Bước chuyển hướng chiến lược

Kể từ năm 2003, thể thao Việt Nam luôn giữ vững một vị trí trong nhóm ba đoàn dẫn đầu (tốp 3) tại Đại hội Thể thao Đông - Nam Á (SEA Games). Tuy nhiên, ở đấu trường châu Á (ASIAD) vị trí cao nhất là 15 và ở kỳ Đại hội Thể thao châu Á mới đây chúng ta đứng thứ 17.

Thành tích ở tầm châu lục đã trở thành chuyện “bình thường” với rowing Việt Nam.
Thành tích ở tầm châu lục đã trở thành chuyện “bình thường” với rowing Việt Nam.

1 Cách đây đúng 10 năm, nhiều chuyên gia, trong đó có nguyên Vụ trưởng Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh lần đầu đặt ra vấn đề thời sự “Thể thao Việt Nam (TTVN) không nhất thiết phải luôn bảo vệ bằng được một vị trí tốp 3 tại các kỳ SEA Games”. Đó phải được coi như một sự “giải thoát” khỏi những thành tích thời vụ tầm thấp, sự dàn trải để tập trung nguồn lực cho mục tiêu tầm cao là ASIAD và Olympic. Thế nhưng, quan điểm ấy đã lập tức vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ chính ngành thể thao: SEA Games mới là sân chơi chính yếu, phù hợp, hiệu quả với TTVN, còn ASIAD vẫn là một đấu trường quá tầm.

Từ sự chọn lựa mang tính gốc rễ như thế, thật dễ hiểu, cách tiếp cận, mô hình đào tạo, cách thức đầu tư… của cả ngành thể thao tiếp tục tập trung cả cho đích nhắm SEA Games. Có tới hàng nghìn tuyển thủ của trên dưới 40 môn được duy trì tập huấn quanh năm suốt tháng, với điều kiện và chế độ mang tính cào bằng ở mức thấp.

Rốt cuộc, Việt Nam luôn giữ vững vị thế hàng đầu SEA Games song vẫn giẫm chân tại chỗ ở ASIAD, nơi mỗi tấm huy chương, đặc biệt HCV, đòi hỏi sự phấn đấu, nỗ lực tột độ cùng cả may mắn. Qua chín lần phó hội, cao nhất TTVN mới chỉ đứng thứ 15 trên bảng tổng sắp. Tại ASIAD 2018, dù số HCV tăng gấp bốn lần so với hai kỳ Đại hội trước song cũng chỉ giúp Việt Nam tăng được vài bậc trên bảng xếp hạng, đứng thứ 17 toàn đoàn. Chúng ta vẫn còn nằm ở nhóm trung bình khá, kém xa nhóm dẫn đầu, thậm chí còn đang đứng trước nguy cơ ngày càng tụt hậu.

2 Chỉ hai kỳ ASIAD trước, như ví von của chính những người trong cuộc, có “khùng” mới nghĩ tới khả năng giành huy chương của bơi lội Việt Nam, nhất là nội dung nam. Đơn giản vì khi ấy, môn này còn “ăn đong” từng tấm huy chương ngay ở SEA Games, và chỉ cử vài VĐV tham dự ASIAD đúng nghĩa “thi xong nhanh để về”.

Thật may mắn cho bơi Việt Nam vì đúng thời điểm bước ngoặt ấy lại xuất hiện một tài năng mang tên Ánh Viên. Càng may mắn hơn, bởi những người có trách nhiệm vào năm 2011 đã tìm ra nguồn lực, cách làm đúng, để rồi cô gái đất Tây Đô liên tiếp đột phá, liên tiếp lập kỳ tích, trở thành một hiện tượng đặc biệt ở tầm mức quốc tế. Thành quả của Ánh Viên đã mang đến một hiệu ứng, một cột mốc lịch sử cho chính môn bơi đang gian khó về mọi mặt. Một sự thay đổi chưa từng có, cả từ phong trào lẫn đỉnh cao, từ ngành thể thao tới mỗi địa phương.

Chẳng những “siêu kình ngư” Ánh Viên ngày càng được chăm lo chuyên biệt đúng chuẩn quốc tế, mà cả bộ môn bơi, cùng nhiều địa phương cũng học theo từ đó. Hàng loạt tài năng trẻ được tuyển chọn, phát hiện, đào tạo một cách bài bản, thậm chí còn được đầu tư trọng điểm sớm và mạnh không thua gì Ánh Viên. Năm 2015, đội tuyển bơi lội quốc gia đã gây dựng được một lứa tuyển thủ trẻ đầy triển vọng, để chính thức gia nhập nhóm đầu tại SEA Games. Thêm hai năm nữa, Việt Nam đã vượt hẳn lên vị trí thứ hai, thu hẹp đáng kể khoảng cách với “cường quốc” bơi lội Xin-ga-po. Tại ASIAD 2014, bơi giành hai HCĐ. Đến ASIAD 2018, chúng ta đã có HCB đầu tiên.

Ngoài bước tăng tốc thần kỳ của môn bơi, rất nhiều môn có xuất phát điểm thấp, tưởng như luôn khó với TTVN đã phát triển nhanh, tiếp cận và thậm chí đạt tới trình độ hàng đầu châu lục. Giờ đây, với điền kinh, thể dục dụng cụ, bắn súng, rowing, canoeing, đấu kiếm… chuyện đoạt huy chương châu lục đã trở nên quen thuộc, dù ở các mức độ khác nhau.

Những thành quả đáng khích lệ ấy đã minh chứng TTVN hoàn toàn đủ sức vươn lên tầm châu Á.

3 Thành công bước đầu ấy cũng có nguyên nhân quan trọng từ sự chuyển hướng tích cực của ngành thể thao trong thời gian gần đây, khi đã tập trung cao độ cho một số môn Olympic có khả năng, điều kiện vươn cao. Hiện tại, khoảng vài chục tuyển thủ xuất sắc ở các môn thế mạnh đã được đưa vào diện chăm sóc trọng điểm, với mức tiền công, tiền ăn lên tới 800 nghìn đồng/người/ngày.

Mới đây, ngành thể thao, theo cách trực tiếp hay gián tiếp, đã thừa nhận thực tế không thể mãi chạy theo tốp 3 SEA Games, cũng như phải phân cấp, liên thông mạnh mẽ giữa các đấu trường, để “vươn lên tầm châu Á, tiến công vào Olympic” đúng như mục tiêu từng được những người có trách nhiệm nêu ra từ hội nghị toàn ngành năm 2006.

Dù thế, những động thái đáng mừng ấy vẫn là chưa đủ. Đã đến lúc, TTVN cần phải có sự thay đổi căn bản, ngay từ chính sự chọn lựa chiến lược giữa các sân chơi, mà ở đó ASIAD phải là trọng tâm. Sự chuẩn bị phải gắn chặt với các giải pháp đáp ứng chuẩn quốc tế, đồng thời phù hợp với thực tế Việt Nam. Và mục tiêu cho TTVN sẽ cần thay đổi theo đúng nghĩa: ưu tiên cho các VĐV trẻ và tập trung cho các môn Olympic, kết hợp đầu tư tinh gọn của Nhà nước với khuyến khích xu hướng xã hội hóa.