không có sự hướng dẫn của chuyên gia Trung Quốc. Trong khi đó, HLV Trương Minh Sang của đội tuyển Thể dục dụng cụ (TDDC) chia sẻ, các thành viên trong đội vẫn phải động viên nhau, nỗ lực hơn nữa để lấp vào khoảng trống khi không có chuyên gia ngoại.

"Hy vọng dịch Covid-19 sớm được khống chế để các chuyên gia được nhập cảnh vào Việt Nam. Thời gian từ nay tới Olympic 2020 và SEA Games 31 đang ít dần, trong khi khối lượng công việc lại ngày một lớn", ông Trần Ðức Phấn cũng bày tỏ những lo ngại trước thực trạng hiện nay.

Không hạ chỉ tiêu

Trong năm 2021, thể thao Việt Nam tham dự nhiều sự kiện lớn, trong đó đáng chú ý là Olympic Tokyo và SEA Games 31 (tổ chức trên sân nhà). Hướng đầu tư của ngành thể thao là "hai trong một", mục tiêu Olympic trước, sau đó dồn toàn lực cho chiến dịch SEA Games, với khoảng thời gian cách nhau sáu tháng.

Cho đến thời điểm hiện tại, thể thao Việt Nam đã có năm suất chính thức dự thế vận hội, gồm: Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Lê Thanh Tùng (TDDC), Nguyễn Hoàng Phi Vũ và Ðỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung), Nguyễn Văn Ðương (boxing). Cái đích của thể thao Việt Nam là giành ít nhất 20 suất vượt qua vòng loại, nghĩa là chỉ tiêu còn tới 15 tấm vé nữa.

Ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Thể thao thành tích cao I, Tổng cục Thể dục - Thể thao, cho biết, thể thao Việt Nam còn khá nhiều VÐV trọng điểm đang phấn đấu có suất dự Olympic, có thể kể đến các VÐV ở môn cử tạ, bắn súng, điền kinh, đấu kiếm, đua thuyền, cầu lông… Thế nhưng, theo ông Vinh, việc các VÐV không được tập với chuyên gia, không được đi tập huấn và thi đấu quốc tế, gây ảnh hưởng nhiều tới phong độ.

Dù tất cả đều là những vướng mắc chung, nhiều nước trong khu vực thậm chí còn không được tập luyện…, nhưng các nhà quản lý thể thao nước nhà cũng như đang "ngồi trên đống lửa". Năm 2020 đã trôi qua quá nửa trong khi kế hoạch tập luyện vẫn chủ yếu là duy trì thể lực, thay vì đã bước vào các bài tập nâng cao, tăng độ khó như kế hoạch.

Olympic 2020 dự kiến khai mạc vào ngày 21-7-2021 và trước đó khoảng hai tháng các giải có tính chất vòng loại sẽ kết thúc. Ông Trần Ðức Phấn khẳng định, Tổng cục Thể dục - Thể thao chưa có ý định hạ chỉ tiêu, bởi sự chuẩn bị cho Olympic cũng chính là hướng tới SEA Games 31, hai sự kiện quan trọng như nhau.

Chưa khi nào đường tới Olympic của thể thao Việt Nam chông gai như kỳ này, thế nhưng với truyền thống vượt khó, và trên tất cả là những nỗ lực của các HLV, VÐV, chúng ta vẫn có quyền hy vọng Việt Nam một lần nữa được xướng tên trên bảng tổng sắp huy chương tại Thế vận hội Tokyo sắp tới.

DIỆP CHI