V-League 2019 trước ngày khai mạc

Buồn vui lẫn lộn

Sau năm 2018 đầy khởi sắc, bóng đá Việt Nam hướng tới năm 2019 với nhiều kỳ vọng về sự đổi thay. Giải vô địch bóng đá quốc gia (V-League) dĩ nhiên luôn là giải đấu được quan tâm nhất bởi đây là sân chơi số 1, là nguồn cung cấp cầu thủ tốt nhất cho các đội tuyển. Và đó cũng là cơ sở chân thực nhất để đánh giá về tính chuyên nghiệp của cả nền bóng đá.

Buồn vui lẫn lộn

Vắt chân lên cổ

Vấn đề khiến Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đau đầu nhất vẫn là... tiền. Một tuần trước ngày V-League 2019 khởi tranh, VPF vẫn chưa chính thức công bố tên nhà tài trợ. Điều này thật sự là một nghịch lý, bởi năm 2018 thành công rực rỡ lẽ ra đã phải tạo nên một hiệu ứng đủ hấp dẫn để các Mạnh Thường Quân đổ tiền vào bóng đá.

“Tôi đã bạc cả tóc vì chuyện kiếm tiền cho công ty, cho ba giải chuyên nghiệp Việt Nam. Tôi chỉ có thể tiết lộ: V-League đã có một nhà tài trợ muốn ký hợp đồng kéo dài 5 năm, còn hai giải cúp quốc gia và hạng nhất hiện tại vẫn đang tìm kiếm tài trợ”, Chủ tịch VPF Trần Anh Tú than thở.

Sau khi Toyota rút lui (để tài trợ cho…Giải vô địch quốc gia Thái-lan - Thai-League), Noti Cafe cũng chỉ gắn bó với V-League trong một năm, rồi không gia hạn hợp đồng. V-League 2018 có nhiều tín hiệu tích cực từ số lượng khán giả, nhưng như vậy là chưa đủ để thu hút các doanh nghiệp lớn.

Bên cạnh đó là câu chuyện bản quyền truyền hình. Ông Trần Anh Tú cho hay: Mùa giải 2018, đối tác Next Media trả 1 tỷ đồng tiền bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia và hy vọng con số này sẽ tăng ở mùa 2019 khi có một số đối tác quốc tế đang đặt vấn đề mua bản quyền V-League 2019. Ông Tú nhấn mạnh: Khi bản quyền truyền hình có nguồn thu lớn, mọi thứ sẽ dễ làm hơn rất nhiều. Nhìn sang Nhật Bản, giải J-League của họ bán bản quyền truyền hình được 172 triệu USD trong mùa 2018, trên tổng thu nhập 250 triệu USD. Thế nhưng với V-League, nguồn thu này vẫn ở dạng tiềm năng. Tất nhiên, các CLB cũng phải cải thiện chất lượng mặt cỏ, khán đài… nhằm phục vụ việc hình ảnh giải đấu được phổ biến rộng ra nhiều quốc gia.

Nhưng hiện tại, V-League vẫn là một giải đấu không có nhà tài trợ lớn và gắn bó lâu dài, một giải đấu mới chỉ bắt đầu kiếm được tiền từ bản quyền truyền hình, và chưa thể có nguồn thu ổn định từ bán vé, bán đồ lưu niệm…

Thay đổi hình ảnh V-League

Dù đối mặt với những khó khăn, nhưng V-League vẫn rất được chờ đợi, đó là điều không thể phủ nhận. Sự chờ đợi đó luôn gắn liền với những kỳ vọng đổi thay tích cực.

Một trong những vấn đề nhức nhối nhất của bóng đá Việt Nam nói chung và hệ thống thi đấu các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia nói riêng là công tác điều hành - phân công trọng tài và công việc của trọng tài. Trước mùa giải mới, VFF đã tổ chức lớp tập huấn cho các giám sát và trọng tài tại Hà Nội (từ ngày 17 đến 21-2). Đây là đợt sát hạch quan trọng với đội ngũ “cầm cân nảy mực” trên sân cỏ. Bên cạnh đó, Công ty VPF đã làm việc với đại diện của Thai-League về việc hỗ trợ ứng dụng công nghệ VAR cho mùa giải 2019. Việc áp dụng VAR chính là nỗ lực nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tranh cãi liên quan đến công tác trọng tài. Song, theo Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh, các đội bóng cũng phải thể hiện sự chuyên nghiệp, người hâm mộ đến sân cổ vũ văn hóa, không gây áp lực cho đội ngũ trọng tài. “Vấn đề này cần phải được chung sức giải quyết từ nhiều phía”.

Một sự thay đổi khác cũng đã gần như mang tính bắt buộc: Các đội bóng phải đáp ứng tiêu chí chuyên nghiệp của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC). Hiện tại, mới chỉ có 5/14 CLB là đáp ứng các tiêu chí này.

Cũng liên quan đến vấn đề phát triển bóng đá chuyên nghiệp, VFF và VPF khẳng định sẽ đặc biệt quan tâm về mặt hình ảnh cho giải đấu. Cụ thể, về vấn đề cơ sở vật chất và đặc biệt là mặt sân cỏ ở các SVĐ cần được chú trọng đầu tư. Dựa trên kinh nghiệm của CLB Hà Nội mùa giải vừa qua, mức kinh phí dành cho việc nâng cấp mặt sân vào khoảng 500 - 600 triệu đồng. Đây là số tiền không quá lớn, nhưng lại thay đổi được hình ảnh của trận đấu.

Về vấn đề kỷ luật, đại diện VPF và VFF nhấn mạnh: Sẽ tiếp tục xử phạt nặng những CLB, ban quản lý sân để xảy ra tình trạng đốt pháo sáng.

Những thay đổi thời gian qua đã giúp V-League lọt tốp 10 giải đấu đang phát triển tốt nhất châu Á. Tuy nhiên, như những nhà quản lý kỳ vọng, sau gần 20 năm tiến lên chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam cần phải tăng tốc mạnh mẽ hơn.

Căng thẳng cuộc đua trụ hạng
Trước giờ khởi tranh, ngôi vô địch V-League đã sớm được dự đoán sẽ là cuộc chơi riêng của CLB Hà Nội, khi họ không có đối thủ thực thụ mạnh nào. Trong khi đó, cuộc đua xuống hạng hứa hẹn rất quyết liệt khi có tới 4 - 5 đội bóng như Thanh Hóa, Nam Định, TP Hồ Chí Minh, thậm chí là Hoàng Anh Gia Lai đã sớm được chỉ mặt, điểm tên.